Từ vụ cướp tiệm vàng tại Bắc Giang: cần lập số điện thoại khẩn cấp chung
Theo một số tờ báo đưa tin, một phần nguyên nhân bé Trịnh Thị Bích (con chủ hiệu vàng Ngọc Bích, phố Sàn - Lục Nam - Bắc Giang) bị chặt đứt cánh tay trong khi loay hoay gọi điện thoại là do bé Bích không nhớ được cách gọi khẩn cấp từ điện thoại di động...
Khi gọi cuộc gọi khẩn cấp từ điện thoại di động, nhiều người không nhớ nổi mã vùng. Ảnh minh họa (nguồn: Công an Nghệ An). |
Từ đó, có ý kiến cho rằng các cuộc gọi khẩn cấp từ số máy di động khá bất hợp lý khi bắt buộc người gọi phải bấm thêm mã vùng định gọi, mà trong lúc luống cuống, nhiều khách hàng không nhớ nổi mã vùng. Cụ thể trong trường hợp của bé Bích, không ít người phỏng đoán bé Bích muốn gọi tới số máy khẩn cấp 113 của lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh để thông báo về sự việc, nhưng bé Bích không nhớ nổi có cần nhấn 0240+113 hay không, hay chỉ cần nhấn 113 từ điện thoại di động là kết nối được.
Trao đổi với PV ngày 5-9, ông Tào Đức Thắng - Giám đốc Công ty mạng lưới Viettel khẳng định: "Đã gọi khẩn cấp (tới 113, 114, 115) thì không cần phải thêm mã vùng". Theo ông Thắng, khi thực hiện các cuộc gọi này từ điện thoại di động, khách hàng của mạng Viettel chỉ cần bấm thẳng 113, 114 hoặc 115. Tổng đài sẽ nhận dạng cuộc gọi, trạm dịch vụ xác định thuê bao đang nằm ở khu vực nào, tự động kết nối với đơn vị tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp khu vực đó để lực lượng ứng cứu có mặt kịp thời. Để chứng minh, ông Thắng lập tức dùng số máy di động cá nhân gọi khẩn cấp đến 115 thành phố Hà Nội. Cuộc gọi được kết nối thành công.
Tuy nhiên, tại khu vực tỉnh Bắc Giang, PV có mặt tại Bắc Giang đã thử nghiệm các cuộc gọi khẩn cấp tới số máy 114 và 115 từ điện thoại di động sử dụng 3 mạng: Viettel, Vinaphone và MobiFone nhưng không có cuộc gọi nào kết nối được. Tương tự, cuộc gọi khẩn cấp từ số máy di động có thêm mã vùng 0240 của tỉnh này cũng chỉ được đáp lại bằng tiếng tút tút liên tục và thông báo gọi sai số máy? Phải chăng tổng đài khẩn cấp của tỉnh Bắc Giang đều đang "gặp sự cố"?!
Trong một thử nghiệm khác, cuộc gọi từ các điện thoại di động sử dụng 3 mạng trên khi đứng tại tỉnh Bắc Giang tới số cấp cứu khẩn cấp 115 có kèm theo mã vùng 0241 của tỉnh Bắc Ninh và 0280 của tỉnh Thái Nguyên lại được thực hiện suôn sẻ. Một thuê bao di động Viettel khác đang có mặt tại tỉnh Bắc Ninh cũng gọi cấp cứu 115 không cần nhấn mã vùng một cách thành công và nhanh chóng.
Theo các chuyên gia viễn thông, cuộc gọi từ điện thoại di động khi có mặt trong nội tỉnh đến tổng đài khẩn cấp của tỉnh đó không cần phải nhấn thêm mã vùng. Các thuê bao di động gọi khẩn cấp đến tỉnh khác thì cần nhấn thêm mã vùng, song các cuộc gọi loại này rất ít. Đối với thuê bao cố định, việc gọi khẩn cấp được thực hiện đơn giản, dễ dàng hơn nhiều, tiến hành như với cuộc gọi nội hạt thông thường khác. Đây hoàn toàn là việc kết nối trong lĩnh vực viễn thông nên cài đặt của điện thoại không ảnh hưởng gì đến hoạt động này.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên lập một số điện thoại gọi khẩn cấp trên điện thoại di động (như 112 hiện có trên điện thoại di động ở nước ngoài không cần mở khóa máy, hay thậm chí không cần sim vẫn gọi được), sau đó tổng đài chung 112 tự phân loại cuộc gọi này để báo cảnh sát, để báo chữa cháy hay cấp cứu, nhằm thuận tiện hơn cho khách hàng đồng thời giảm thiểu các thiệt hại, hậu quả có thể xảy ra.
Hà Linh
Theo ANTĐ