Đọc Tuổi thơ dữ dội, thấy mình cần sống có ích hơn

Gập lại cuốn sách này đã khoảng 1 năm nay, nhưng hình ảnh những người chiến sỹ Vệ Quốc Đoàn như vẫn còn sống mãi trong tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ đan xen với niềm tự hào.

Có lẽ đây là cuốn truyện hay nhất mà tôi đã đọc. Nhiều trang sách đã khiến tôi cũng như tất cả những ai đã từng đọc đều phải rơi nước mắt, nhưng tôi nghĩ, những giọt nước mắt đó rơi xuống hoàn toàn xứng đáng bởi nhà văn Phùng Quán đã tái hiện một cách hết sức chân thực và cảm động về tuổi thơ của những em nhỏ tham gia Vệ Quốc Đoàn.

Các em đều là những thiếu niên tuổi đời chưa đầy 14, 15, có những em chỉ mới 11, 12 nhưng đã hăng hái tham gia kháng chiến cứu nước, mang theo vào chiến trường ác liệt cái sự hồn nhiên, ngây thơ đến trong sáng của tuổi nhỏ mà đằng sau đó là sự gan dạ, anh dũng, tinh thần trách nhiệm cao với mọi công việc mà tổ chức giao phó.

Đó là tất cả những gì tôi đọc được từ cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán.

Các bạn có biết tôi đã khóc rất nhiều từ khi đọc cuốn sách này không? Tôi khóc vì cảm động trước lòng hiếu thảo của Mừng với mẹ. Em đã trèo lên tất cả các ngọn cây bút bút cao nhất của thành phố với mong muốn tìm được lá tầm gửi để chữa bệnh hen suyễn đã hành hạ mẹ em suốt bao năm trời. Em không hề sợ cây cao sẽ ngã, trong đầu em chỉ biết rằng, chỉ cần tìm được lá tầm gửi này là mẹ em sẽ hết bệnh như lời của cụ già trong làng đã nói với em. Và bằng mọi cách, em vẫn luôn giữ nó thật chặt bên mình, để mong một ngày gặp lại mẹ, để mẹ khỏi bệnh.

Tôi khóc khi Vịnh bị bọn giặc bắn chết và treo thân thể em lên, nhưng em đã hy sinh một cách vinh quang khi trèo lên cột thu lôi để bắn tín hiệu cho đồng đội ở trạm quan sát, để rồi khi đọc những lời của Đại đội trưởng nói về em: “Đứa em trai thân yêu, người đồng đội nhỏ tuổi của chúng ta tuy đã hi sinh nhưng hiện vẫn còn đứng sừng sững trên đầu bọn giặc nước! Em đứng để làm chuẩn cho các đồng chí bắn trúng, và để nhìn chúng ta chiến đấu”. Vịnh hy sinh nhưng tư thế hiên ngang lẫm liệt của em đã được lửa đạn của cuộc chiến khắc lên, và mãi mãi tạc ghi trong lòng ta.

Tôi khóc khi anh Đồng râu bị bọn giặc giết chết, các anh bị bêu ở đầu Đập Đá suốt 3 ngày đêm cho tới khi gần thối rữa mới đem chôn. Anh hy sinh khi cuộc kháng chiến còn chưa thắng lợi “mắt anh mở to bất động”.

Tôi khóc khi tiếng hát của Quỳnh sơn ca bật lên giữa chiến trường, khi em quyết định không trở về với gia đình, sống một cuộc sống giàu sang mà đứa trẻ nào cũng mong muốn mà ở lại chiến trường chịu đựng tất cả sự hi sinh gian khổ cùng các bạn… và em đã mãi mãi nằm lại ở đó trong nỗi tiếc thương và bao đau đớn của đồng đội. Em ra đi nhưng tiếng hát của em vẫn còn vang mãi.

Tôi khóc trước sự gan dạ của Lượm khi ở trong nhà tù. Em không hề chùn chân trước bao cạm bẫy mà bọn Tây đã giăng ra. Em đã vượt ngục bằng tất cả sự thông minh của mình nhưng không thành. Em còn tự hào rằng, cha của em cũng là cộng sản và đã 5 lần vượt ngục. Chính lòng tự hào ấy đã khiến em không hề nao núng, em không hề khai một nửa lời dù bị bọn chúng tra tấn, hành hạ dã man.

Tôi vỡ òa trong tiếng khóc khi Mừng bị nghi oan, vừa giận vừa thương em, chỉ vì em còn ngây thơ quá, em đã bị Kim điệu - một người đồng đội phản bội lừa một cách trắng trợn. Để rồi khi đọc đến những trang viết cuối cùng, trước khi chết, em vẫn cố nói vào điện đàm: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí”. Đó là lời khẩn cầu tha thiết nhất của người chiến sỹ vừa tròn 13 tuổi đời. Thật nghẹn ngào sao!

Gập lại cuốn sách này đã khoảng 1 năm nay, nhưng hình ảnh những người chiến sỹ Vệ Quốc Đoàn như vẫn còn sống mãi trong tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ đan xen với niềm tự hào. Tôi nghĩ rằng, “liệu mình sinh ra trong thời loạn lạc như vậy thì mình có như các em ấy được không?”. Tôi thấy mình cần phải sống có ích hơn nữa bởi cuộc sống của tôi giờ đây hạnh phúc và tự do. Điều đó đã phải đánh đổi bằng bao máu và nước mắt, bao gian khổ và hy sinh của bao người. Tôi biết rằng, có rất nhiều người đã từng đọc cuốn sách này nhưng còn những ai chưa đọc nó thì đừng ngần ngại, hãy đọc nó đi nhé. Nó sẽ đem lại cho mỗi chúng ta bài học rất bổ ích, bạn sẽ nhận ra được bản thân mình và từ đó biết sống và hành động có ý nghĩa hơn.

 Đỗ Phương Anh (Lớp 9I trường Lê Ngọc Hân, Hà Nội)

Nguồn: Báo Phụ nữ Thủ đô

Tin nổi bật