Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam

Trong xã hội mà quyền con người được khẳng định và Nhà nước luôn tạo điều kiện để bảo đảm sự phát triển của quyền con người, thì tự do báo chí và tự do ngôn luận là các yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chung. Ðó là căn nguyên lý giải tại sao các năm qua ở Việt Nam, tự do báo chí và tự do ngôn luận lại có những bước tiến không thể phủ nhận...

Theo số liệu của cơ quan chức năng, đến tháng 3-2013, cả nước Việt Nam có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; một hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình, 78 kênh phát thanh; 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (năm 2011 là 46 báo điện tử, 287 trang thông tin điện tử). Hiện, Ðài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Hiện hơn 90% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng sóng truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam. Qua nhiều hình thức cung cấp, người dân Việt Nam được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh nổi tiếng như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg,... 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times,...

Về xuất bản, ở Việt Nam có 64 nhà xuất bản. Chỉ tính riêng trong năm 2012, ngành này đã xuất bản 28.009 xuất bản phẩm có nội dung phong phú và đa dạng, với khoảng 301.717.000 bản. Từ việc xác định vai trò của internet, Nhà nước Việt Nam có chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích sử dụng internet phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm các quyền cơ bản của nhân dân. Ðó là cơ sở để năm 2012, về số lượng người sử dụng internet, Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp Việt Nam đứng thứ ba tại Ðông - Nam Á, thứ 8 tại châu Á. Theo số liệu khảo sát của WeAreSocial - tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, tới tháng 12-2012 số người sử dụng internet ở Việt Nam là 30,8 triệu, chiếm 34% dân số (mức trung bình của thế giới là 33%). Tháng 10-2009, dịch vụ truy cập internet qua mạng 3G có mặt tại Việt Nam, lập tức góp phần tạo nên sự phát triển vượt bậc của internet băng thông rộng, sau ba năm (tính đến tháng 7-2012), số lượng sử dụng đạt con số 16 triệu người (chiếm khoảng 18% dân số). Riêng với blog, trên cả nước hiện có gần 3 triệu người có blog cá nhân. Ða số blogger sử dụng blog làm nơi bày tỏ suy nghĩ, trao đổi tâm tình, kiến thức; thông qua blog đã hình thành nhiều nhóm sinh viên, thanh niên rất tích cực hoạt động xã hội như quyên góp giúp đỡ trẻ em nghèo, giúp người không nơi nương tựa,... Hầu như các cơ sở công cộng ở đô thị như nhà hàng, khách sạn, quán giải khát, nhà chờ sân bay,... đều có Wifi miễn phí. Tại các địa phương có ngành du lịch phát triển như Huế, Ðà Nẵng, Hội An,... kế hoạch phủ sóng Wifi đã và đang được triển khai là bằng chứng cho thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương với sự phát triển internet.

Thực tế Việt Nam cho thấy, sự phát triển của hệ thống truyền thông không chỉ để giúp nhân dân thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, mà trở thành diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, sinh động để các tổ chức xã hội, mọi người dân có tiếng nói lành mạnh, đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện, đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, và của các cấp chính quyền. Trong nhiều trường hợp, hệ thống truyền thông thật sự là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, nhất là kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam chủ động, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, phê phán hành vi vi phạm quyền công dân cùng những biểu hiện tiêu cực khác. Gần đây, việc những cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp, việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố công khai để toàn dân đóng góp ý kiến, việc các cuộc tọa đàm, tranh luận, cung cấp thông tin nhiều chiều về các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước trên phương tiện thông tin đại chúng,... giúp người dân tiếp cận với các vấn đề quan trọng, từ đó đưa ra ý kiến có trách nhiệm. Vì thế hệ thống truyền thông ở Việt Nam đã trở thành một phương tiện quan trọng trong bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền.

Ðể bảo đảm cho hệ thống truyền thông theo kịp sự phát triển, bên cạnh các quy định cụ thể trong Hiến pháp, pháp luật, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan thông tin đại chúng làm tròn chức năng, nhiệm vụ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng được phát huy cao hơn. Biểu hiện cụ thể cho quan tâm này là Việt Nam đã có Luật Báo chí và tháng 11-2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Xuất bản sửa đổi, thể hiện sự nhất quán trong tôn trọng quyền phổ biến tác phẩm của cá nhân, phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc đều khẳng định các quyền cơ bản này, và Nhà nước Việt Nam đã luôn nghiêm túc tuân thủ các cam kết. Tuy nhiên, bất chấp các thành tựu nhân quyền của Việt Nam, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí thường viện dẫn từ Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để bịa đặt Việt Nam "không có tự do ngôn luận, tự do báo chí", vu cáo Nhà nước Việt Nam "vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí". Khi viện dẫn, họ đã cố tình tảng lờ việc Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền khẳng định: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền khác: "phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ". Họ cũng đã tảng lờ việc trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, để bảo đảm "Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa", về tự do ngôn luận, Công ước cho rằng thực hiện quyền này "kèm theo những nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định". Wikipedia - nơi có thể tự do trình bày quan điểm, trong mục từ Tự do ngôn luận cũng viết: "Các hạn chế đối với tự do ngôn luận có thể theo "nguyên tắc gây hại" hoặc "nguyên tắc xúc phạm", thí dụ trong trường hợp khiêu dâm hoặc các nội dung thù ghét (nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào...). Các hạn chế đối với tự do ngôn luận có thể được thực thi bằng luật pháp hoặc/và sự lên án của xã hội".

Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mới có một số chế tài đối với hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để vi phạm pháp luật, mà ở Hoa Kỳ, CHLB Ðức, Pháp, Hàn Quốc, Singapore,... đều có luật và điều khoản luật xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những kẻ thường ca ngợi tự do báo chí của cái gọi là "Việt Nam cộng hòa" cần phải biết rằng, Ðiều 16 Hiến pháp 1956 của chế độ này viết: "Mọi người dân có quyền tự do ngôn luận. Quyền này không được dùng để vu cáo, phỉ báng, xâm phạm đến nền đạo lý công cộng, hô hào nổi loạn, hoặc lật đổ chính thể cộng hòa", Ðiều 12 Hiến pháp 1967 của chế độ này cũng viết: "Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục". Và không thể biện minh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí của chế độ đó khi chỉ trong một tháng đầu năm 1975 đã "bỏ tù 19 nhà báo và đóng cửa năm báo đối lập"; và 30 năm sau về cái chết của phóng viên AFP, Nguyễn Ngọc Bích - Tổng Giám đốc cuối cùng của cái gọi là "Việt tấn xã" - VTX, đã viết: "Tôi cũng sống những giờ phút thật căng khi ông Phạm Kim Quy, đại tá cảnh sát, bắn chết ký giả Agence France - Presse Paul Leandri rồi nhất quyết đòi VTX phải đưa ra cách giải thích của bên Cảnh sát quốc gia"!

Hiện nay, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam còn gặp khó khăn khi nhận thức về pháp luật của toàn dân chưa trở thành ý thức thường trực, tự giác, hệ thống truyền thông tuy phát triển song còn thiếu chuyên nghiệp, nhất là các thế lực thù địch, một số cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng truyền thông để tác động xấu tới xã hội, công chúng, lợi dụng việc chính quyền thực thi pháp luật để vu cáo Nhà nước Việt Nam,... Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, từ quan điểm, chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam về tự do ngôn luận và tự do báo chí, cả trước mắt và lâu dài, mọi người dân Việt Nam sẽ được hưởng các quyền này ngày càng đầy đủ hơn, được tạo các điều kiện để phát triển toàn diện và hài hòa, từ đó có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của xã hội.

 Vũ Hợp Lân

Nguồn: Báo Nhân Dân

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật