Báo chí và diễn đàn Quốc hội
Hoạt động báo chí đã trở thành một hoạt động không thể thiếu của mỗi kỳ họp Quốc hội. Một đội quân báo chí hùng hậu được cấp thẻ làm nhiệm vụ thông tin về kỳ họp. Xét theo mọi khía cạnh, thì thông tin nhanh, trúng, đúng, hay luôn là tiêu chí chung, đã trở thành nhu cầu của xã hội.
Ảnh: qdnd.vn |
Có thể nói, trong tuần đầu (21- 26/10) của kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII, báo chí đã làm được theo đúng 4 tiêu chí đó. Từ phiên khai mạc ngày 21/10, thông tin về hoạt động Quốc hội được phản ánh rộng rãi, đầy đủ, khách quan trên các trang báo in, báo mạng, trên truyền hình, đài phát thanh, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Thông tin mang tính bao quát, gợi mở về đánh giá tình hình kinh tế- xã hội, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến của nhân dân, của Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 v.v... Báo chí đã thông tin đầy đủ, nhiều chiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội, của các thành viên Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, của nhân dân, của cử tri về đánh giá tình hình kinh tế, xã hội trong năm 2013. Ý kiến nêu bật những mặt được, nỗ lực của Chính phủ, của cả hệ thống trong nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhưng cũng có nhiều thông tin đi sâu phân tích những bất cập, yếu kém của kinh tế, các bức xúc của người dân về tình hình xã hội. Và báo chí đã dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đánh giá của Đại biểu Quốc hội rằng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội còn “hồng”, khẳng định Chính phủ không bao giờ tô hồng hay bôi đen tình hình. Tuy nhiên, Thủ tướng sau đó đã giao các thành viên Chính phủ tiếp thu, xem xét những ý kiến đóng góp.
Nhân đây, cũng xin thông tin lại đánh giá của Chính phủ về báo chí thời gian qua và nhiệm vụ của báo chí thời gian còn lại đến năm 2015 trong Báo cáo đầy đủ được phát cho các đại biểu Quốc hội. Báo cáo lần này về thông tin truyền thông không nhắc đến khuyết điểm, yếu kém nào, mà đánh giá cho rằng báo chí đã cố gắng thông tin đầy đủ, “công tác thông tin tuyên truyền các sự kiện chính trị xã hội trên toàn quốc được quan tâm thực hiện như đưa tin, phản ánh về các sự kiện chính trị, các hoạt động ngoại giao; phản ánh tình hình triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là nỗ lực của các cấp, các ngành…”. Xác định nhiệm vụ, định hướng phát triển ngành và lĩnh vực năm 2014 và đến năm 2015, về báo chí, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý nhà nước về thông tin, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ thống truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của nhân dân, đồng thời đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá đất nước”. Chính phủ chỉ đạo “Cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động thông tin kịp thời, đầy đủ các cơ chế chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, của ngành, của địa phương”. Điều này cho thấy Chính phủ đánh giá cao hoạt động của báo chí, đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động.
Cũng trong tuần đầu kỳ họp này, có một sự kiện làm nóng nghị trường Quốc hội, và đương nhiên thu hút sự chú ý của báo chí. Đó là vụ một bác sĩ phi tang xác nữ nạn nhân. Bên cạnh lên án hành vi phi đạo đức của vị bác sĩ nọ, báo chí đi sâu (có lúc quá đà) phản ánh, quy kết trách nhiệm, đặc biệt của ngành y, của “tư lệnh ngành y”. Báo chí có vẻ không đồng tình với việc Bộ trưởng từ chối trả lời phỏng vấn “nóng” về vụ này. Báo Tuổi trẻ ngày 25/10 còn “chất vấn” trách nhiệm chính trị cá nhân của Bộ trưởng, và “thưa Bộ trưởng” về ý kiến của Bộ trưởng về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của báo chí nhân câu chuyện về y đức.
Nguồn: congluan.vn