Người làm báo đừng ngại tra từ điển!
Tôi có một kỷ niệm sâu sắc hồi mới bắt đầu làm báo.
"Đừng ngại tra từ điển". Ảnh: hellochao.vn |
Có lần, một anh phóng viên đưa bài của một cộng tác viên bảo tôi biên tập. “Làm” xong, vừa đưa lại, liếc qua một cái, anh đã quát ngay: “Cái này chẳng khác gì em chữa lợn lành thành lợn què rồi còn gì!”. Nói xong anh chỉ chỗ vừa được “móc”… Tôi thẹn chín người, đường đường là cử nhân báo chí mà không biết chữ này, của người ta viết đúng mà sửa lại cho sai. Từ đó, tôi luôn có ý thức sâu sắc về việc kiểm tra chính tả, cả khi viết và nhất là sau này khi làm biên tập.
Tự nhận là người “làm chữ nghĩa” nhưng có nhiều chữ tôi không biết viết thế nào cho đúng (và tôi đã từng viết sai). Chẳng hạn, từ “luẩn quẩn”, trong Nam Bộ, do đọc là “lẩn quẩn” nên nhiều khi cũng viết như thế. Một lần đọc bài của cộng tác viên, thấy viết như thế, tôi hồ nghi, bèn tra từ điển, hóa ra người ta viết đúng, còn mình thì suýt chút nữa đã sửa lại thành sai. Hay từ “sáp nhập”, trong đầu cứ nghĩ là “sát nhập” vì có “sát” (kế bên) thì mới “nhập” được, vả lại “sáp nhập” cũng hơi khó đọc. Từ “viển vông” cũng vậy, trong đầu cứ nghĩ là “viễn vông” vì “viễn” là “xa”, ráp vào thì “hợp lý” quá rồi, nhưng hóa ra không phải. Rồi từ “trăng trối”, vẫn nghĩ là “trăn trối” vì thực ra không hiểu chữ “trăng” nghĩa là gì và có liên quan gì đến “trối”. Hoặc từ “ca thán” thay vì “ta thán” vì cứ hiểu rằng “ca” ở đây chính là “kêu ca”… Đó là những từ vì “hiểu nhầm” thành ra viết nhầm hoặc có mơ hồ.
Đã vậy, nhiều khi tôi thấy mình viết sai vì “ảnh hưởng” đến cái sai của người khác. Tức là có những từ “bị” người khác viết sai nhiều lần, bản thân đọc tưởng là đúng và viết theo, nhưng hóa ra viết sai. Chẳng hạn từ “hậu duệ”. Từ điển ghi rõ “hậu duệ” là “con cháu của người đã chết”, nhưng trên báo vẫn thấy có người viết là “hậu duệ của Maradona”, dù người đó chẳng có bà con gì với Maradona cả, mà chỉ cùng mang quốc tịch Argentina, và rõ ràng trong khi danh thủ này vẫn đang còn sống! (Chính tôi khi viết bài này, ở cụm “cùng mang quốc tịch Argentina” tôi đã viết là “đồng hương Argentina”). Nhưng thấy chữ “đồng hương” mình chưa hiểu lắm, bèn tra từ điển thì hóa ra từ này có nghĩa là “cùng quê hương, quê quán (nhưng đều đang ở xa)”. Như vậy, chữ “đồng hương” lâu nay được nhiều người dùng chỉ mang nghĩa của vế đầu (là “cùng quê hương, quê quán”) chứ ít chú ý đến vế sau (là chỉ dùng khi các đối tượng đều ở xa quê). Hay từ “lăng loàn”, vốn có nghĩa là “có hành vi hỗn xược xúc phạm người trên, không chịu phục tùng khuôn phép (thường nói về phụ nữ trong quan hệ gia đình)” nhưng vẫn có không ít người nghĩ rằng từ này dùng để chỉ những phụ nữ lang chạ, có quan hệ nam nữ phức tạp…
Làm biên tập viên, tôi tập dần thói quen tra từ điển. Bởi khi là người viết, bản thân còn có “bộ lọc” khác chính là các biên tập viên, họ giúp mình “gác cửa”, còn khi mình làm công việc đó thì bản thân trước hết phải tự “gác cửa”. Vì vậy, từ điển trở thành công cụ quan trọng, cần thiết và bổ ích để giúp tác giả dùng từ đúng hơn hoặc tránh chữa sai từ đã dùng đúng của tác giả. Dù vậy, tôi vẫn thấy rằng, nhiều khi do bị “mặc định”, tức là vì đã hiểu sai, nhớ sai mà cứ ngỡ là đúng (như trường hợp nêu trên), thành ra bản thân cũng không phát hiện ra từ đã sai mà chữa lại hoặc vẫn chữa từ đúng thành sai. Từ đó, tôi lại càng thấy từ điển trở nên quan trọng, nhất là với những từ mà mình thấy ngờ ngợ hoặc đã quên nghĩa.
Để các biên tập viên đỡ vất vả và để tự rèn cho mình tính cẩn thận, các phóng viên cũng phải thường xuyên dùng từ điển. Đừng “dựa” vào người “gác cổng” hoặc chủ quan rằng đã có người “bọc lót” mà thiếu thận trọng, thậm chí cẩu thả, tùy tiện khi dùng từ. Bởi bản thân mình có chú ý trau chuốt, nghiêm cẩn thì không chỉ làm tăng giá trị của bài viết mà còn tác động, thúc giục người đọc cũng phải chú ý nhiều hơn, thận trọng hơn khi đọc, biên tập và phê bình. Tức là, mỗi người khi đặt bút viết thì phải tự “gác cửa” cho mình, tự phê bình, thậm chí tự phản biện nữa.
Bây giờ, công cụ tra cứu trên Internet rất mau chóng và hữu dụng. Tuy nhiên, đôi lúc vì không hiểu hoặc bị lệ thuộc nó mà trở nên nguy hiểm. Chẳng hạn, khi tra một từ nào đó mà mình thấy chưa an tâm bằng công cụ mạng, có khi ta mắc vào cái sai phổ biến của người khác mà mình cứ ngỡ rằng “có nhiều người chấp nhận” tức là đúng. Do đó, người làm báo lại phải càng cẩn thận, cảnh giác.
Dĩ nhiên, không phải vì quá tuân theo từ điển mà thiếu sáng tạo. Bởi tiếng Việt là một sinh ngữ, nó thay đổi và phát triển không ngừng nên chắc chắn có những từ mới mà chưa kịp đưa vào từ điển. Vì vậy, nếu cảm thấy có những từ, những kết hợp từ chưa từng xuất hiện trong từ điển mà phản ánh được một khái niệm, một hình thức, một trạng thái mới của sự vật, hiện tượng… một cách hợp lý thì vẫn có thể mạnh dạn sử dụng. Chẳng hạn, nếu vì câu nệ từ đã có chắc chắn Nguyễn Tuân không thể sáng tạo ra từ “giặc lái” mà đến nay đã trở thành một từ quen thuộc và vẫn còn tính độc đáo. Tất nhiên, sáng tạo nhưng phải đảm bảo sự hợp lý và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chứ không phải “phát minh”, “phát kiến” tùy tiện, thành ra “tối tạo” chứ không phải “sáng tạo”!
Nguyễn Minh Hải
Nguồn: Tạp chí Người làm báo