“Hiến pháp cần khẳng định rõ ràng, chính xác về vai trò của truyền thông”

Trước hết là với Điều 4 của Chương I- Chương về Chế độ Chính trị mà Dự thảo sửa đổi đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”… Đây là nội dung mà một số thế lực phản động và thù địch với nhân dân và đất nước ta đang tìm mọi cách để đòi phải xóa bỏ cho được trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này.

Nhiều ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 đã có nhiều lý lẽ sắc bén để bác bỏ sự đòi hỏi vô lý và chứa đựng nhiều mưu đồ đen tối và xấu xa này. Với mình, từ góc độ một hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam tôi bày tỏ quan điểm và thái độ như sau: Cũng như đông đảo các thành viên của đội ngũ gần 20.000 nhà báo- hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đều biết rất rõ, kể từ ngày Hội Nhà báo Việt Nam được Đảng ta tổ chức, thành lập và trực tiếp lãnh đạo ngay trong những năm tháng đấu tranh gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (tháng 4 năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc) cho đến nay đã tròn 63 năm (1950- 2013). Trong 63 năm qua đã được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và sự chăm lo của Nhà nước mà đặc biệt nhất là việc ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về việc Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới (Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 18 tháng 3 năm 2004), và Chỉ thị số 919- CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo các cấp, cũng như nhiều chủ trương, chính sách khác đối với hoạt động báo chí và Hội Nhà báo… đã tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo các cấp ngày càng phát triển để có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vê Tổ quốc. Nhiều thế hệ các nhà báo- hội viên đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và đã thực hiện xuất sắc vai trò là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận xây dựng, phát triển một nền báo chí cách mạng đổi mới và hiện đại. Từ đó, tôi thật sự cảm thấy phấn khởi khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không những đã khẳng định lại Điều 4 mà còn bổ sung khá rõ nhiều nội dung mới và quan trọng, đặc biệt là các cụm từ: “Đảng cộng sản Việt Nam… đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình…”. Những nội dung được bổ sung đó không chỉ là sự bổ sung câu chữ mà chính là sự nhận thức đúng đắn của Đảng ta về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, giữa vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng- cũng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, với vai trò và sức mạnh vô địch của nhân dân. Đây cũng chính là sự tổng kết những bài học xương máu được nhân dân kiểm nghiệm qua thực tế lịch sử đấu tranh hào hùng hơn 80 năm qua, kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay. Đây cũng là những điều xương máu mà Đảng ta đã đúc rút qua các cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt được thể hiện trong NQTƯ 6 (lần 2, khóa VIII), và NQTƯ 4 khóa XI.

Tất nhiên việc bổ sung để tiến tới hoàn chỉnh đầy đủ, khoa học nội dung Điều 4 trong Hiến pháp lần này là đặc biệt quan trọng, nhưng điều quan trọng quyết định lại chính là việc cụ thể hóa trong quá trình phấn đấu để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trong thực tế những điều đã được khẳng định tại Điều 4 của bản Hiến pháp được bổ sung, sửa đổi lần này. Theo tôi kỳ vọng đó của nhân dân, của xã hội với Đảng lãnh đạo của mình là hoàn toàn chính đáng. Và tôi tin chắc rằng, với bản lĩnh cách mạng và khoa học của Đảng ta, với quyết tâm tự chỉnh đốn, tự đổi mới để không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, lại được sự tín nhiệm, tin yêu của nhân dân cũng như được sự đồng lòng, đồng sức tham gia xây dựng Đảng của nhân dân, nhất định Điều 4 của Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ đáp ứng được kỳ vọng đó.

Ngoài điều quan trọng, cốt tử trên đây, theo tôi, bản Hiến pháp được bổ sung, sửa đổi lần này cần có những ý tứ, câu chữ khẳng định rõ ràng và chính xác hơn về vai trò, trách nhiệm của hoạt động báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Đành rằng những điều cụ thể của vấn đề này đã và sẽ được thể hiện đầy đủ hơn trong Luật Báo chí hiện hành cũng như trong các Luật và nghị định liên quan sẽ được ban hành sau này. Nhưng với tầm cỡ của một bộ luật cơ bản và bao quát nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cũng như với vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng trong một xã hội Việt Nam dân chủ, đổi mới, hiện đại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên không thể không đề cập một cách khái quát và cơ bản về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Tất nhiên đây hoàn toàn không phải kiểu đề cao về “quyền lực thứ tư” theo quan điểm của báo chí và xã hội phương Tây, mà là sự khẳng định báo chí cách mạng Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước…, là diễn đàn tin cậy của quần chúng nhân dân, là công cụ để bảo đảm quyền thông tin và quyền được thông tin của công dân và của xã hội…

Dù nhiều ý tứ của vấn đề này đã được ghép chung vào các phần đề cập đến quyền con người (chương II) và các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục (chương III) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhưng có vẻ như vẫn chưa đầy đủ. Vì những lẽ đó, nên tôi hoàn toàn nhất trí với những đề nghị cần chỉnh sửa lại Điều 26 của Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như đồng chí Phan Quang - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã phát biểu trên báo Nhân dân số ra ngày 6/3/2013 về quyền thông tin, quyền được thông tinchức năng của báo chí. Đó là: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin và được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”; và “Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa, giáo dục của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nhà báo Võ Tử Thành - Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật