Trò chuyện với các tác giả sách “Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 - 2010”
“Chúng tôi không có tham vọng khái quát toàn bộ các hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại đa dạng ở Việt Nam thời gian qua… Khó có thể khẳng định những gì còn đang là vấn đề thời sự mới mẻ của nghệ thuật. Chúng tôi chỉ cố gắng đưa ra một vài đặc điểm và nhận định ban đầu còn mang tính nhất thời của nghệ thuật".
Bùi Như Hương và Phạm Trung - hai nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật từng có rất nhiều bài viết về mỹ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại - đã khiêm tốn nói về cuốn sách của chính họ có tựa đề "Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 - 2010".
Cuốn sách đưa ra một cái nhìn khái quát nhưng chi tiết về nghệ thuật đương đại Việt Nam dựa trên lý lịch nghệ thuật của 26 nghệ sỹ. Sau khi phiên bản tiếng Anh ra mắt năm 2012, cuốn tiếng Việt tiếp tục được xuất bản với thiết kế hoàn toàn khác.
Viện Goethe hân hạnh giới thiệu buổi ra mắt cuốn sách này và cũng là buổi trò chuyện với các tác giả và nghệ sỹ tên tuổi Đinh Q Lê đến từ TP.HCM cũng như rất nhiều các nghệ sỹ khác vào 18h30 thứ Năm ngày 4/4 tại Viện Goethe, 56 - 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Đây cũng là dịp để các nghệ sỹ và khán giả đối thoại và trao đổi về nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Bùi Như Hương (1953) từng tốt nghiệp Đại học Hóa Mendeleev, Matxcova, Liên Bang Nga.
Phạm Trung (1965) từng tốt nghiệp khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội và tốt nghiệp Thạc sỹ, Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2002. Cả hai hiện là nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, hội viên hội mỹ thuật Việt Nam, hiện công tác tại Viện nghiên cứu Mỹ thuật - Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Đinh Q Lê (Lê Quang Đỉnh) sinh năm 1968, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM. Anh có một tiểu sử hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp khá dày dặn và tham gia nhiều triển lãm mang tầm vóc quốc tế. Bên cạnh sáng tác, Đinh Q Lê còn là giám tuyển, nhà hoạt động xã hội, đồng sáng lập San Art TP.HCM - không gian nghệ thuật phi lợi nhuận dành cho các nghệ sỹ mỹ thuật đương đại.
Bảo Ngọc