Hạnh phúc khi được rong ruổi…
Tôi tin rằng, làm báo là được làm một trong những nghề tuyệt vời nhất thế giới. Ai đó nói rằng nghề này nặng nhọc chẳng kém gì nghề thợ mỏ - không sai (xét về mặt lao động trí óc và cường độ vận động thì đúng là không thua gì). Nhưng nếu bây giờ bảo tôi đổi sang nghề khác, tôi sẽ không đồng ý. Một người đã quen nhìn thế giới, phản ánh về nó bằng ngòi bút và những tấm ảnh trong những chuyến đi chắc chắn sẽ không bao giờ muốn mất đi một trong những đam mê lớn nhất của đời mình.
Nhà báo Trương Anh Ngọc - Ảnh: do nhân vật cung cấp |
Đời của một người phóng viên, giây phút hạnh phúc nhất là khi nào? Tôi chưa đi qua hết một đời phóng viên để có thể đúc rút ra những quy luật và kinh nghiệm xương máu của đời làm báo như những thế hệ đi trước, nay đã trở thành những bậc lão thành trong nghề, nhưng với những gì đã trải qua trong những năm tháng làm báo của mình, tôi tin, hạnh phúc của tôi là khi được đi và được viết, viết nhiều và hay nhất có thể. Viết từ thực tế những gì tôi đã cảm nhận, viết từ một chặng nghỉ nào đó trên đường công tác để gửi thẳng về nhà cùng với những tấm ảnh đã chụp, viết trong những đêm bồng bềnh trôi trên những chuyến tàu chạy cả nghìn cây số đi xuyên một đất nước rộng lớn, dưới ánh đèn tù mù rập rình trong toa nằm, viết cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của những hành trình, dưới sức ép của thời gian và giới hạn của sức lực, trong những ngày có khi chỉ ngủ mấy tiếng.
Tôi đã quen với những chuyến đi dài, đôi khi theo kiểu hành xác như thế mà vẫn bảo đảm được công việc (có khi còn vượt cả kế hoạch đặt ra): Ngần ấy cây số đi trên những con đường, gặp ngần ấy người và ghi chép bao nhiêu câu chuyện trong một ngày, để rồi vẫn gửi về tòa soạn một lượng chữ không ít, một lượng ảnh không nhỏ. Mà công việc ấy diễn ra hàng ngày, trong suốt một tháng trời, ở những giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh, kéo dài trên một không gian rộng lớn. Mỗi hai năm như thế một lần nhưng chưa bao giờ thấy chán, vì mỗi hai năm là một đất nước mới, ngôn ngữ mới, nền văn hóa và lịch sử mới mẻ, những điều thôi thúc trí tò mò, tưởng tượng và đặc biệt là sự khao khát học hỏi để hiểu một cách nhanh, nhưng sâu nhất, trong một thời gian khá hạn hẹp những cái mới ấy. Chính những khao khát đi đến tận cùng những cái mới mẻ ấy là điều khiến cho mỗi năm qua đi mà ước mơ được đi và viết của tôi vẫn không có gì thay đổi. Tôi đã đi một số giải bóng đá theo đội tuyển Việt Nam như thế, đã rong ruổi trên những nẻo đường từ EURO 2008, qua World Cup 2010 và EURO 2012 cũng như vậy. Tôi đi với tư cách là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt nam (TTXVN) trong các giải đấu này, nhưng bên cạnh những bài phân tích và bình luận đơn thuần về chuyên môn bóng đá, không thể thiếu được những bài viết theo dạng ký lãng du, theo lăng kính của một người đặt bóng đá trong một tổng thể lớn hơn của cuộc sống ở những nơi tôi đã đi qua.
Mà thực ra cuộc sống ấy cũng có chính bản thân tôi trong đó, rõ nét, với trái tim đập cùng nhịp đập của những người tôi đã gặp và chia sẻ trên những nẻo đường. Cuộc sống của chính tôi, đã có lần điều quý giá nhất mà Thượng đế trao cho ta ấy, đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi một lần tôi chấp nhận mọi rủi ro để đi vào lòng một khu ổ chuột vô cùng nguy hiểm ở Nam Phi. Sự cố bị cướp có vũ trang ảnh hưởng đến tính mạng hồi tháng 7.2010, vừa như một lời cảnh báo về những thách thức mà một tay phóng viên thích rủi ro có thể gặp phải, nhưng lại là một sự kích thích lớn lao cho những chuyến công tác sắp tới. Trên thực tế, những rủi ro lớn khác tôi đã từng trải qua, không chỉ có sự kiện ấy, nhưng nỗi lo lớn nhất lại không phải là điều gì có thể xảy ra đến với mình, nếu một ngày một mình một ba lô và máy ảnh đi viết phóng sự đời thường bên lề một giải bóng đá lớn tầm cỡ thế giới, mà là không cảm thấy máu mình chạy rần rật trong huyết quản khi cảm hứng viết bài ập đến, không chuyển tải được những gì ta đã chứng kiến, không hòa cùng vào đời sống và suy nghĩ của những đối tượng, những cảnh đời ta đã gặp trên đường công tác. Tôi sợ những trang ký sự của mình không có chất sống, không lôi cuốn được độc giả, không thấy hình ảnh của một tôi-yêu-những-chuyến-đi và yêu-cuộc-sống trong đó. Nhưng bây giờ nhìn lại, sau khi đã viết cả trăm bài báo sau những chuyến đi ấy cộng lại, sau khi cho ra đời một cuốn sách tản văn viết về nước Ý, nơi đã sống và công tác trong hơn 3 năm (3 năm của ròng rã những chuyến đi khác vào trong lòng nước Ý, với con người, xã hội, văn hóa và những trăn trở của nó), tôi cảm thấy mình không phải là một kẻ thất bại. Và tôi khao khát những chuyến đi nữa, đến những giải đấu mới, chân trời mới, để khám phá thế giới, và đi đến tận cùng những giới hạn của bản thân mình.
Một lời khuyên cho các sinh viên đang theo đuổi cái nghề cực nhọc này: Nếu có thể, hãy đi, đi nhiều hết mức có thể và càng xa càng tốt trên thế giới này, đi không phải để chứng tỏ mình "yêng hùng" và bản lĩnh trước mọi thử thách như một số bạn trẻ hiện nay, mà là để nhìn thế giới một cách chân thật hơn, cởi mở, thực tế và độ lượng hơn. Điều ấy không chỉ tốt cho nghề làm báo, mà còn đóng vai trò quan trọng cho việc hoàn thiện nhân cách của mỗi con người.
Nhà báo Trương Anh Ngọc là Thư ký tòa soạn của Báo Thể Thao & Văn Hóa (TTXVN). Anh Ngọc đã có hơn 3 năm nhiệm kỳ làm trưởng phân xã TTXVN tại Roma, Italia. Ngoài việc viết báo thể thao, Anh Ngọc còn là bình luận viên về bóng đá thế giới trên các kênh truyền hình Việt Nam, một cây bút tản văn về du hành trên nhiều tạp chí và là phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này được Tạp chí France Football mời tham gia bình chọn danh hiệu Quả bóng vàng FIFA hàng năm từ năm 2010. Tháng 5.2012, Anh Ngọc cho xuất bản cuốn sách đầu tay của mình Nước Ý, câu chuyện tình của tôi và dự kiến sẽ cho ra một tập ký sự về những chuyến đi của mình trong tương lai gần. |
Trương Anh Ngọc
Nguồn: Tạp chí Người làm báo