Những nguyên tắc không hề thay đổi của báo chí

Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhận định rằng trong những thành tích mà đất nước ta đạt được, có đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí và những người làm báo…

Tuy nhiên, đồng chí Lê Hồng Anh cũng nêu lên một thực tế: Một số cơ quan báo chí còn thiên về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội, chạy theo thị hiếu tầm thường, xâm phạm đời tư cá nhân, trái với truyền thống văn hóa dân tộc…; thiếu thận trọng khi thông tin, bình luận, những vấn đề kinh tế - xã hội nhạy cảm hoặc đưa lại thông tin không chính xác, có hại từ báo chí nước ngoài…

Thực tế báo chí hiện nay đang đặt ra rất cấp thiết về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo.

Xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao, nhu cầu được thông tin cũng ngày càng lớn hơn. Trong một thế giới phẳng, thông tin không có biên giới quốc gia, gia đình và xã hội. Với một máy tính nối internet, người ta có thể tìm kiếm thông tin từ mọi ngóc ngách của đời sống trên khắp tinh cầu. Khái niệm báo chí và người làm báo trong thời đại bùng nổ thông tin cũng đã thay đổi theo hướng mở rộng biên độ. Thế nhưng có những nguyên tắc không thay đổi với mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí. Trước hết, đó là trách nhiệm trước mỗi thông tin.

Báo chí hiện đại coi trọng thông tin đa chiều. Chúng ta lên án việc "bao cấp" thông tin, "ém" thông tin nhưng không vì thế mà chấp nhận việc ai đó "quẳng" thông tin một cách vô trách nhiệm cho công chúng tùy sức tiếp nhận, hay tung thông tin sai lệch, thao túng thông tin vì lợi ích cục bộ, vì tư lợi. Là sản phẩm văn hóa nên mỗi tác phẩm báo chí (dù bất cứ loại hình nào: báo in, báo nói, báo hình, báo mạng…) trước hết phải mang tính nhân văn, phải hướng tới cái thiện, cái đẹp vì lợi ích cộng đồng.

Không phải là quá lời nếu nói rằng những năm gần đây, báo chí Việt Nam đã "bùng nổ" và ngày càng có sức ảnh hưởng rộng rãi đến cộng đồng. Với sự tham gia tích cực và trách nhiệm của báo giới, nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực đã được lôi ra ánh sáng, nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách đã được phản ánh kịp thời… Đây là điều đáng được ghi nhận và đã được ghi nhận. Song cũng có một thực tế đáng buồn là không ít trường hợp báo chí đã gây ra những hoang mang lo lắng cho xã hội. Các vụ đưa tin bưởi có chất gây ung thư ở Đồng bằng sông Cửu Long, chất tạo nạc trong chăn nuôi heo ở Đồng Nai, phun thuốc kích thích tăng trưởng cho rau tại Hà Nội… không chỉ gây khốn đốn cho người dân "một nắng hai sương" mà còn làm hại nhiều doanh nghiệp. Hàng ngàn tỷ đồng "không cánh mà bay" cùng những thông tin "nóng" theo kiểu "nghe đồn", liệu có thể coi đó là những "tai nạn nghề nghiệp" của giới truyền thông? Trên thương trường cạnh tranh khắc nghiệt, một thông tin "ác ý" có thể làm phá sản nhiều doanh nghiệp hoặc khiến cả vùng kinh tế lao đao. Lẽ nào người làm báo không hiểu điều đó?

Thiệt hại về vật chất có thể tính toán được, có thể khắc phục được nhưng thiệt hại về tinh thần liệu có thể bù đắp? Một bộ phận báo chí đã và đang lao vào những câu chuyện gây sốc, kích động. Lướt trên web của những cơ quan báo chí có tên tuổi không khó tìm những "góc hình táo bạo của mẫu Việt", những "sao teen nổi loạn và bất trị", "nóng bỏng mắt, rãy tay", hay chuyện "thầm kín phòng the"... Thông tin, hình ảnh từ sinh hoạt, sở thích đến chuyện riêng tư, chuyện hậu trường nhạy cảm được cập nhật hằng ngày, hằng giờ. Những vụ scandal của người nổi tiếng trở thành đề tài "hot" được trưng ra trang nhất hoặc kéo lê thê bằng những loạt bài dài kỳ. Nhiều báo mạng lập riêng chuyên mục để phơi ra hình ảnh hở hang của giới Showbiz, biến phương tiện truyền thông trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kiểu "người của công chúng" đánh bóng tên tuổi, và không ai khác chính những tờ báo này đã góp phần làm cho những bê bối của giới Showbiz ngày một gia tăng. Mang đến cho công chúng những điều họ cần là nguyên tắc nghề nghiệp nhưng điều đó không có nghĩa là bất chấp mọi giá, giẫm đạp lên mọi quy chuẩn của cái đẹp để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận độc giả cấp thấp và trở thành công cụ tuyên truyền cho lối sống tha hóa.

Cũng trên các trang báo mạng có thể tìm thấy nhiều cảnh đời trớ trêu, nhiều nỗi bất hạnh và ám ảnh. Không ít trong đó là những câu chuyện có thật. Báo chí có quyền thông tin tất cả những khía cạnh của cuộc sống, con người, xã hội nhưng không thể biến sự thật thành những câu chuyện giật gân hoặc đẩy lên một cách cố ý để gieo vào người đọc cảm nhận về một xã hội toàn màu xám. Những vụ Sầm Đức Xương, Nguyễn Trường Tô, Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa… đã làm chấn động dư luận. Nhưng phía sau đó là gì? Trong mỗi con người chắc chắn đâu đó còn bản năng, suy nghĩ con người. Chiến đấu với cái xấu đang vấy bẩn xã hội, là trách nhiệm của người làm báo - trách nhiệm hướng đến giá trị, phẩm hạnh của con người, đánh thức giá trị chân, thiện, mỹ vốn có trong bản thân mỗi con người. Đáng buồn rằng không ít tờ báo mải miết lôi kéo độc giả vào những chi tiết, tình tiết ghê rợn, thậm chí bẩn thỉu… để rồi vô tình hay hữu ý bỏ quên trách nhiệm với cộng đồng.

Đó là chưa kể đến những trường hợp bóp méo thông tin, đưa thông tin sai lệch "một nửa thông tin" hoặc lao vào "chụp mũ", "đánh hội đồng", kích động dư luận "ném đá" để phục vụ cho những "nhóm lợi ích" nào đó trong xã hội. "Tung" ra cho công chúng một mảng tối trần trụi hoặc một ánh hào quang rực rỡ, liệu người làm báo đã làm hết trách nhiệm của mình? "Một nửa chiếc bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật". Trách nhiệm của báo chí là đi đến cùng của sự thật, là thông tin một cách khách quan trung thực, không thiên vị và không bị ảnh hưởng bởi các lợi ích bên ngoài và phải vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc. Có như vậy, báo chí mới thực hiện được chức năng định hướng, giúp bạn đọc có suy nghĩ, hành động đúng để bảo vệ cái tốt, cái đẹp, loại trừ cái xấu, cái ác. Và như vậy, có thể khẳng định rằng một bộ phận không nhỏ cơ quan truyền thông đã không làm tròn trách nhiệm định hướng, dẫn đường, giáo dục thẩm mỹ cho công chúng.

Những điều vừa nêu trên chúng tôi muốn dẫn đến nguyên tắc không hề thay đổi của báo chí cách mạng: "Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?... Đây không chỉ là câu hỏi đặt ra đối với người làm báo, mà hơn hết đây là nguyên tắc cơ bản nhất của báo chí cách mạng. Giữa vô vàn sự kiện diễn ra hằng ngày, chọn sự kiện nào để thông tin, thông tin mức độ nào, dưới hình thức nào, vào thời điểm nào... không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, bản lĩnh nghề nghiệp của người làm báo mà còn thể hiện đẳng cấp của mỗi tờ báo. Thông tin nhanh, chính xác là đòi hỏi "sống còn" của từng tòa soạn. Nhưng mỗi thông tin mà nhà báo đưa đến với công chúng phải là một thông điệp tích cực, có tiêu chí, quan điểm rõ ràng, có sự cân nhắc lợi-hại đối với việc tiếp nhận thông tin của công chúng. Đây là đòi hỏi tất yếu của xã hội. Với báo chí, nhìn thẳng vào sự thật chính là tôn trọng sự thật khách quan, và nói rõ sự thật khi đã đánh giá đúng sự thật - tìm hiểu, phân tích tới bản chất sự thật.

Báo chí ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế, đều có tính mục đích, không tách rời lợi ích quốc gia, dân tộc. Bởi không một tổ chức nào lập ra cơ quan truyền thông để mặc cho ai muốn nói gì thì nói. Do vậy, chỉ có nhà báo thuộc về một dân tộc, một quốc gia. Mỗi người làm báo nếu ý thức được rõ ràng trách nhiệm trước công chúng, trước cộng đồng, trước dân tộc chắc chắn sẽ lựa chọn và đưa ra thông tin một cách tối ưu nhất. Người làm báo cần thực hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của chính mình bằng những sản phẩm thật sự nhân văn, thật sự có ích cho cộng đồng xã hội, cho quốc gia, dân tộc.

Tin nổi bật