Người dân vào mạng xã hội khá cao tại các điểm truy nhập Internet

(ICTPress) - Sáng nay 10/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức sơ kết Giai đoạn II - bước 1 Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam”.

Thời gian thực hiện của Dự án là 5 năm từ tháng 7/2011 - 6/2016 tại 40 tỉnh được thực hiện theo 3 bước. Bước 1 triển khai tại 12 tỉnh, bước 2 tại 16 tỉnh và bước 3 tại 12 tỉnh.

Theo đúng kế hoạch Dự án, Bước 1 bắt đầu triển khai trong 15 tháng từ tháng 4/2012 đến tháng 6/2013 tại 12 tỉnh gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng và 3 trung tâm đào tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM.

Căn cứ vào đề xuất của UBND các tỉnh và VNPost, Bộ TT&TT đã phê duyệt 637 điểm đủ điều kiện thực hiện trong Bước 1, bao gồm 311 điểm thư viện tỉnh, huyện, xã, 323 điểm BĐ-VHX và 3 trung tâm đào tạo vùng. Ngoài ra, trong giai đoạn này, các phòng đào tạo của 3 thư viện tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh cũng được Dự án hỗ trợ thêm các trang thiết bị.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trao các phần thưởng cho các tỉnh Hà Giang, Bình Phước, Sóc Trăng là các tỉnh có lượng truy cập Internet cao nhất

Tổng kết chung về kết quả đạt được của Dự án bước 1, Giám đốc Ban quản lý dự án Bill&Melinda Gates (BMGF), ông Phan Hữu Phong cho biết  về cơ bản, Ban quản lý dự án đã hoàn thành được các nội dung công việc đã được quy định tại văn kiện dự án và kế hoạch đã được phê duyệt.

“Theo số liệu thống kê từ hệ thống Observatory, từ 1/6/2012 - 30/9/2013 đã có 218.250 lượt người sử dụng máy tính ở 12 tỉnh Bước 1 với tổng thời lượng truy nhập Internet là 2.028.191 giờ. Doanh thu các điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX): Từ tháng 1 - 8/2013 là 1.105.424.000 đồng, bình quân là 427.000 đồng/điểm/tháng”, ông Phong cho biết thêm.

Theo đánh của Công ty Cổ phần nghiên cứu và phân tích Vietsurvey, về tổng thể, dự án đã hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch, nằm trong số ít dự án quốc gia triển khai đạt kết quả và tiến độ. Diện bao phủ và đối tượng hưởng lợi rộng khắp từ Trung ương (Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch VHTTDL), địa phương.

Những con số ngắn gọn được Vietsurvey cho biết là dự án đã triển khai được các dịch vụ mới tại thư viện công cộng (TVCC) và BĐ-VHX: 634 điểm truy cập tại 12 tỉnh, 15 trung tâm đào tạo, lắp đặt thêm 4180 máy tính, 950 cán bộ các cấp được tập huấn. Đến nay hệ thống đã phục vụ gần 200.000 lượt người sử dụng trong đó riêng 4 tháng (1/5 - 30/9/2013) 100.000 lượt sử dụng máy tính (nguồn Oberservatory) và đang có xu hướng tăng.

Ông Nguyễn Đức Nhật, Vietsurvey cho biết thêm đây là dự án được triển khai nhanh và có những kết quả tích cực, tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều thách thức khi hướng về mục tiêu dài hạn như:

Nhu cầu sử dụng: Tham gia mạng xã hội 81,40%, chơi trò chơi 80,87%, dùng cho học thuật 78,41%, thông tin về nhà nước, sản xuất, bệnh dịch 62,29%, Thông tin về sức khỏe 51,43%, Thông tin về văn hóa, thể thao, CT 33,25% và thông tin cơ hội việc làm là 20,80%.

Đối tượng sử dụng: Cân bằng giới được ghi nhận cho dù nam vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nữ trong số người sử dụng: nam (56%), nữ (44%). Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ của nhóm người dân tộc thiểu số chưa cao: kinh 80%, dân tộc thiểu số 20%.

Về thành phần người sử dụng, đông nhất là nhóm học sinh - sinh viên và cán bộ, nông dân chiếm tỷ lệ khiêm tốn: học sinh sinh viên 40%, cán bộ 28%, nông dân gần 10%.

Công tác lãnh đạo giám sát: Nhận thức của lãnh đạo của các cơ quan quản lý TVCC và BĐ-VHX được nâng cao thông qua giá trị của dịch vụ mới và tăng cường năng lực hệ thống; Hệ thống địa phương chưa làm chủ và tận dụng hệ thống giám sát, đánh giá, phần mềm giám sát đánh giá của dự án, công tác giám sát, thu thập số liệu chậm, bị động.

Ngoài ra, Dự án còn gặp phải những thách thức tăng hiệu suất sử dụng máy và trong tuyên truyền vận động do cán bộ tại nhiều nơi còn ỷ lại, thụ động, không phát huy hết những lợi thế và nhiệm vụ chính trị của hệ thống, không tận dụng những lợi thế về thương mại, dịch vụ do dự án đem lại.

Việc người dân truy nhập nhiều vào mạng xã hội, ông Nguyễn Đức Nhật cho biết việc truy nhập này là xu hướng không thể cưỡng lại và cần phải tăng cường các hạng mục nội dung khác về học thuật, thông tin về nhà nước, sản xuất, bệnh dịch, sức khỏe, cơ hội việc làm…

Phát biểu về vai trò nội dung để truy nhập, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng ban chỉ đạo Dự án Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết còn tồn tại và đề nghị Ban QLDA thúc đẩy mạnh mẽ hợp phần nội dung để trang bị cho Dự án. Tổng công ty Bưu điện (VNPost) cũng nỗ lực đẩy mạnh phần nội dung được cung cấp ở địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng đánh giá 4 vai trò còn nguyên giá trị của dự án, đó là:

Vai trò của cơ sở: Ban điều hành Dự án làm tốt nhưng sẽ không thành công nếu địa phương không nhận thức và thực hiện được từ cơ sở thì không thành công, ngoài ra sự phối kết hợp hỗ trợ của Sở VHTTDL và Sở TT&TT. Đây cũng là trách nhiệm của địa phương.

Người lao động làm việc tại TVCC và BĐ-VHX có vai trò quan trọng, vì vậy cần được hết sức quan tâm để có ưu chế độ và được đào tạo. Sự quan tâm không chỉ các Bộ, ngành mà còn địa phương. Thời gian tới, cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho toàn bộ nhân viên ở BĐ-VHX, TVCC thì mới đạt kết quả lâu dài.

Hạ tầng rất quan trọng: đánh giá cao VNPT, VNPost hỗ trợ đường truyền Internet. Hai Bộ TT&TT và Bộ VHTT&DL sẽ kiến nghị để nhà nước cũng có chỉ đạo về cơ chế chính sách lâu dài về đường truyền chứ không nên đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ mãi. Thể hiện sự đồng bộ của địa phương.

Truyền thông vận động: Chỗ nào nhân viên thạo nghề thì người truy nhập cao, chỗ nào không quan tâm thì vắng.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng thẳng thắn cho biết về mặt bằng chung các địa phương trong Dự án ở miền Nam, miền Trung rất tốt nhưng các tỉnh miền Bắc chưa bằng. Giám đốc các Sở TT&TT, các Bưu điện tỉnh miền Bắc mặt bằng chung phải cố gắng để theo kịp.

HM

Tin nổi bật