Ảnh báo chí Việt Nam: Thiếu sáng tạo
Cô gái nhỏ nhắn Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) đã gây xôn xao giới nhiếp ảnh báo chí Việt Nam khi đoạt giải Nhất ảnh Báo chí thế giới đầy danh giá World Press Photo 2013 ở hạng mục Vấn đề đương đại. Chính cô gái này đã ghi tên Việt Nam vào bảng thành tích ảnh báo chí thế giới.
Một bức trong bộ ảnh đoạt giải ảnh báo chí World Press Photo 2013 của Maika Elan |
“So bó đũa, chọn cột cờ”
So với tốc độ phát triển của báo chí trong nước, lượng ảnh được sử dụng hàng ngày trên các mặt báo, rõ ràng chúng ta đang tụt hậu so với thế giới. Có may mắn được tham gia Hội đồng chấm sơ khảo giải báo chí quốc gia trong 2 năm 2011 và 2012; chấm giải “Khoảnh khắc vàng” của TTXVN, NSNA Việt Văn tiết lộ: “Tôi và các thành viên đều phải “so bó đũa, chọn cột cờ” vì hiếm khi nhận được những tác phẩm ảnh báo chí giàu tính thông tin và được tạo hình ấn tượng”. Nhiều năm nay, giải Báo chí Quốc gia, thể loại ảnh báo chí bỏ trống giải A, thậm chí hai ba năm liên tục không có cả giải B. Điều này phần nào phản ánh thực trạng không mấy sáng sủa của thể loại ảnh này.
Tất nhiên, ảnh không đạt chất lượng hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ làm nghề. Nói về máy ảnh - đồ nghề tác nghiệp, các phóng viên ảnh Việt Nam không thua kém các phóng viên ảnh quốc tế. Nhưng vấn đề lại không nằm ở máy móc mà nguyên nhân là do sức ì và tư duy thiếu linh hoạt. Nhà nhiếp ảnh Nick Út nổi tiếng với bức ảnh “Em bé Napalm”, phóng viên ảnh hãng AP (Mỹ) đã đưa ra một nhận xét hết sức nghiêm khắc nhưng có lý về đội ngũ nhiếp ảnh báo chí Việt Nam “Trong một sự kiện, hầu như các phóng viên ảnh Việt Nam đều chụp giống nhau, không có sự sáng tạo cá nhân”. Do vậy, cho dù có hàng chục tờ báo khai thác sự kiện ở nhiều góc độ khác nhau nhưng ảnh cho bài chỉ dừng lại ở mức độ minh họa và giống hệt nhau. Và ước vọng vươn ra “biển lớn” của ảnh báo chí Việt Nam cứ mãi nằm trong niềm khao khát. Chỉ đến khi Maika Elan đoạt giải, người Việt Nam và giới làm nghề mới vội tìm hiểu nguyên nhân đã kéo dài vài chục năm của ảnh báo chí.
“Người Việt Nam trên báo giống như diễn viên”
Những bức ảnh chân thật, sinh động như cuộc sống vốn thế của người đồng tính do Maika Elan chụp đủ chứng minh hùng hồn một điều: ảnh báo chí Việt Nam hoàn toàn đủ sức và tầm để vươn ra thế giới với một điều kiện: các nhà nhiếp ảnh cần thay đổi quan niệm và tư duy sáng tác. Đặc biệt, thói quen tác động đến nhân vật, sự kiện cần được cho vào dĩ vãng. Hãy thử xem phóng viên ảnh David Leeson (Mỹ), người từng đoạt giải ảnh Pulitzer cho bộ ảnh những người lính Mỹ ở Iraq kể lại quá trình tác nghiệp của mình. Anh cho biết: “Khi tôi chụp hai người lính đang nhảy xuống tắm sông trong giờ nghỉ giữa cuộc chiến, một người đồng ý và một người chần chừ không muốn đi. Nếu khi đó, tôi chỉ nói một câu để người lính kia thực hiện theo ý muốn của tôi thì giải thưởng tôi đoạt được sẽ bị thu hồi và sự nghiệp của tôi chấm dứt”. Trong khi đó, việc sắp xếp, dàn dựng ảnh báo chí ở Việt Nam lại là hiện tượng phổ biến.
Một ví dụ khác cho thấy rõ hơn sự tác động của nhà nhiếp ảnh vào sự kiện đã gây ra hậu quả đáng buồn như thế nào. Một người Nhật Bản đến Việt Nam có yêu cầu nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến cho xem những bức ảnh đã bị loại bỏ trong cuộc thi ảnh, anh đã nói thẳng: “Tôi gặp người Việt Nam hàng ngày khác, còn người Việt Nam trên các tờ báo và sách ảnh rất khác. Họ giống như các diễn viên”. Như vậy, trong khi ảnh báo chí với thế mạnh là tính thời sự và sự chân thật thì các phóng viên ảnh Việt Nam đang đi ngược lại tiêu chí này. Do đó, cái gọi là hiện thực được nhiếp ảnh gia chụp trở nên xa lạ với đời thực. Nói như vậy, không có nghĩa không có sự chọn lựa trong khi chụp, cần thiết phải cắt cúp lại, đặt ảnh cho đúng vị trí. Khách quan không có nghĩa là không có định hướng tư tưởng. Nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp là người nắm chắc chiếc máy ảnh, phân biệt nó và xác định mục tiêu rõ ràng.
Báo An ninh Thủ đô