Hà Nội 36 phố phường

Những câu chuyện nhỏ của Thạch Lam như chỉ đi lướt qua một Hà Nội dịu dàng và giản đơn, chính là niềm yêu thương, khao khát muốn truyền tình yêu đến những con người Hà Nội.

Hà Nội - một thành phố ngàn năm văn hiến, thành phố anh hùng vượt qua bao cuộc chiến tranh, không chịu khuất phục trước những chính sách hà khắc của thực dân đô hộ. Dù đã qua bao nhiêu năm biến động nhưng Hà Nội xưa vẫn ẩn chứa đâu đây, sâu thẳm giữa lòng thành phố và “Hà Nội 36 phố phường” tập bút ký tinh tế của Thạch Lam đã phần nào tái hiện lại được những nét văn hóa xưa.

Lắng mình theo dòng chảy cảm xúc, ta sẽ bắt gặp rất nhiều những cảnh đời qua những mẩu truyện ngắn hết sức xúc động. Đó là nhà bác Lê góa bụa với mười một đứa con sống trong cảnh nghèo đói, là nhân vật “Tâm” - cô hàng xén với lối đường quê quen thuộc trong buổi hoàng hôn, hay nàng Dung - người vợ trẻ phải chịu đựng hai lần chết. Họ phải chịu đựng số phận éo le cuộc sống buồn thảm. Tất cả đều là những câu chuyện về con người Hà Nội với những mảnh ghép cuộc đời khác nhau, hiện lên đơn sơ dưới ngòi bút chân thực của tác giả.

Khi những tia nắng ban mai bắt đầu lấp ló trên những mái nhà, trên cành cây, ngọn cỏ, Hà Nội chợt bừng lên với những âm thanh và cảnh sắc của một ngày mới. Những mái ngói rêu phong, những bức tường loang lổ màu gạch cũ, những hè phố lô nhô thấm ướt sương đêm hiện dần ra qua màn sương sớm đang lan tỏa trên phố phường. Bằng lối văn nhẹ nhàng tươi sáng pha chút dí dỏm, Thạch Lam đã đưa ta lang thang trong một Hà Nội như vậy đó, một Hà Nội thanh lịch vừa hiện đại cổ kính vừa sang trọng vừa dân dã, Thạch Lam đưa ta đi qua từng cuộc phiêu du mang những cái tên độc đáo như “những nơi ăn chơi”, những biển hàng “Quà Hà Nội” và con người bán các thức ăn ấy.

Thạch Lam khiến bạn đọc không khỏi tự hào về văn hóa Thăng Long xưa, nhưng rồi chúng ta sẽ có giây phút phải lắng lại để nhìn nhận và suy nghĩ đôi chút; chỉ là đọc truyện thôi mà ta như chạm tay vào Hà Nội xưa, từ cảnh vật đến con người, đến những gánh hàng rong, những hàng quà vặt trên phố, vẫn còn đó trong trí tưởng tượng là hình ảnh cô hàng cơm nắm, hay chỉ đơn giản là cô bán hàng mà cũng duyên dáng, món quà này sạch sẽ và tinh khiết cả quang thúng, cô hàng tóc vấn gọn, áo nâu mới, cô hàng trông cũng ngon mắt như hàng quà của cô vậy.

Vẫn còn thoảng đâu đây mùi hương cốm mới gói trong chiếc lá sen già, chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết. Và đến những món ăn bình dân giản dị như bánh cuốn, xôi, cháo, bún chả… mà qua ngòi bút và sự cảm nhận tinh tế sâu sắc, Thạch Lam đã thổi vào đó sự hấp dẫn đến lạ lùng. Món ngon không chỉ là do nấu nướng, chế biến mà còn ở sự bài trí, khung cảnh nữa, chẳng phải ngẫu nhiên mà bánh cuốn Thanh Trì của Hà Nội lại nổi danh như vậy, bởi theo các nhà văn và những người “sành ăn”,  bánh cuốn Thanh Trì là thứ bánh mỏng và trong đến mức có thể nhìn rõ được mặt người phía sau, mỗi lá bánh mỏng mịn vàng ngà điểm xuyết màu xanh vàng của lá hành đã tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo riêng. Có lẽ ở đây ẩm thực không còn là cái để ăn, mà đã được nâng lên thành văn hóa. Những câu chuyện nhỏ của Thạch Lam như chỉ đi lướt qua một Hà Nội dịu dàng và giản đơn, chính là niềm yêu thương, khao khát muốn truyền tình yêu đến những con người Hà Nội.

Chúng ta cũng có một Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp vì Hà Nội đẹp thật, vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội cũng như người Paris chính hiệu yêu mến người Paris vậy.

 Dương Vy Anh, Lớp 9M - Trường THCS Trưng Vương

       (Giải Chuyên đề: Bài viết hay về đề tài Hà Nội)

Nguồn: Báo Phụ nữ Thủ đô

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật