Phóng viên phụ trách huyện: Bạn là ai?

Được làm phóng viên phụ trách huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là phóng viên phụ trách huyện) đối với một số một số người là vinh dự. Bởi, theo định kỳ luân phiên, phóng viên đó được quyền tổ chức tin, bài (có thể tự viết hay mời phóng viên, cộng tác viên viết) về huyện đó để đăng trên tờ báo của Đảng bộ tỉnh (dùng quyền tổ chức chuyên trang để “chạy” định mức rất hiệu quả).

Nhà báo luôn đồng hành cùng nông dân - Ảnh: Ngô Văn

Nhưng đi liền với đó phóng viên này cũng chịu một áp lực không nhỏ. Đó là phải tổ chức đủ tin, bài (từ 1 đến 2 trang) về huyện đó theo định kỳ trung bình 2 tháng một lần, dù rằng đôi khi không biết phải viết hay gợi ý cho đồng nghiệp, cộng tác viên viết tin, bài gì trong chuyên trang.
 
Tôi được phân công phụ trách ở một huyện còn nhiều khó khăn. Điều may mắn hơn một số đồng nghiệp khác, đây là cũng là quê hương của tôi. Ở nơi đó, tôi rành “cả đường đi lối về”, biết gần hết tất tần tật các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Tôi lại có quan hệ rất tốt với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các phòng ban, hội đoàn thể huyện đến cả lãnh đạo cấp xã. Vì thế, việc thu thập thông tin, tư liệu để đưa tin, viết bài về huyện đối với tôi gần không có gì trở ngại. Tôi có thể lấy thông tin, tư liệu để viết tin, bài bất cứ lúc nào (cả ngày thứ 7, Chủ nhật), bất cứ ở đâu (ở cơ quan lẫn ở nhà). Chỉ cần cầm điện thoại di động lên alô là tôi được từ lãnh đạo đến trưởng, phó phòng ban huyện nhiệt tình cung cấp đầy đủ hoặc hướng dẫn đến người phụ trách để cung cấp các thông tin mà tôi cần. Sướng quá còn gì bằng nhỉ!
 
Những tưởng mọi thứ đều suôn sẻ, không có gì trở ngại? Thực tế không phải vậy. Là phóng viên phụ trách huyện, phải tổ chức chuyên trang theo định kỳ nên phải nghĩ đề tài, mà không chỉ nghĩ đề tài cho mình viết mà còn gợi ý đề tài để mời đồng nghiệp, cộng tác viên tham gia viết. Nhiều lúc huyện không có vấn đề gì nổi bật hay cần tuyên truyền nhưng phóng viên huyện cũng phải “nặn” đề tài ra mà viết để lắp đầy chuyên trang khi đến lượt của mình. Chính vì thế, chuyên trang thường rất khó thu hút, hấp dẫn độc giả.
 
Việc phải tổ chức chuyên trang định kỳ còn đòi hỏi phóng viên phụ trách huyện phải tạo mối quan hệ tốt với địa phương đó. Bởi có như vậy, việc lấy tư liệu, thông tin phụ vụ cho tin, bài  về huyện nói chung và chuyên trang huyện theo định kỳ nói riêng được dễ dàng, nhanh chóng khi cần và tránh những trở ngại không đáng có. Và đó là một “điểm yếu” khác của phóng viên này. Bởi, khi đã quan hệ thân thiết với lãnh đạo địa phương, phóng viên sẽ rất khó viết bài “đụng chạm”. Chỉ cần trong bài viết có một vài chi tiết liên quan đến trách nhiệm địa phương là bị các anh, các chú lãnh đạo địa phương alô trách móc, phàn nàn đủ điều, đôi khi còn có nguy cơ bị “khóa” thông tin. Vì thế, khi gặp vấn đề gai góc, tôi có phần ngán ngại vì sợ mất “mối” cung cấp thông tin, ảnh hưởng đến việc tổ chức chuyên trang sau này.

Mặt khác về khía cạnh tình cảm, tận cùng trong sâu thẩm, tôi thấy có phần ngại, ái náy khi gặp lại các anh, các chú này vì đã quá “tuyệt tình”  dù rằng với tư cách nhà báo, việc phản ánh vấn đề như thế không có gì sai cả. Hơn nửa, chuyên trang huyện mang nặng tính thông tin, tuyên truyền hơn là thông tin, phản ánh trung thực các vấn đề của địa phương (phản ánh cái tốt cả lẫn xấu), trong khi chức năng, nhiệm vụ của nhà báo là thực hiện cả 2 vế trên. Đồng thời, ngoài phụ trách thông tin, tuyên truyền cho cho địa phương nào đó, phóng viên còn phụ trách những lĩnh vực khác đòi hỏi phải phản ánh trung thực các vấn đề theo chức năng của nhà báo và đạo đức của nghề báo. Làm sao để đảm bảo công tác chuyên môn, thể hiện đúng chức năng của một nhà báo, tôn chỉ mục đích của tở báo; đồng thời đảm bảo quan hệ gắn bó với địa phương để hoàn thành nhiệm vụ được giao là vấn đề không dễ dung hòa.  
 
Mới đây, các cơ quan chức năng ban hành quy chế, quy định cung cấp thông tin, từ chối cung cấp thông tin. Về lý thuyết, cơ quan chức năng có nhiệm vụ phải cung cấp thông tin khi báo chí có yêu cầu nhưng thực tế còn nhiều vấn đề phải bàn thực thi quy chế, quy định này. Một khi người đứng đầu cơ quan chức năng không muốn cung cấp thông tin thì họ sẽ có nhiều cách để “né, tránh”. Trong khi đó, nhiệm vụ của người phụ trách huyện không chỉ phản ánh vấn đề nào đó rồi thôi mà còn quay trở lại nhiều lần sau đó để tổ chức chuyên trang, thông tin, tuyên truyền về huyện. Nếu tạo tâm lý “không an toàn” những có chức năng cung cấp ở địa phương  thì những ngày tháng sau này đối với phóng viên phụ trách huyện sẽ không dễ dàng chút nào. 

Làm phóng viên, được gắn kết, quan hệ tốt với cơ quan chức năng, tổ chức, đơn vị để giúp cho việc lấy thông tin, tư liệu thường xuyên phục vụ đưa tin, viết bài là rất tốt. Nhưng bên cạnh đó, khó khăn cũng không khỏi tránh khỏi trong phản ánh những tiêu cực, sai trái, thiếu trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan mà phóng viên đã có quan hệ thân thiết. Một mặt, lãnh đạo cơ quan báo thúc bách phóng viên phải có tin, bài thường xuyên; tin bài hay; bài điều tra thu hút bạn đọc. Nhưng muốn có thông tin thường xuyên, phóng viên phải tạo nhiều mối quan hệ với nhiều lãnh đạo cơ quan, địa phương. Và một khi đã quan hệ thân thiết với cá nhân, cơ quan nào đó thì khó mà viết tin, bài “đụng chạm” đến trách nhiệm của cá nhân và cơ quan đó. Còn nếu ai đó muốn làm Bao Công thiết diện vô tư, thì từ rày về sau “đừng có mơ mà lấy thông tin từ tớ nhé. Tớ sẽ chơi trò trốn tìm cho mặc sức mà bắt”.

Bởi thế, một ai đó đã ví von so sánh nghĩ lại cũng thấy đúng đúng, hay hay, đại thể là: làm báo như làm dâu trăm họ.

La Gi

Nguồn: Tạp chí Người làm báo Tiền Giang/VTN

Tin nổi bật