Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng
Đề cập một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn, Hội thảo khoa học Quốc tế “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng” do Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Nhân dân, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đại học Tổng hợp Viên (Cộng hoà Áo) đã được tổ chức tại Quảng Ninh từ ngày 29.10 đến ngày 2.11.2013.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Ngọc Thành) |
"Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, báo chí truyền thông Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh cả về lý thuyết, nghiên cứu khoa học và thực tế hành nghề, cả mô hình tổ chức quản lý, đội ngũ nhà báo, kỹ thuật và công nghệ cũng như kinh tế báo chí, truyền thông.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng báo chí Việt Nam cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần có sự quan tâm nghiên cứu, chia sẻ của các nhà khoa học, các nhà báo trong nước và quốc tế như: Báo chí Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình toàn cầu hóa? Điểm tương đồng và khác biệt trong hoạt động báo chí ở các quốc gia trên toàn thế giới? Những thay đổi của báo chí - những thách thức hiện tại và tương lai; Hoạt động đào tạo báo chí, tác động của truyền thông hiện nay đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; Những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của nhà báo; Truyền thông toàn cầu và trách nhiệm của báo chí địa phương…
Nhằm mục đích tiếp cận và giải quyết những vấn đề thực tiễn báo chí đó, Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí trong quá trình toàn cầu hoá: Cơ hội, thách thức và triển vọng" đã thu hút hơn 70 tham luận của các giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên và nhà báo từ Đại học Tổng hợp Viên – Cộng hòa Áo, Tạp chí Quan điểm toàn cầu Mỹ, Đại học Monash - Australia và các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các cơ quan báo chí Việt Nam về các nội dung cụ thể: “Báo chí trong tiến trình toàn cầu hóa”; “Hoạt động báo chí ở Áo và Việt Nam - Những điểm tương đồng”; “Đào tạo báo chí và phát triển nghiệp vụ báo chí - Quan điểm mới về năng lực nghề nghiệp”; “Ngoại giao công chúng- Báo chí và ngoại giao”; “Những thay đổi của báo chí- Những thách thức hiện tại cho xã hội tương lai”; “Báo chí điều tra - Trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo”; “Sự thay đổi mô hình nghiên cứu báo chí, xã hội và truyền thông”; “Truyền thông toàn cầu và trách nhiệm của báo chí địa phương”.
1. Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội và thách thức đan xen
Phiên Hội thảo thứ nhất với chủ đề: “Báo chí trong tiến trình toàn cầu hóa” diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo trong nước và quốc tế tham dự.
Cho rằng báo chí và truyền thông là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của tiến trình toàn cầu hóa, PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh cần có sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc về cơ hội, thách thức và triển vọng phát triển báo chí truyền thông trong quá trình toàn cầu hoá. Bởi lẽ, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng mà xã hội truyền thông với nhiều phương thức truyền tải hiện đại đã và đang tạo ra cơ hội, triển vọng nhưng cũng tạo ra những thách thức to lớn, đe dọa sự phát triển của báo chí truyền thông ở mỗi quốc gia.
Đồng tình với nhận định của PGS.TS. Trương Ngọc Nam, nhà báo Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT& TT) cũng khẳng định: “Với sự phát triển thông tin mạng hiện nay thì báo chí không là nơi độc quyền cung cấp thông tin nữa mà cả xã hội đang tham gia vào việc cung cấp thông tin”.
Bên cạnh việc không còn “độc quyền thông tin” với sự xuất hiện, cạnh tranh gay gắt của các mạng xã hội thì báo chí truyền thông cũng đanhg đứng trước thách thức lớn về nội dung và văn hóa thông tin. Những thách thức này đặt ra yêu cầu chuyên nghiệp hóa nền báo chí và đòi hỏi các nhà báo không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng tác nghiệp. GS.TS. Gin-gen Grim (Jügen Grimm), Đại học Tổng hợp Viên trong bài tham luận “Truyền thông và sự hình thành tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa - Quan điểm quốc tế về lịch sử ở châu Âu”, cho rằng truyền thông có và cần có vai trò tích cực trong quá trình tạo ra tri thức cho nhân loại, đồng thời xóa đi những nguy cơ bạo lực, làm giàu tính nhân văn trong xã hội. Việc giữ gìn và làm sâu sắc hơn tinh thần nhân văn chính là trách nhiệm của báo chí.
Với kinh nghiệm dày dặn của một người làm báo lâu năm, nhà báo lão thành Phan Quang thừa nhận: Ít có lĩnh vực xã hội nào tri thức, lý thuyết, thực hành cập nhật nhanh như báo chí. Ông nhận định, toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển, tạo ra một xã hội mở, nhưng nếu tiếp cận thiếu chọn lọc thì sẽ gây cho xã hội bất ổn, con người sẽ ngày càng trở nên ích kỷ, vô cảm hơn. Truyền thông cần phải nỗ lực hơn trong việc loại bỏ những tiêu cực đó.
Nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ thông tin Internet đã làm sống lại cái gọi là “không gian cộng đồng” của Nhà tư tưởng người Đức, Habermas; PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí (HNBVN) đề nghị: Truyền thông đang rất cần có chiến lược số, truyền thông đa phương tiện, cần phải mạnh dạn “đi ra khỏi chiếc hộp”- thói quen làm báo chí truyền thống, xóa bỏ những nếp làm việc và suy nghĩ đưa tin theo kiểu cũ để đáp ứng lực lượng khán giả, độc giả của thời đại internet.
Và theo PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng, trong thời kỳ toàn cầu hóa báo chí đa phương tiện sẽ trở thành xu thế phổ biến: “Truyền thông đa phương tiện cũng không phải là một lựa chọn mang tính hình thức, mà đó là yếu tố cần thiết cho việc vận hành hiệu quả một phòng tin hiện đại ngày nay trên cơ sở công nghệ, giúp cho việc tổ chức sản xuất rẻ, không tốn kém”.
Nói về sự phát triển của các loại hình báo chí hiện nay ở Việt Nam, theo PGS,TS. Đức Dũng, ở Việt Nam, tất cả các loại hình báo chí đều phát triển rất mạnh, tuy nhiên chiếm số lượng công chúng tương đối lớn hơn là lĩnh vực truyền hình. Cũng như tất cả các loại báo chí khác trên thế giới, báo chí Việt Nam đang gặp nhiều thử thách và phải thích ứng đồng thời ấn phẩm in và ấn phẩm điện tử.
Trả lời câu hỏi của đại biểu quốc tế về những ảnh hưởng tiêu cực của Intenet đối với Việt Nam, PGS,TS. Đức Dũng cho rằng, ở Việt Nam cũng có tất cả các biểu hiện như của các quốc gia khác: xâm lăng văn hóa, tuyên truyền thông tin bẩn, báo lá cải, áp đặt thông tin. Việt Nam vẫn đang cố gắng hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực này và còn phụ thuộc vào việc ứng dụng công nghệ mới.
Hội thảo còn được nghe tham luận của bà Remzie Shahini-Hoxhaj, Đại học Prishtina (Cộng hòa Áo) về “Các xu hướng truyền thông tại Kosovo” đã giới thiệu về bức tranh truyền thông của Kosovo cũng như những sự thay đổi, thách thức của truyền thông ở Kosovo trong bối cảnh toàn cầu hóa; Tham luận của của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về “Thách thức của Báo chí” đã nêu về sự tụt hậu về công nghệ và tư duy làm báo hiện nay, sự phân cấp giữa báo chí truyền thống với báo chí xã hội.
2. Mô hình truyền thông ở Áo và kinh nghiệm cho Việt Nam
Chiều 29.10, phiên thứ hai với chủ đề: “Hoạt động báo chí ở Việt Nam và Cộng hòa Áo, đào tạo báo chí và phát triển nghiệp vụ báo chí, quan điểm mới về năng lực nghề nghiệp, ngoại giao công chúng” đã tiếp tục diễn ra với 18 tham luận và 5 ý kiến trao đổi của các đại biểu trong nước và quốc tế.
Với tham luận về “Hệ thống truyền thông ở Áo – Truyền hình và các giá trị chung”, TS. Julia Wippersberg, Đại học Tổng hợp Viên (Cộng hòa Áo) đã đưa ra so sánh khá thú vị giữa hai mô hình truyền hình công cộng và truyền hình tư nhân của Áo. Với mô hình truyền hình công cộng thì khán giả là đối tượng chính trả tiền, ngoài ra còn thu được từ hoạt động quảng cáo, chính phủ Áo không trợ cấp. Để duy trì hoạt động các chương trình loại này phải tạo ra giá trị cho công chúng, phải có các chương trình đáp ứng cho mọi đối tượng.
Còn truyền hình tư nhân chỉ nhận được trợ cấp một phần từ chính phủ, vì vậy không nhất thiết phải tạo giá trị cho công chúng. TS. Julia Wippersberg cho biết thêm, truyền hình tư nhân ở Áo hoạt động tự do theo nhu cầu của công chúng, theo đối tượng công chúng mà họ hướng tới. Họ có thể lấy kinh phí từ quảng cáo, hoặc từ việc thu tiền của khán giả. Thử thách là làm sao tìm kiếm công chúng, tìm người quan tâm bằng cách xây dựng nhiều nội dung hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu mới có thể giải quyết vấn đề kinh phí.
Nghiên cứu trường hợp báo Wiener Zeitung (Áo) và báo Tuổi trẻ Việt Nam, TS. Đỗ Thu Hằng – Phó Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đưa ra 4 giải pháp quản lý hoạt động tiếp nhận công chúng của các cơ quan báo chí có nòng cốt ban đầu là sản phẩm báo in. Thứ nhất,“Lấy công chúng làm yếu tố trọng tâm”: nguyên tắc hàng đầu của cơ quan báo chí và nhà báo; Thứ hai, phân khúc thị trường báo chí, định vị thương hiệu báo chí phù hợp với các bước và các yếu tố của quá trình tiếp nhận sản phẩm báo chí; Thứ ba, xây dựng nguyên tắc và kỹ năng viết báo và làm sản phẩm truyền thông tiếp cận nhu cầu công chúng; Thứ tư, coi trọng chiến lược truyền thông hình ảnh cho cơ quan báo chí và sản phẩm báo chí.
Còn theo theo GS.TS. Thomas Bauer, Đại học Tổng hợp Viên (Cộng hòa Áo), báo chí và truyền thông theo kiểu truyền thống đang bị thách thức bởi quá trình giải kiến tạo của các tổ chức báo chí (kỹ thuật, quản lý, sự chuyên nghiệp, cấu trúc công cầu, khả năng tiếp cận và cấu trúc tham gia) và giải cấu trúc thông qua các dạng thức văn hóa mới trong truyền thông xã hội (mối quan hệ, trách nhiệm, uy tín và lòng tin). GS,TS. Thomas Bauer nhận định, truyền thông là một cơ hội tìm kiếm những sự khác nhau ở các giá trị và có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Truyền thông được tạo nên từ các ý nghĩa mà chúng ta trước kia chưa hề nghĩ tới.
Hội thảo còn được nghe một số ý kiến, tham luận của các đại biểu tham dự như: ”Truyền thông và Ngoại giao – Kinh nghiệm và quan điểm” của Tiến sĩ Thomas Loidl, Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam; “Ghi nhớ và chối bỏ - Trải nghiệm của công chúng truyền thông Do Thái và không Do Thái với sự kiện Holocaust” của ông Andreas Enzminger…
3. Vị thế của báo in trong dòng chảy toàn cầu hóa
Tiếp tục các chủ đề mà hội thảo đưa ra trong ngày làm việc đầu tiên 29.10, tại phiên làm việc ở Báo Nhân dân sáng 30.10, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến tham luận xung quanh vấn đề báo chí trong dòng chảy toàn cầu hóa, khẳng định vai trò, vị thế của báo in trong bối cảnh truyền thông hiện nay.
Từ thực tiễn hoạt động của tờ báo là cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản, tiếng nói Nhà nước và của nhân dân Việt Nam, nhà báo Thịnh Giang – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã chỉ ra những thách thức to lớn của bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện kỹ thuật đối với lĩnh vực báo in. Đó là sự cạnh tranh về thông tin, cạnh tranh về nguồn nhân lực và cạnh tranh về tiềm lực kinh tế. Tuy vậy, báo in vẫn khẳng định được vị trí và tồn tại song song cùng với các loại hình báo chí điện tử.
Thực tế cho thấy, hiện ở Việt Nam có nhiều tờ báo chạy theo thị hiếu với các đề tài giật gân, câu khách, nhiều tờ báo đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó, theo nhà báo Thịnh Giang, Báo Nhân Dân với định hướng đúng đắn đã luôn khẳng định được vị thế của mình. Báo Nhân Dân với tư cách là tờ báo chính thống của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, hết sức coi trọng tính chính xác của thông tin, đặc biệt là thông tin về các vấn đề như chủ quyền biển đảo, vấn đề đối nội, đối ngoại, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…Hiện Báo Nhân Dân có 4 ấn phẩm báo in và sắp tới sẽ ra đời kênh truyền hình Nhân dân, dự kiến phát sóng vào ngày 21.6.2014. Báo Nhân Dân đã và đang nỗ lực không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Từ thực tiền báo chí đặt ra, nhà báo Thịnh Giang cho rằng, phải chăng sự tích hợp của truyền thông đa phương tiện sẽ là một trong những hướng đi hữu hiệu đối với lĩnh vực báo in, trong bối cảnh báo in phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình báo chí khác?
Tiến sỹ Julia Wippersberg (Đại học Tổng hợp Viên – Áo) qua bài tham luận về “Quyền hạn, trách nhiệm và mô hình hoạt động của Thông tấn xã Áo” đã đem đến hội thảo một cái nhìn mới về sự năng động của cơ quan báo chí Áo qua cách làm kinh tế báo chí của Thông tấn xã Áo (APA).
Theo Tiến sỹ Julia Wippersberg, Hãng Thông tấn xã Áo được thành lập từ năm 1849 và đến nay đã không chỉ đơn thuần là một trung tâm báo chí mà còn là một trung tâm đào tạo, cung cấp các dịch vụ liên quan đến ngành truyền thông. Mặc dù là một tập đoàn báo chí nhà nước, nhưng APA hiện hoạt động độc lập về kinh tế. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ công về thông tin, APA còn có nhiều hoạt động có thể đem lại những nguồn thu lớn. Hiện APA có 15 tờ báo và một kênh truyền hình. APA cũng có nhiều công ty con hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Các đài truyền hình, tờ báo trực thuộc đều hoạt động theo mô hình các công ty và là các cổ đông của APA. Cuối năm nguồn lợi nhuận thu được của APA sẽ chia đều cho các cổ đông ấy. Ở APA bộ phận làm kinh tế chiếm số lượng lớn tương đương với lực lượng sản xuất tin.
Bà Julia Wippersberg cũng cho biết thêm, việc đưa tin của APA phải đảm bảo các tiêu chí nhanh và chính xác, trong đó thông tin chuẩn xác giữ vai trò tối quan trọng trong việc xây dựng lòng tin đối với công chúng và các cơ quan ở Áo. Đặc biệt mỗi thông tin sản xuất ra phải chạy được trên tất cả các nền tảng công nghệ nhằm đáp ứng được nhu cầu của cả hai thế hệ là những người sành về công nghệ và đối tượng trung thành với các loại hình thông tin truyền thống. Ngoài ra, thông tin phải gần gũi, phản ánh trung thực cuộc sống của người dân kế cả các dân tộc thiểu số.
Về quy mô sản xuất, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8.2013, Thông tấn xã Áo đã sản xuất được 150.000 tin, 38.000 bức ảnh,.... Trong đó, có khoảng 52% số tin bài do APA tự sản xuất. Cũng như ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, báo chí Áo cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các ấn phẩm ngoài biên giới đặc biệt từ Đức (Áo cũng nói tiếng Đức) đưa vào và với các nguồn tin tức từ báo điện tử và mạng xã hội. Báo in Áo đang sụt giảm doanh số từ quảng cáo, PR. Tuy nhiên vẫn có những tờ báo với chiến lược truyền thông phù hợp vẫn đứng vững trước vòng xoáy của toàn cầu hóa mà tờ Wiener Zeitung với lịch sử hàng trăm năm là một ví dụ điển hình.
Để làm rõ hơn mối liên hệ giữa báo chí Việt Nam và báo chí Áo, bà Nguyễn Thị Bích Yến (Nghiên cứu sinh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đưa ra tham luận “Phương thức làm báo thời thị trường của Wiener Zeitung (Cộng hòa Áo) và kinh nghiệm cho báo chí Việt Nam.
Theo bà Bích Yến, tuy chính trị, văn hóa, kinh tế, báo chí truyền thông... giữa Áo và Việt Nam là khác nhau, nhưng hai nước cũng có một số điểm tương đồng, đặc biệt là vấn đề công chúng báo chí. Xu thế toàn cầu hóa truyền thông đã khiến cho công chúng các quốc gia dần không còn “biên giới cứng” trong tiếp nhận thông tin. Vì thế, quan niệm về công chúng báo chí giữa các nước trên thế giới cũng đang xích lại gần nhau.
Khuynh hướng phát triển lâu nay của nền báo chí thế giới, đó là “sự liên kết giữa kinh doanh thông tin với tư bản công nghiệp - tài chính”. Hoạt động báo chí trong nền kinh tế thị trường phải sống được bằng việc bán báo. Các tờ báo, các tập đoàn truyền thông muốn tồn tại phải vừa biết tuân thủ các quy tắc nghiệp vụ báo chí vừa biết tuân thủ các quy luật của nền kinh tế thị trường.
Qua nhiều năm cộng tác, Bà Bích Yến Wiener cho biết, Zeitung được coi là tờ báo cổ nhất thế giới mà hiện nay vẫn tiếp tục đựợc phát hành. Qua nhiều thế kỷ, nó đã làm nên giá trị lịch sử về chính trị và lịch sử ngành báo chí Áo. Truyền thống của tờ báo đã khiến nó trở thành tài sản văn hóa vô cùng quý báu. Trải qua nhiều biến động nhưng nhờ vào sự cải tiến của các chính sách truyền thông mà tờ báo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển đến ngày nay. Để tồn tại, phát triển, giữ vững thương hiệu “lâu đời nhất thế giới” của mình, Wiener Zeitung đã luôn phải củng cố các chính sách truyền thông sao cho phù hợp với thời cuộc. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm có thể chia sẻ với báo chí Việt Nam.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS,TS. Trương Ngọc Nam khẳng định, các tham luận, ý kiến bám sát chủ đề đưa ra, chia sẻ được rất nhiều quan điểm, kinh nghiệm của các cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí nước ngoài. Muốn khẳng định mình, các tòa báo cần đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chính xác, cân bằng, phải hiện đại hóa các phương thức truyền thông, xây dựng cơ sở kinh tế mạnh, dịch vụ hóa các sản phẩm truyền thông, đảm bảo tiện ích cho tiếp nhận thông tin và tăng cường tiếp cận nghiên cứu công chúng. Một giải pháp quan trọng nữa, các cơ quan báo chí phải không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ người làm báo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm báo. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ý thức rất rõ trách nhiệm này, đang nỗ lực đổi mới công tác đào tạo báo chí đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
4. Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu thông tin trong thời đại toàn cầu hóa báo chí?
Tiếp theo ba phiên Hội thảo quốc tế tổ chức thành công tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Báo Nhân dân, sáng 31.10, phiên thứ tư Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Những vấn đề thực tiễn của báo chí hiện nay” đã diễn ra tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ khẳng định báo chí có chức năng quan trọng là thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng về phần mình báo chí luôn bị xã hội tác động ngược lại, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển toàn cầu hóa hiện nay.
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã từng bước xóa nhòa “biên giới cứng” trong việc truyền bá và tiếp nhận thông tin của công chúng. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ truyền thông hiện đại, truyền tải thông tin xuyên biên giới và hình thành mạng lưới thông tin toàn cầu đã góp phần đưa tin tức đến công chúng một cách nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách địa lý, đồng thời tạo áp lực to lớn đối với người làm báo. Để chạy đua với tốc độ, thích nghi với điều kiện toàn cầu hóa, nắm bắt xu thế phát triển của thời đại và của đất nước mình, những người làm báo phải tự hoàn thiện mình. Vượt qua được những thách thức đó, báo chí sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội phát triển - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung đề mang tính thực tiễn báo chí, truyền thông như tác động của các phương tiện truyền thông mới đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo hiện nay, toàn cầu hóa báo chí và những thách thức đối với các cơ quan báo chí địa phương, nhu cầu thông tin và sự đáp ứng thông tin của các cơ quan truyền thông báo chí…
Chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng các công cụ xã hội như một kênh giao tiếp của các lãnh đạo Chính phủ Áo với người dân, bà Irene Kaufmann – Phó Văn phòng Báo chí Liên Bang, thuộc văn phòng Thủ tướng nước Cộng hòa Áo khẳng định người làm truyền thông không thể bỏ qua, cũng như không thể không quan tâm đến các công cụ truyền thông mới. Bà Irene Kaufmann cho biết thêm, ở Áo, 80% gia đình tiếp cận Internet, 60% sử dụng Internet đọc tin tức, đặc biệt tập trung ở giới trẻ. Trong tổng dân số 8,6 triệu người, có 3 triệu người sở hữu tài khoản facebook. Các Bộ ngành của nước Áo đều sử dụng các công cụ truyền thông, như trang facebook như một “kênh tương tác” để người dân Áo có thể bày tỏ ý kiến cá nhân của mình và cũng từ kênh này Chính phủ cung cấp những thông tin, sự kiện liên quan đến Đảng, Chính phủ, Thủ tướng cũng như các chính sách điều hành đến với người dân.
Đánh giá cao tham luận của bà Irene Kaufmann, bà Remzie Shahini-Hoxhaj, Đại học Prishtina cũng chia sẻ ý kiến bản thân về ngôn ngữ sử dụng trên facebook của chính phủ Kosovo và cho biết những trang facebook của những chính khách đang thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý thông tin đối ngoại, nhà báo Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại đã nêu bật vai trò của thông tin, đặc điểm của thông tin, thực trạng vấn đề thông tin ở Việt Nam hiện nay và những giải pháp nâng cao chất lượng thông tin. Ông cho rằng, nhu cầu thông tin đang tăng đột biến. Tuy nhiên sự đáp ứng của các cơ quan báo chí truyền thông còn hạn chế. Ở Việt Nam đang thiếu thông tin rất nghiêm trọng, đặc biệt là các thông tin chính thống, các thông tin có độ tin cậy cao dù có hơn 64 đài truyền hình, hơn 800 cơ quan báo chí. Thiếu thông tin chính thống, thừa các thông tin vô bổ là mảnh đất mầu mỡ cho các loại tin đồn, xuyên tạc phát triển, gây nên tình trạng nhiễu loạn thông tin.
Cục trưởng Lê Văn Nghiêm đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khi được báo chí yêu cầu phải cung cấp thông tin theo đúng luật định bởi hiện đã có quy định rõ về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số nơi cố tình né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí, hoặc cung cấp thông tin không có giá trị sử dụng, vi phạm thời hạn công bố cung cấp thông tin. Sở dĩ vẫn còn tình trạng này là do hiện nay chưa có chế tài đối với người không cung cấp thông tin.
Để thông tin trở thành một nguồn lực phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đất nước, theo ông Nghiêm, cần phải tiếp tục đổi mới hệ thống thông tin, tuyên truyền, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cải tiến phương pháp làm truyền thông và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cả cán bộ và người dân.
Tại diễn đàn hội thảo, một vấn đề “nóng” thu hút được sự quan tâm thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự là vấn đề báo chí và biến đổi khí hậu. Trong tham luận của mình, GS,TS. Chris Nash đã đưa ra những hình ảnh, những số liệu của biến đổi khí hậu tác động không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, được tác giả đề cập sinh động. Qua lăng kính của một nhà báo, nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về biến đổi khí hậu, GS.TS. Chris Nash đã cung cấp cái nhìn bao quát với những dẫn chứng tại Việt Nam, các đảo nhỏ trong lĩnh vực Thái Bình Dương và Australia. Đặc biệt, theo GS.TS. Chris Nash, có tới 70% các nhà báo Australia tỏ ra hoài nghi về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người. Một số bộ phận của truyền thông Australia (và đặc biệt là News Corp) tham gia “vào việc tích cực tạo ra sự ngộ nhận và xem thường một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Australia phải đối mặt”. Trong khi có tới 90% các nhà khoa học ở đây tin rằng biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn đối với loài người.
Có thể nói đối với báo chí Việt Nam biến đổi khi hậu đã được coi là một trong những nội dung cực kỳ quan trọng. Nhờ thông tin đưa của báo chí về tình hình, hiện trạng, quy mô biến đổi khí hậu đã thức tỉnh người dân, lay động các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp, dẫn đến những thay đổi trong chính sách của chính phủ.
Một vấn đề thú vị khác được đặt ra tại Hội thảo là làm sao để công chúng quan tâm đến các tờ báo và các đài địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng phải đưa những thông tin thời sự thiết thực đối với cuộc sống người dân mới có thể thu hút được họ. Theo kinh nghiệm của nhà báo Nguyễn Công Đán, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hưng Yên, luôn bám sát vấn đề thời sự được nhân dân quan tâm, phát huy bản sắc địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của nhân dân là các yếu tố có thể giúp cơ quan báo chí địa phương tồn tại trong xu thế toàn cầu hóa báo chí.
Đề cao vai trò của báo chí đối với sự phát triển của Quảng Ninh, nhà báo Nguyễn Văn Trường, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Ninh nhận định, trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh, báo chí không chỉ thông tin mà còn tích cực giám sát và phản biện xã hội, góp phần cho việc hình thành cơ chế, chính sách mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Ông cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao sự đóng góp này và có nhiều hình thức thể hiện tri ân đối với các cơ quan báo chí cùng đội ngũ những người làm báo.
Các phiên thảo luận của Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng đã thực sự đem đến cho các nhà báo, các nhà nghiên cứu một diễn đàn hữu hiệu để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các kết quả nghiên cứu của mình để từ đó góp phần xây dựng và phát triển nền báo chí ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia, dân tộc, theo kịp với xu thế báo chí truyền thông hiện đại; từ đó đi đến khẳng định xu hướng toàn cầu hóa báo chí đã và đang tạo ra những thách thức to lớn đối với hoạt động báo chí trong nước và thế giới; đòi hỏi các cơ quan lãnh đạo, quản lý và những người làm báo phải có những bước chuyển mình nhanh nhạy, đúng hướng và hiệu quả.
Ngọc Quang
Nguồn: Tạp chí Người làm báo