Bài báo cuối cùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông sinh tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 1/1/1914, đến nay vừa tròn thế kỷ, muộn hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ba năm nhưng lại ra đi trước người anh cả của quân đội đến 47 năm. Ông cũng là một vị tướng huyền thoại để lại dấu ấn sâu đậm vào thời kỳ dân tộc ta trải qua những biến động sâu sắc nhất trong lịch sử hiện đại: từ làm Cách mạng tháng Tám đến thành công đến thống nhất nước nhà, đổi mới, phát triển.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng vợ. Ảnh tư liệu |
Mùa hè năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo công việc với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Đây cũng là thời gian ông thăm gia đình, nghỉ ngơi mấy bữa trước khi trở lại mặt trận.
Gia đình ông sơ tán về một thuôn thuộc huyện Mỹ Đức, cuối tỉnh Hà Tây (cũ). Gần đấy có hợp tác xã Phù Lưu Tế nổi tiếng về chuyên canh trồng dâu nuôi tằm, nữ chủ nhiệm hợp tác xã được tuyên dương Anh hùng lao động. Một lần ông cho gọi tôi cùng đi. Về làm việc với xã, ông đề nghị mời thêm lãnh đạo huyện, tỉnh và chuyên viên Ban Nông nghiệp Trung ương dự. Ông vừa nhận ra một vấn đề: hợp tác xã Phù Lưu Tế đạt thành tựu tốt trong chuyên canh, nhưng lại để cho năng suất đồng lúa của mình giảm sút đều đều. Nguyên nhân đơn giản thôi: vùng chuyên canh cây công nghiệp được Nhà nước cung cấp lương thực, người dân đã có gạo từ “trên” tháng tháng xe tải chuyển về, thì việc gì còn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vì mấy sào ruộng bạc màu cho khổ cái thân!
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận ra tràn lan tư tưởng ỷ lại vào bao cấp. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chuyên chăn nuôi gia súc ở nông thôn tất yếu ngày càng mở rộng, nếu người dân các vùng này lơ là nghề truyền thống ông cha, bỏ bê ruộng lùa mà cứ chăm chăm chờ hạt gạo từ nơi khác chở về, thì sức mấy Nhà nước ta cáng đáng nổi! Một lý do nữa ai cùng nhìn thấy tuy chẳng mấy ai nói công khai: chiến tranh cứu nước ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ ngang ngược vừa cho máy bay oach kích Thủ đô ta, nhu cầu về lương thực của quân đội, của chiến trường và của cả hậu phương nữa chắc chắn sẽ ngày càng căng thẳng, nơi nào tự mình cũng cần phải cố gắng hơn một chút…
Sau khi phát biểu tại cuộc họp, ông bảo tôi cùng ông viết một bài báo ngắn gọn. Hai anh em hì hục mấy buổi. Làm một bài báo chẳng phải là việc mới đối với ông, nhưng lần này rất thận trọng. Ông không còn trọng trách lãnh đạo nông thôn. Nói sao đây cho không chênh với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mở rộng các vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp toàn diện? Viết cách nào không dội nước lã vào nhiệt tình những người đang ngày đêm chăm chút ruộng dâu nong kén, làm ruộng ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng? Trình bày sao cho khẩu phục, tâm phục, để rồi sau khi ông đã trở vào Nam chiến đấu, anh em cán bộ địa phương vẫn nhiệt tình vận động bà con hãy tự cung ứng một phần cái ăn, giảm được chừng nào hay chừng ấy sự bao cấp của Nhà nước…
Cuối cùng rồi bài báo cũng xong. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đọc lại, ký tắt vào góc trái bản đánh máy và trao lại cho tôi. Tiễn tôi ra tận cổng, ông bắt tay chặt và dặn: “Phan Quang giữ lấy. Chờ bao giờ chỗ mình điện sang thì Quang cho lên số bao ra ngày hôm sau”.
Tôi hiểu tín hiệu: ông tạm biệt đứa em. Lúc nào báo Đảng trân trọng đưa lên trang nhất bài viết về nông nghiệp với tên ký quen thuộc Nguyễn Chí Thanh thì lúc ấy tác giả không còn ở miền Bắc. Cánh chim bằng đã sải cánh vào với đồng bào đồng đội của ông đâu đó trong Nam rồi.
Đau đớn thay, tín hiệu chờ đợi không bao giờ đến. Thay vào là tin buồn thông báo qua Đài Tiếng nói Việt Nam làm cả nước sững sờ: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã qua đời sau một cơn tai biến vì bệnh tim. Vị đại tướng của nhân dân ra đi, để lại ngọn gió Đại Phong lồng lộng trên quê hương miền Bắc, ký thác đồng bào đồng chí tấm lòng và phong cách Nguyễn Chí Thanh.
Phan Quang
Nguồn: Báo VOV