Ban Giao bưu - Thông tin TW Cục miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân
(ICTPress) - Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm những ngày Tháng 8 lịch sử và cùng toàn thể CBCNVC - người lao động ngành Bưu điện kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống Ngành (15/8/1945 - 15/8/2013), sáng nay 15/8/2013 tại TP. HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho hai đơn vị: Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc (TTLL) Trung ương Cục miền Nam.
Với những đóng góp to lớn của lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ngày 25/4/2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định 804/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang (LLVT) nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin (Ban GB - TT) TW Cục miền Nam.
Đến dự còn có Bà Nguyễn Thị Doan, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Nguyên UV Bộ Chính trị, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; ông Nguyễn Bắc Son, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP. HCM. Đại diện Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7; các cơ quan ban ngành, chính quyền, đoàn thể của TP. HCM; lãnh đạo một số tỉnh/thành khu vực miền Đông Nam bộ; Nhiều đồng chí lãnh đạo của Ban GB-TT TW Cục các thời kỳ; Lãnh đạo ngành Bưu điện, ngành Bưu chính Viễn thông; Lãnh đạo Tổng công ty VNPT và VNPost; Lãnh đạo Bưu điện và VNPT các tỉnh khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ qua nhiều thời kỳ… cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đã từng hoạt động trong Ban GB - TT TW Cục và Phòng TT (Văn phòng TW Cục miền Nam) và đông đảo CBCNV của Tập đoàn VNPT và VNPost TP. HCM…
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - bà Nguyễn Thị Doan đã trân trọng trao danh hiệu cho hai đơn vị Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam. |
Các đại biểu về dự Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân |
Lịch sử còn ghi lại, trước yêu cầu mới của cuộc Cách mạng giải phóng miền Nam, Hội nghị lần thứ III Ban chấp hành TW Đảng (khóa III) ngày 23/1/1961 đã quyết định thành lập TW Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Ngay sau đó TW Cục đã thành lập các Ban chuyên môn để phục vụ lãnh đạo kháng chiến, trong đó có Ban Thông tin (tháng 10/1961) và Ban Giao bưu vận (tháng 2/1962), đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và lực lượng của hai ngành Giao bưu và Thông tin.
Ông Lê Bá Liệu - nguyên Phó Trưởng Tiểu Ban Tuyên huấn - Tổ chức Ban Giao bưu vận TW Cục miền Nam điểm lại một số nét son của lực lượng Giao bưu vận trong những năm chống Mỹ, cho biết: nhiệm vụ của đơn vị được giao là: Xây dựng, quản lý hệ thống hành lang; Tổ chức đưa đón, bảo vệ cán bộ; Tiếp nhận, phát hành và vận chuyển hàng Bưu chính; Xây dựng các bến bãi, kho hàng để tiếp nhận và vận chuyển hàng quân sự và các hàng chiến lược khác từ hậu phương lớn miền Bắc vào Nam theo đường bộ và đường biển... với tính chất của nhiệm vụ: Giao thông - Bưu chính - Vận tải và được gọi tắt là: Giao - Bưu - Vận. Địa bàn hoạt động của Ban trên khắp chiến trường miền Nam, trọng điểm là Nam bộ và khu 6, tổ chức bộ máy gồm nhiều tiểu ban: Bưu chính, Giao thông vận tải, Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Tổng phát hành; Tổng trạm; các trạm đầu mối vùng căn cứ các hành lang và các Đoàn công tác. Bên cạnh đó, Ban còn có Trường đào tạo bồi dưỡng văn hóa; Bệnh xá và Đài vô tuyến điện (VTĐ). Đến cuối 1965, Ban có trên 15.000 người với hơn 350 trạm được tổ chức chặt chẽ thành hệ thống hành lang thông suốt từ TW Cục xuống các địa phương, Khu, tỉnh trên toàn miền và nối thông với TW ngoài Hà Nội.
Là một trong các chiến trường trọng điểm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, lực lượng Giao bưu vận trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đã thực hiện chuyển - nhận hàng vạn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thư từ công văn, tài liệu… từ TW xuống địa phương và ngược lại; Đưa đón an toàn hàng trăm lượt cán bộ, khách quốc tế, trong đó nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng như: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Phạm Văn Xô, Phan Văn Đáng… Để bảo vệ an toàn cho cán bộ cũng như hàng hóa, lực lượng Giao bưu vận đã trực tiếp tham gia chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt, bắt sống và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, hàng trăm máy bay, tàu chiến, xe tăng, đồn bốt của giặc bị phá hủy. Trong suốt năm tháng chống Mỹ cứu nước đã có hàng ngàn Cán bộ, chiến sỹ Giao bưu vận mãi mãi nằm xuống trên chiến trường, nhiều tấm gương kiên trung bất khuất được Tổ quốc ghi danh muôn đời.
Chiến sỹ giao bưu |
Tại buổi lễ, Ông Nguyễn Thành Danh, nguyên Trưởng Ban TTLL TW Cục miền Nam đã bồi hồi xúc động nhắc lại những năm tháng hào hùng của lực lượng TTLL.
Ban được thành lập từ 10/1961 trên cơ sở của hai đài thông tin VTĐ của Xứ ủy Nam bộ, Ban được tổ chức các bộ phận: Đài Thông tin VTĐ, Xưởng kỹ thuật và Trường Thông tin liên lạc VTĐ Lý Tự Trọng, với nhiệm vụ được giao tổ chức cụm đài, mạng lưới TTLL toàn miền Nam, phục vụ thông suốt việc chỉ đạo của TW Cục đến các chiến trường và giữ liên lạc thường xuyên với Trung ương ở miền Bắc, xây dựng lực lượng, sửa chữa máy thu-phát máy thông tin VTĐ… đào tạo cán bộ nghiệp vụ cơ công, báo vụ cho các khu ủy, tỉnh ủy khu vực B2. Trước yêu cầu của nhiệm vụ vô cùng nặng nề, lực lượng hết sức khó khăn, thiếu thốn, được biết trong giai đoạn từ 1968 đến 1973, Tổng cục Bưu điện cũng đã kịp thời gửi chi viện cho Ban gần 200 cán bộ, chiến sỹ được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó Ban TTLL TW Cục còn phải đào tạo nhân sự giúp bạn Campuchia.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và vô cùng ác liệt, cán bộ chiến sỹ Ban không quản hy sinh, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, kiên cường, mưu trí, dũng cảm trực tiếp tổ chức nhiều trận chiến đấu để giữ vững mạch máu TTLL thông suốt từ Bắc vào Nam, từ TW Cục đến các chiến trường. Nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, điển hình như đồng Vũ Đức Ban (10 Phong) - Ủy viên Ban TTLL trực tiếp chỉ huy chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Cùng với sự kiên cường gan dạ trong chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ của Ban còn có biết bao chiến công thầm lặng, đó là các phiên liên lạc của TW Cục, với việc giải mã dịch điện mật của đối phương, mưu trí, sáng tạo trong cách viết và chuyển điện, tạo ra các cụm đài thật, tín hiệu giả (đài B6) sẵn sàng hy sinh để đánh lạc hướng đối phương… che giấu thiết bị điện đài. Mặc dù trong điều kiện thiếu thốn, nhưng đơn vị vẫn tự chế, lắp ráp được nhiều thiết bị thu - phát VTĐ để phục vụ cho công tác và chiến đấu. Ban TTLL đã thiết lập được mạng lưới luôn thông suốt từ TW đến các Khu, Tỉnh với hàng trăm đài các loại; lưu thoát hàng vạn bức điện; phục vụ hàng nghìn phiên liên lạc cho TW Cục.
Với nhiệm vụ đào tạo, trường Lý Tự Trọng cũng đã cho ra hàng trăm báo vụ viên, kỹ thuật điện đài VTĐ cho các chiến trường, góp phần không nhỏ tăng cường, phát triển, hoàn chỉnh hệ thống TTLL VTĐ khu vực Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.
Trường VTĐ Lý Tự Trọng |
Một trong những chiến công của Ban TTLL mà nhiều người còn nhớ: theo Chỉ thị của đồng chí Nguyễn Văn Linh, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng chỉ trong 10 ngày Ban đã thiết lập được tuyến thông tin “song công” an toàn, và bảo mật từ TW Cục về TW (Hà Nội) để kịp thời phục vụ thông tin cho Hội nghị Paris và Phái đoàn quân sự bốn bên tại trại Đa-Vit (Tân Sơn Nhất).
Không thể kể hết những chiến công, tấm gương kiên cường anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sỹ Ban TTLL TW Cục miền Nam trong những năm kháng chiến chông Mỹ cứu nước.
Ông Huỳnh Văn Mai, nguyên Ủy viên Ban TTLL, nguyên Trưởng Phòng Thông tin, Văn phòng TW Cục miền Nam đã khẳng định, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chiến sỹ Giao bưu - Thông tin đã in dấu trên mọi nẻo đường của chiến trường B2, từ chiến khu rừng sâu đến nội đô Sài Gòn… lớp người giao liên, VTĐ kiên trung một lòng theo Đảng đã dệt nên những huyền thoại của những trận tuyến thầm lặng. Gần 5.000 cán bộ. chiến sỹ đã hy sinh, hàng ngàn đồng chí thương, bệnh binh, bị phơi nhiễm chất độc đi-ô-xin. Ông Mai cũng nhắc lại lời của đồng chí Bí thư TW Cục - Phạm Hùng khen tặng và dặn dò cán bộ, chiến sỹ Giao bưu-Thông tin: “…các đồng chí là mạch máu, thần kinh của Đảng, hãy cố gắng giữ gìn” và Bí thư TW Cục - Nguyễn Văn Linh: “…các đồng chí là tai mắt của Đảng, tai mắt lành lẽ thì cơ thể Đảng mới khỏe mạnh”.
Hơn 1000 đại biểu hôm nay về đây dự Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban TTLL TW Cục hôm nay, đã sự chứng kiến và ghi nhận, sự tưởng thưởng vinh dự to lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với hai ngành Giao bưu vận và TTLL trong kháng chiến.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, một lần nữa khẳng định chiến công to lớn của lực lượng Giao bưu vận và TTLL trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã tô thắm trang sử vẻ vang truyền thống của Ngành Bưu điện Việt Nam, được đúc kết bằng 10 chữ vàng: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình”. Đối với thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm mãi mãi gìn giữ, phát huy.
Nhân dịp này, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lê Đức Anh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh và nhiều đơn vị trong và ngoài ngành VNPT/VNPost đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Nguyên Trí