Món áo "kho"

Tôi và Kỳ là hai thằng bạn chí cốt từ nhỏ đến bây giờ. Chúng tôi vào lớp một năm 1982 tại Trường Tiểu học số 1 Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam. Thời bao cấp, cả xã hội đều khó khăn. Lúc đó, chúng tôi thường mặc chung quần áo để đi học. Nhờ mặc chung nên đứa nào cũng được ba bộ để thay qua thay lại.

Thực ra, mỗi đứa chỉ có một bộ do mẹ mua thôi. Bộ thứ ba là đồ cũ của bố thằng Kỳ do mẹ tôi thấy còn dùng được nên đem về sửa lại cho chúng tôi mặc. Lúc đó, chúng tôi phải áp dụng sáng kiến kho đồ. Kho đồ tức là khi đồ mới giặt muốn nhanh khô thì bắc cái nồi đất lên bếp rồi bỏ đồ vào, sau đó dùng cây trở qua trở lại chỉ cần khoảng 5 phút là đồ khô ngay.

Một hôm, củi ướt quá nên cháy ít. Phải hì hục thổi thì mới bén lửa lên một tí. Thế là chúng tôi vừa để cái áo kho trên bếp vừa tranh thủ chơi cờ tướng. Cờ tướng của chúng tôi lúc đó là những nhánh cây được chặt ngang rồi viết bằng mực lên đó nào là tướng, xe, pháo… Còn bàn cờ thì được vẽ ngay dưới nền đất bằng que tre chứ không có giấy mực nào hết.

Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: Internet)

Đang mải mê đánh cờ thì nghe mùi khét.

- Chết. Áo cháy rồi Quang ơi - Kỳ đứng bật dậy chạy đến bếp.

Nhưng không kịp. Cái áo đã bị cháy sém ngay hai cầu vai, khét lẹt. Hai đứa vừa tiếc chiếc áo vừa sợ ăn đòn. Chiều về, tôi bị mẹ mắng cho một trận ra hồn nhưng tối hôm đó mẹ lại chong đèn dầu vá áo đến khuya.

Sáng mai, Kỳ vừa tới nhà, tôi liền khoe:

- Tốt rồi mày ơi. Mẹ tao mắng quá chừng nhưng vá áo lại rồi. Mày xem nè.

Kỳ vui hẳn lên. Cậu cầm chiếc áo nhìn ngắm cẩn thận rồi trầm trồ khen má tôi khéo vá quá.

Chợt Kỳ dừng lại:

- Nhưng… - Kỳ ngập ngừng. Nhưng vậy là mình mặc chung không được rồi. Vì lên lớp thầy cô và mấy bạn biết liền!

Ồ thì ra là vậy vì cái áo đã bị đánh dấu bằng hai miếng vá. Thế là hai đứa cứ nhường nhau không đứa nào chịu nhận áo.

- Hay là mình chơi oanh tù tì. Thằng nào thắng thì lấy mặc luôn.

- Hì hì. Đúng.

Hai đứa tôi oanh tù tì và Kỳ thắng.

- Thôi, tao nói vậy chứ mày lấy mặc đi vì mẹ mày bỏ công vá áo cả đêm mà – Kỳ không chịu nhận áo.

- Không. Đã giao kèo rồi mà. Để tao nói mẹ.

Thế là tối đó tôi về kể lại và xin mẹ.

- Đúng rồi. Con phải đưa áo đó cho Kỳ mặc. Sống là phải quân tử chứ, con trai!

Nghe vậy, tôi mừng rơn dù lúc đó không hiểu ý nghĩa từ quân tử là gì.

Thế là tôi chỉ còn mặc được hai cái áo thôi. Nhưng chúng tôi vẫn rất vui vẻ cùng đi học và tháng nào cũng thay phiên dẫn đầu lớp.

Lên cấp 2, cấp 3, rồi đại học, chúng tôi vẫn đều học chung trường, tuy có lúc khác lớp. Hai đứa vẫn đi chung một chiếc xe đạp hằng ngày.

Bây giờ cả hai đều là kỹ sư, tuy không khá giả hơn ai nhưng đối với chúng tôi đó là một thành quả đáng tự hào. Hai đứa đều thích sống giản dị một phần cũng nhờ xuất phát từ miền quê nghèo khó và câu chuyện món áo kho làm chúng tôi không bao giờ quên được. Đôi khi vui vẻ, anh em kéo vào quán, Kỳ lại tếu táo gọi món áo kho thì chủ quán chỉ biết ngơ ngác nhìn còn chúng tôi được một tràng cười vỡ bụng.

Trịnh Quang

Bài viết đạt giải Nhì cuộc thi viết “Ký ức học trò”
do báo Người Lao động tổ chức từ 19-9-2012 đến 31-8-2013

Tin nổi bật