Thị trường viễn thông Việt Nam cần tái cơ cấu mạnh mẽ
(ICTPress) - Những năm qua, ngành Viễn thông phát triển bùng nổ, Việt Nam có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất thế giới, nhiều doanh nghiệp trưởng thành, doanh thu ấn tượng, từng bước tạo được vị thế vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.
Ảnh: Vietnamnet |
Tuy nhiên, vẫn còn một số “gam” màu xám như chất lượng dịch vụ, vấn đề cạnh tranh, một số các doanh nghiệp phát triển chưa bền vững. Do đó cần thiết phải đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường viễn thông như chủ trương của chính phủ đề ra, mục tiêu phát triển lành mạnh thị trường, doanh nghiệp phát triển bền vững, cung cấp dịch vụ cho người sử dụng một cách tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho các bên Nhà nước - Doanh nghiệp - Người sử dụng.
Tại Tọa đàm Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam được Câu lạc bộ nhà báo CNTT - Viễn thông tổ chức mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết theo đánh giá khách quan của Ngân hàng thế giới (World Bank) năm 2010 thì thị trường viễn thông Việt Nam rất cạnh tranh. Nhưng có nghịch lý hầu hết doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế đều là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt, nhất là trong lĩnh vực thông tin di động rồi Internet. Tuy nhiên, quản lý nhà nước thì chúng ta chưa quen trong cách thức quản lý cạnh tranh, nhiều nội dung quản lý phải học tập kinh nghiệm quốc tế ở những nước có cơ chế thị trường tương đối hoàn hảo, đặc biệt là vấn đề dịch vụ.
Chất lượng dịch vụ thì còn nhiều vấn đề tồn tại. Để đầu tư phát triển công nghệ mới như 3G cần nguồn vốn đầu tư rất lớn mới phủ được sóng 3G có chất lượng đến mọi miền đất nước. Mức độ đầu tư hiện nay của các doanh nghiệp chưa hoàn toàn đạt như mong muốn, tốc độ suy giảm khi lượng người sử dụng tăng lên, nên có vấn đề chất lượng 3G, Internet băng rộng thông qua di động. Tại Tổng kết công tác Cục Viễn thông năm 2013, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết năm 2014 cần tập trung nhiều hơn vào công tác thúc đẩy chất lượng dịch vụ viễn thông. Các đơn vị thuộc Bộ đang triển khai tích cực về quy chuẩn, đầu tư trang thiết bị, kiểm soát doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp tăng cường đầu tư, đảm bảo chất lượng cung cấp cho người sử dụng.
Tại Quyết định 32 của Thủ tướng về Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020, trong đó có nội dung quan trọng là Thủ tướng xác định trong mỗi thị trường dịch vụ viễn thông cố gắng có ít nhất 3 doanh nghiệp - theo thông lệ thế giới, những nước thị trường cạnh tranh mạnh đều có ít nhất 3 doanh nghiệp cạnh tranh thị trường.
Năm 2014, Bộ TT&TT đặt vấn đề tái cơ cấu thị trường và doanh nghiệp viễn thông một cách quyết liệt. Tâm điểm là tái cơ cấu VNPT. Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc VNPT mới đây đã điểm qua lịch sử tái cơ cấu của đơn vị: “VNPT đã có một đợt theo chương trình Cổ phần hóa, VNPT có nhiều đơn vị cổ phần hóa, sau đó tách bưu chính khỏi tập đoàn, năm 2013 Tổng Công ty Bưu điện tách khỏi tập đoàn thành đơn vị thuộc Bộ TT&TT quản lý".
Tháng 5/2012, Tập đoàn VNPT đã trình Thủ tướng việc tái cơ cấu VNPT, hồi đó VNPT đề nghị sáp nhập Mobifone và Vinaphone. Quan điểm của tập đoàn VNPT là cùng lúc không quản lý hai mạng di động. Nếu không cổ phần hóa kịp thì sát nhập tạo thành một mạng. Nhưng quan điểm của cơ quan Nhà nước lớn hơn, tầm nhìn lớn hơn về thị trường. Tập đoàn đã nghiên cứu nhiều phương án, cả tách nhập, cả ưu và nhược. Cuối cùng thống nhất phương án tách Mobifone khỏi tập đoàn với mục tiêu phần còn lại có bức tranh tài chính lành mạnh để tiếp tục phát triển trong những năm tới, ông Hùng cho biết thêm.
Báo giới cũng đã đặt câu hỏi cho ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT cho biết trong đề án VNPT trình Chính phủ theo hướng tách MobiFone, tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Tại sao lại không phải là VinaPhone? Theo ông Phạm Hồng Hải, “Có nhiều nội dung trong đề án tái cơ cấu, hầu hết theo ý kiến các Bộ, ngành và chỉ đạo của Thủ tướng. Duy có nội dung tách một trong hai mạng di động MobiFone hoặc Vinaphone, tại nhiều cuộc họp, các thành viên Chính phủ và Thủ tướng cho biết Tập đoàn VNPT nghiên cứu phương án để hình thành doanh nghiệp mới. Trên cơ sở phương án VNPT trình ra, phương án tách MobiFone có một số điểm: Một là MobiFone có thương hiệu khá mạnh, tách ra sẽ giúp chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp của Chính phủ nhanh chóng hơn, hoạt động tương đối độc lập hơn VinaPhone trong tập đoàn. Hai là đảm bảo cho tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh để phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở cân nhắc ưu nhược của các phương án, Tập đoàn kiến nghị tách MobiFone, có kế hoạch để tái cơ cấu lại toàn bộ tập đoàn để hình thành doanh nghiệp năng động hơn, thích ứng hơn trong thời gian tới”.
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông thì việc cổ phần hóa MobiFone mang lại lợi ích vì về nguyên tắc không nên tổ chức nhiều đơn vị cạnh tranh trong một chủ sở hữu. Cạnh tranh ở Việt Nam như ông bố cho ba con ra ở riêng, thực sự chưa cạnh tranh hoàn toàn hiệu quả.
Theo ông Mai Liêm Trực 3 đứa con là ba nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel đều trực thuộc sự quản lý của Nhà nước.
Ông Trực cho rằng: “Nếu có doanh nghiệp không phải của Nhà nước thì rõ ràng trong hoạt động kinh doanh sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ, doanh nghiệp nào cũng xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường trục, lãng phí tài sản của Nhà nước. Viettel, VinaPhone, MobiFone đều xây dựng đường trục. Quản lý Nhà nước còn vấn đề chưa ổn. Pháp lệnh và Luật Bưu chính viễn thông đã có điều khoản về việc sử dụng hạ tầng chung nhưng không ai làm. Không vững tay trong tư duy quản lý, bắt buộc dùng chung cơ sở hạ tầng là lãng phí nguồn lực Nhà nước. Nếu doanh nghiệp không phải nhà nước thì sẽ thuê chứ không nhất thiết phải đi xây tất cả các yếu tố. Cạnh tranh là tốt, có lợi nhưng mặt khác cạnh tranh chưa hoàn chỉnh. Chỉ cần 1 - 2 doanh nghiệp Nhà nước, còn 1 - 2 Doanh nghiệp khác là cổ phần hoặc tư nhân thì cạnh tranh lành mạnh hơn. Quản lý Nhà nước mạnh tay hơn trong quản lý cơ sở hạ tầng. Vì chủ trương như vậy, đã có chủ trương cổ phần hóa MobiFone từ những năm 1995 - 1996 nhưng mãi không làm được. Tái cấu trúc cả thế giới làm. Trước tái cấu trúc sản phẩm, quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp do doanh nghiệp làm. Nhưng tái cấu trúc ở mặt quốc gia thì Nhà nước làm. Tập trung vào VNPT cũng là điểm đúng.”
Về việc tái cấu trúc thị trường Viễn thông, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm: “Cải cách là điểm chốt nhất, tạo ra cấu trúc thị trường cạnh tranh và tái cấu trúc một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt là VNPT, trong đó tách MobiFone và Vinaphone. Cạnh tranh của thị trường Viễn thông là hạn chế vì số lượng thành viên không vô hạn như taxi, lúa gạo... Chưa nói là cùng một bố mẹ. Nguyên tắc là không lấy việc bảo vệ người chơi trên thị trường làm chính mà lấy việc tạo áp lực cạnh tranh để buộc phải thay đổi. Việc gia nhập thị trường rất tốn kém. Phải áp lực cạnh tranh cho những người đang chơi trên thị trường. Có nhiều cách, thứ nhất là phải sửa đổi quyền lực của người quản lý cạnh tranh. Thứ hai, chúng ta thường quên áp lực cạnh tranh của người tiêu dùng. Thứ ba, tại sao phải Cổ phần hóa MobiFone vì có công nghệ tốt, sẽ tạo áp lực cạnh tranh cho hai doanh nhiệp còn lại. Cổ phần hóa MobiFone với đối tác chiến lược có năng lực, công nghệ để tạo áp lực cạnh tranh. Chưa nói những đặc thù khác như vấn đề an ninh quốc phòng, công ích".
“Ví dụ câu chuyện Viettel là không đơn giản. Trong TPP về nguyên tắc phải tách doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp thương mại. Nếu làm an ninh quốc phòng thì đó là vấn đề công ích. Phải tách ra, không thể nhập nhèm. Nếu chúng ta cam kết thì sẽ phải làm. Riêng câu chuyện Viettel để thỏa mãn nguyên tắc lớn nhất trong TPP là một câu chuyện. Còn rất nhiều điều mà thị trường Viễn thông chưa phải cạnh tranh dù biết số lượng thành viên còn hạn chế. Thứ nhất, vấn đề minh bạch. Thông tin không đầy đủ thì không có thị trường cạnh tranh ”, ông Thành cho hay.
Với tư cách công ty tư nhân, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC phát biểu: “Rất khó khăn trong cạnh tranh vì thị trường chưa thực sự cạnh tranh, có cạnh tranh nhưng chưa tự do. Giá cước viễn thông có thể rất rẻ - là cạnh tranh, nhưng doanh nghiệp tư nhân phải cạnh tranh dựa trên hiệu quả. Có thể đưa tiềm lực mạnh bù sang chỗ yếu thì những ông mới mon men ra sẽ không bao giờ gia nhập được thị trường. Tôi có niềm tin vì Luật Viễn thông đã ra. Có niềm tin chắc chắn phải theo quy luật thị trường thì mới có khả năng phát triển, đi lên trong thị trường.
Câu chuyện của VNPT có ảnh hưởng tới CMC. Nếu lại tiếp tục 3 ông Nhà nước, 99% thì “nguy hiểm” quá. Chúng tôi chẳng có "cửa" nào. Nếu một trong ba ông trụ cột là doanh nghiệp tư nhân thì chúng tôi sẽ có cơ hội. Lĩnh vực của chúng tôi là Internet. Nếu không cẩn thận, vì lợi ích doanh nghiệp thì chẳng hạn câu chuyện OTT, với vị thế được độc quyền, nếu là giám đốc VNPT thì sẽ tìm mọi cách để cản trở OTT. Nhưng đối thủ cạnh tranh khác không cho quyền đó thì không thể hạn chế OTT. OTT là xu hướng mới không thể đảo ngược được. Không thể cấm. Nếu nhìn một cách tích cực thì có thể mở ra một thị trường mới, ông Chính cho biết thêm.
"Nếu MobiFone tách ra một công ty sẵn sàng cổ phần hóa thì đó là dấu hiệu đáng mừng của chúng tôi, HT Mobile mãi vẫn chưa lên được, SPT thì “chết” rồi. Nếu chẳng may thu của Nhà nước tụt xuống thì có thể có chỉ đạo xem lại nếu chỉ nhìn thuần về quản lý Nhà nước về góc thu. Nếu nhìn rộng ra, cả doanh nghiệp tư nhân - lợi ích của xã hội, người tiêu dùng, thì về nguyên lý, Nhà nước phải bảo vệ, xây dựng để các doanh nghiệp đó phát triển.”, ông Chính cho hay.
Theo ông Phạm Hồng Hải thì sau quyết định tái cấu trúc VNPT, tất cả các doanh nghiệp như GTEL, SPT đều có văn bản của Bộ TT&TT yêu cầu tái cấu trúc, trên cơ sở đó có phương án tái cấu trúc toàn bộ thị trường viễn thông. Những doanh nghiệp không có khả năng phát triển tiếp thì phải có phương án tổ chức lại, hoặc bán đi hoặc sáp nhập,.. theo quy định hiện hành của Luật doanh nghiệp. Ví dụ như EVN Telecom được sát nhập vào Viettel.
Tóm lại, quá trình tái cấu trúc thị trường Viễn thông nói riêng và tái cấu trúc DNNN nói chung, theo ông Võ Trí Thành có nhiều chiều cạnh, trong đó mấu chốt và muốn đẩy nhanh nhất là minh bạch hóa. Kể cả 100% vốn DNNN thì sắp tới có thể cũng phải công bố thông tin như một doanh nghiệp trên sàn.
Ông Thành cho biết Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đang chuẩn bị Nghị quyết buộc các DNNN, tập đoàn, tổng công ty phải minh bạch hóa, từ chuyện lên sàn, cổ phần hóa,…Tương lai 2020 còn nắm giữ rất ít 100% DNNN, chủ yếu doanh nghiệp đặc thù như quốc phòng,… Còn lại cơ bản thoái vốn 100%, cơ bản coi như tư nhân hóa. Cổ phần hóa bên cạnh minh bạch hóa, nguyên tắc tối thượng không phải là tiền mà phải thay đổi cung cách quản lý, kỹ năng quản lý, chuyển giao công nghệ. Chính cái đó tạo áp lực cạnh tranh trên cấu trúc thị trường của từng ngành.
Trung Thành