Các nước Bắc Âu hạnh phúc nhất thế giới năm 2013
(ICTPress) - Những ai đang tìm kiếm niềm hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc đời thì hãy tới với Bắc Âu, nhưng tránh xa Ai Cập và các nước đang gặp phải khủng hoảng tồi tệ của khu vực đồng euro, theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2013 vừa được Viện Trái đất Đại học Columbia, Mỹ công bố ngày 9/9.
Quang cảnh ở một con kênh ở khu Nyhaven ở Copenhagen, Đan Mạch. |
Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sỹ, Hà Lan và Thụy Điển là những quốc gia hạnh phúc nhất, theo một thăm dò 156 quốc gia. Rwanda, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Benin và Togo - đều nằm ở châu Phi bán Sahara - là các quốc gia không hài lòng nhất với cuộc sống, báo cáo này cho biết.
Mỹ xếp ở vị trí thứ 17 trên thế giới về niềm hạnh phúc toàn diện nhưng vẫn đứng sau Canada (6), Australia (10), Israel (11), các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (14) và Mexico (16).
Báo cáo này cũng xếp hạng Vương quốc Anh đứng thứ 22 trên thế giới. Các quốc gia lớn khác có Đức (26), Nhật Bản (43), Nga (68) và Trung Quốc (93).
Những tăng giảm xếp hạng
Thăm dò toàn cầu này được tiến hành trong thời gian từ 2010 - 2012 và sau xếp hạng đầu tiên được Viện Trái đất công bố năm ngoái. Trong khi “thế giới đã trở thành nơi hạnh phúc và tươi thắm hơn trong 5 năm qua”, thì những thay đổi kinh tế và chính trị lại làm giảm cấp cuộc sống đáng kể ở một số quốc gia, báo cáo này cho biết.
Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là các quốc gia sụt hạng đáng kể do tác động của cuộc khủng hoàng đồng euro, trong khi Ai Cập, Myanmar và Ả rập Saudi sụt giảm xếp hạng do tình trạng xáo trộn về chính trị và dân sự gần đây.
Ai Cập sụt giảm lớn nhất về cấp độ hạnh phúc, hài lòng. Với thang điểm 1 đến 10 - với điểm 10 là điểm hạnh phúc nhất - Ai Cập đạt 4,3 điểm năm 2012, so với 5,4 năm 2007.
“Chúng tôi cho rằng và phát hiện các nước sụt hạng nhiều là do thu nhập thấp hơn nhưng có một yếu tố lớn làm sụt giảm các cấp độ hạnh phúc ở các nước này là sự sụt giảm sự tự do để thực hiện các lựa chọn cuộc sống cốt lõi được con người nhận thức”, báo cáo này cho biết.
Angola, Zimbabwe và Albania đã tăng hạng lớn so với tất cả quốc gia được thăm dò.
“Ở cấp độ khu vực, tăng hạng lớn nhất thuộc về các nước Mỹ La tinh và Caribe và ở khu vực bán châu Phi Bán Sahara”, báo cáo cho biết.
Chính phủ các nước đang tìm cách tăng sự hạnh phúc, hài lòng cho công chúng thì nên chi ngân sách nhiều hơn cho y tế, cụ thể là bệnh tinh thần vì đây là yếu tố đau khổ nhất ở các quốc gia được đánh giá, các tác giả của thăm dò này cho biết.
Con người có thể không hạnh phúc vì nhiều lý do - từ đói nghèo đến không có công ăn việc làm đến đổ vỡ gia đình và đau ốm. Nhưng ở bất cứ quốc gia nào, đau ốm về tinh thần là nguyên nhân của khổ cực có tác động lớn nhất.
“Nếu chúng ta muốn một thế giới hạnh phúc hơn, chúng ta cần một thống nhất mới hoàn toàn về sức khỏe tinh thần”.
Hạnh phúc quốc gia
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2013 ra đời để ủng hộ phong trào toàn cầu đang tăng lên kêu gọi các chính phủ và các nhà hoạnh định chính sách giảm tập trung vào đạt tăng trưởng kinh tế và tập trung vào các chính sách có thể làm tăng hạnh phúc, sức khỏe toàn diện cho con người.
Một ý tưởng ban đầu được cựu nhà vua Jigme Singye Wangchuck của Bhutan đưa ra vào năm 1972 cho rằng “kinh tế hạnh phúc” hiện nay đã thu hút nhiều sự quan tâm ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Vương quốc Anh, Đức, và Hàn Quốc. Liên hợp quốc lần đầu khuyến khích các quốc gia thành viên đo lường và ứng dụng hạnh phúc của họ để làm các chính sách công vào tháng 7/2011.
“Điều quan trọng là cân bằng các phương thức kinh tế để tiến bộ xã hội với các phương thức hạnh phúc, sức khỏe chủ quan để đảm bảo nỗ lực kinh tế dẫn đến cải tiến rộng hơn ở các lĩnh vực cuộc sống chứ không chỉ là thịnh vượng hơn về kinh tế”, báo cáo cho biết.
T. Dương
Nguồn: CNN