Chiếc máy di động và chuyến đi li kỳ
(ICTPress) - Chúng tôi không ngờ một câu chuyện về chuyến đi có thật lại như một đoạn phim li kỳ hấp dẫn, một kỷ niệm nhớ đời.
Chúng tôi hồ hởi lên đường vì đã lâu lắm rồi cả nhóm mới có dịp đón Lễ Quốc khánh trên Cù Lao Chàm thơ mộng - một cụm đảo cách TP. Hội An 15 km, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chúng tôi không ngờ một câu chuyện về chuyến đi có thật lại như một đoạn phim li kỳ hấp dẫn, một kỷ niệm nhớ đời.
Ảnh minh họa: skydoor |
Sáng sớm, cả nhóm đã tập trung tại Cửa Đại. Ở đó luôn luôn có chuyến Hội An - Cù Lao Chàm bằng thuyền hoặc canô trong ngày. Nhóm chúng tôi có 9 người. Được phía tổ chức tour bố trí trên một chiếc tàu cỡ trung với tàu công cũng là một hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình, vui tính. Vì đi ra đảo không có sóng di động, hơn nữa trời mưa nên các anh chị tổ chức tour khuyên chúng tôi nên gửi tất cả máy di động lại trước khi ra đảo.
Hành trình từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm mất khoảng hơn một giờ đồng hồ. Tàu xuất phát được khoảng hơn 15 phút thì cô bạn hay đùa của tôi lại nghịch gió nên bay chiếc áo khoác xuống nước. Nhanh như chớp, anh tàu công với tay nhặt chiếc áo. Nhưng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện li kỳ này.
Vì cố trườn người ra ngoài nên bất ngờ tàu công bị rơi xuống nước. Lúc đó, mọi người nghĩ rằng bằng nghề sông nước của mình thì anh ta có thể bám lên tàu dễ dàng. Không ngờ, tàu vẫn nổ máy chạy về phía trước còn anh thì trôi ngược về phía sau. Lúc đó, một anh bạn trong nhóm nhanh chóng lấy phao trên tàu quẳng xuống phía tàu công. Tàu chạy lắt lư. Mọi người trên tàu đều xanh tái mặt rồi đến hoảng loạn. Những giọt nước mắt gần ứa ra. Sự hoảng hốt càng lúc càng dầng lên cao độ khi tàu đã chạy xa cách chỗ tàu công rơi xuống đến vài trăm mét. Không người điều khiển, con tàu cứ lừ lừ tiến về trước. Lúc đó, cả nhóm quyết định để một bạn nhảy vào khoang lái nhưng cũng vô vọng vì có ai biết lái tàu đâu. Thế là một anh nhanh trí đã rút nhào các dây cắm. May quá. Tàu tắt máy. Nhưng nó vẫn cứ trôi chòng chềnh giữa biển. Trời lúc đó đang mưa và gió nhẹ.
“Làm sao bây giờ". Làm sao bây giờ?” - Đó là câu hỏi mà ai cũng đặt ra nhưng không có ai trả lời. Các bạn nữ thì hiện rõ nét tuyệt vọng trên gương mặt. Các bạn nam bình tĩnh hơn nhưng cũng không giấu nỗi sự lo lắng tột độ.
Trên tàu không có phương tiện liên lạc nào ngoài bộ đàm nhưng cả nhóm chẳng ai biết sử dụng như thế nào. Bất ngờ, Lan – một cô gái yếu đuối lại chợt nhớ ra là mình vẫn còn để chiếc máy di động trong túi xách vì cô có mang theo hơi nhiều tiền nên không dám gửi lại. Lập tức, Lan lấy máy gọi cho anh trai nhờ cứu hộ của Bộ đội biên phòng. Nhưng cuộc gọi bị gián đoạn mấy lần vì sóng cứ chập chờn, tiếng được tiếng không. May là anh trai cô cũng khá bình tĩnh và thông minh nên đoán được tình huống không may, đã nhanh chóng gọi 1080 để tìm số điện thoại và cầu cứu bộ đội biên phòng đóng gần đó.
Các anh bên biên phòng lập tức liên lạc với chúng tôi. Các anh hỏi chúng tôi về thông tin toạ độ nhưng cũng chẳng ai biết toạ độ trên biển là cái gì. Thế là chúng tôi miêu tả với các anh biên phòng là tàu khởi hành được khoảng gần 20 phút, đi qua hòn đảo hình cái nấm, đang tiến về hòn đảo cũng hình… cái nấm nữa. Chỉ vài thông tin sơ bộ như vậy, lực lượng biên phòng đã triển khai một số khu vực tìm kiếm và cuối cùng may mắn đã đến với chúng tôi.
Hơn 30 phút quần thảo trên biển, rốt cuộc lực lượng biên phòng ứng cứu cũng đã tiếp cận đến con tàu đang trôi bồng bềnh trên sóng nước giữa biển khơi của chúng tôi. Mọi người reo hò sung sướng. Nhưng giây phút vui mừng tạm lắng xuống vì không biết số phận anh tàu công bây giờ ra sao. Lập tức, một anh bộ đội biên phòng lên tàu nối lại các hệ thống điện và điều khiển tàu chúng tôi cùng với 3 chiếc tàu của biên phòng di chuyển qua 3 hòn đảo, quần thảo hơn nửa tiếng đồng hồ mới tìm được tàu công. Lúc này anh đang ôm chiếc phao ngồi co ro trên một hốc đá, người ướt sũng, tím ngắt.
Mọi người được một chuyến đi li kỳ./.
Cách Tân