Cái sự ăn này nên khó tính
Như mọi sự trong đời sống, có cầu thì có cung. Vậy thì trong cái sự ăn này người Hà Nội hãy khó tính một chút. Hãy tẩy chay nếu người ta cậy ngon mà “ghẻ” mình.
Thường những người “biết ăn” lại là những người khó tính. Ăn phải có bát sạch đũa sạch, tay bốc thức ăn sạch, quang cảnh chung quanh phải sạch sẽ an toàn để khi ăn vào miệng miếng ngon mới thấm. Và cái này nữa, người bán hàng, người làm ra món ăn ấy phải có một ấn tượng nào đó về sự… ngon!
Rất nhiều thứ đang mất dần ở nước ta, nhất là ở Hà Nội, nơi hàng trăm năm nay ẩm thực được xếp ở hàng “văn hóa cơ bản”. Hàng ăn dở tràn lan, thấp thoáng đâu đó có vài hàng ngon nhưng người ta phải lờ đi, để mà “ăn lấy được”. Vài hàng đông đúc càng khiến người bán vênh vang, cũng là một chiêu thức bán hàng. Vài hàng có tiếng ở Hà Nội ngoa ngoắt để người ta nhớ đến mà ăn, nhưng cũng mang lại sự ấm ức. Người Hà Nội, bán và mua ngày xưa không như thế.
Ảnh minh họa |
Nhớ hồi chiến tranh có một hàng bánh khúc ở cổng chợ Hôm. Đông đến mức sáng nào cũng vòng trong vòng ngoài. Một đồng một cái bánh khúc kèm nhiều xôi ăn no. Dạo đó làm hai tầm. Sáu giờ sáng phải có mặt ở cơ quan ở trường học. Trẻ con ngái ngủ ngồi sau xe đạp. Người đi làm vội vừa đứng vừa như chồn chân. Muộn vài phút là bị ghi tên chấm công. Nhưng đứng chờ mua bánh mà không ai chen lấn. Người bán hàng nhã nhặn nhìn trẻ con xem đứa nào cần ăn trước. Xin lỗi ông. Xin lỗi bác để em này mua trước… Hàng bánh khúc ấy bây giờ không còn. Nhưng không ai quên người bán là người Hà Nội gốc, ở mạn Dịch Vọng - đích thực là Hà Nội.
Bánh khúc ngon lắm nhưng cái sự dịu dàng của người bán làm nó ngon gấp bội trong ký ức mọi người. Nét đẹp của ẩm thực Thủ đô còn lại mãi, có lẽ nó mang sự ấm áp của người làm ra miếng ngon. Ngày nay tình thương mến giữa người bán mua mất đi, cái ăn mất ngon khi ta bỏ tiền mà ấm ức vì đã ngon thì phải chịu ghẻ lạnh.
Nếu không ngon thì người lại tha hồ cư xử “không phải phép” với người ăn. Thúng xôi đặt trên miệng cống bốc mùi. Gánh bún riêu dưới trời mưa phùn lép nhép bùn, người qua lại vấy cả nước bẩn lên bát người ăn. Tay vừa làm gì đó bốc lên rổ bún… Vô vàn hành động coi thường người khác hằng ngày bày ra trước bàn dân thiên hạ. Ông bà chúng ta từ xưa không bao giờ cư xử với nhau như thế đâu… Ngày tôi còn nhỏ - lại nói chuyện ngày xưa - ở thị trấn miền Trung của tôi rất đông người Bắc về tản cư.
Tôi còn nhớ một bà ở nhà tôi chuyên nghề làm bánh đúc nóng bán cho trẻ ăn sáng. Tôi quan sát công đoạn của bà say mê vì bà làm hàng ăn cực kỳ kỹ lưỡng. Bà rửa tay sạch sẽ rồi xay bột. Không bao giờ bà để bột đến ngày thứ hai. Bà mặc áo phin trắng, tóc quấn cao khi đổ bánh ra những cái mẹt lót một lượt lá chuối. Lá chuối được rửa sạch được lau bằng vải màn thật khô. Buổi sáng trẻ con đến trước sân, bà dùng con dao đã rửa sáng bóng lấy những miếng lá chuối lót tay đưa bánh cho trẻ. Hàng bán chỉ vèo một cái là hết.
Có người bảo: phiên phiến thôi kỹ thế thì lờ lãi gì. Bà bảo: Cái ăn vào miệng mà làm ẩu là phải tội với người ta. Trong bếp, tôi thấy cái gì cũng được bà chăm chút lau rửa treo lên cao cho khô cho sạch. Bà không cần phải để ai nhìn thấy mới làm. Bà làm cho lương tâm yên ổn. Bà nói với mẹ tôi như thế! Và ngày trước người bán hàng nào cũng như thế.
Ảnh minh họa |
Không nói nhiều thì bây giờ ai cũng biết rồi. Người ta ác đến mức không đếm xỉa đến ai ngoài món lời kiếm được. Như vậy thì lại phải trông chờ ở cách xử sự của “thượng đế”. Bẩn quá thì đừng ăn nữa. Đằng này, hàng bún đậu ở gần vài công ty bát đũa nhếch nhác, nước rửa một xô đặt gốc cây, miệng cống chảy ra đen sì mà nam thanh nữ tú váy văn phòng cà vạt đồng hồ… vẫn chen lấn ngồi “thưởng thức”. Mùi cống át cả mùi mắm tôm mà vẫn “khoái khẩu”. Hàng cháo lòng tiết canh giấy lau miệng đỏ lòm vất bừa bãi dưới chân mà vẫn ăn.
Món ăn. Chỗ ngồi ăn. Bạn cùng ăn. Thời điểm trong ngày, trong tháng được ăn… Những thú vị ấy của đời người làm sao để tận hưởng trọn vẹn nếu càng ngày người nấu càng ẩu, người bán càng thô, người ăn càng dễ tính qua loa? Như mọi sự trong đời sống, có cầu thì có cung. Vậy thì trong cái sự ăn này người Hà Nội hãy khó tính một chút. Hãy tẩy chay nếu người ta cậy ngon mà “ghẻ” mình. Tẩy chay nếu người bán xem ta là con gà con vịt cho ăn thế nào cũng xong.
Không ăn những nơi những chỗ như vậy thì đã chết ai?
Lê Thị Nhiễu
Báo Phụ nữ Thủ đô