Tem Tết - Mùa Xuân nho nhỏ
(ICTPress) - Khi Hà Nội trở lạnh đột ngột, chúng tôi tìm gặp họa sỹ vẽ tem Quý Tỵ 2013 và một số nhà sưu tập tem lâu năm của Hà Nội. Gặp gỡ những người làm tem, sưu tập tem Tết, với tôi dường như thời tiết đã sang sang Xuân, không khí Tết đã len lỏi nhẹ nhàng bởi những con tem Tết nho nhỏ, đầy sắc Xuân.
Tem Tết Quý Tỵ - những điều gửi gắm
Trong ngôi nhà nhỏ ấm áp, yên tĩnh, trong ngõ nhỏ của phố Đội Cấn, Hà Nội vào một sáng sớm, tác giả của bộ Tem Tết Quý Tỵ 2013, họa sỹ Trần Thế Vinh, một người đồng nghiệp mà tôi đã có thời gian cùng công tác đã chia sẻ thật nhiều quanh con tem Tết Quý Tỵ và chuyện vẽ tem lâu năm của anh.
Bộ tem Tết Quý Tỵ 2012 là bộ tem đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi vẽ mẫu tem Bưu chính đề tài Tem Tết cho chu kỳ 12 con giáp lần thứ nhất do Công ty Tem tổ chức năm 2007 với hai mẫu tem vuông 37x37mm.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành bộ Tem Tết Quý Tỵ, họa sỹ Trần Thế Vinh cho biết ban đầu anh thấy thật khó vẽ vì mọi người khi nghĩ đến rắn là đã sợ, dè chừng. Nhưng rồi với nhiệm vụ, với đề tài vẽ tem bốc thăm được, anh đã suy nghĩ rất nhiều để làm sao thể hiện một đề tài khó nhưng mang lại không khí mùa Xuân, năm mới cho mọi nhà, mọi người.
Anh bắt đầu tìm hiểu tại sao rắn là con vật đáng ngại nhưng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy làm biểu tượng, rắn được rất nhiều làng quê Việt Nam, xuất hiện trong nhiều họa tiết đình, chùa của người Việt, rồi đến những đặc tính của loài rắn như: rắn thích đi có cặp, thích ngóc đầu, thích múa và người Ấn Độ thường thổi kèn dụ rắn…
Hóa ra trông con giáp “đáng ngại” này lại có giá trị trong y học chữa bệnh, có lợi cho cân bằng sinh thái môi trường. Rắn không có móng nên chọn lưỡi của nó tượng trưng âm để phối với Tỵ trong Địa chi.
Ở Ai Cập, rắn là biểu tượng của thánh thần, sự thông thái và khả năng tiên tri về tương lai. Rắn được coi là thần hộ mệnh cho các bậc vua chúa nên vương miện của các pha-ra-ông (pharaoh) thường chạm trổ hình rắn. Ở châu Âu, tục thờ rắn phổ biến quanh lưu vực những con sông ở Hy Lạp. Ở đây, rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản.
Tiếp đến là nghiên cứu phong cách thiết kế cho bộ tem, họa sỹ chia sẻ là anh cũng như nhiều họa sỹ khác, mỗi lần vẽ tem là mỗi lần tìm tòi một phong cách thể hiện sao cho “lạ”, hấp dẫn mà vẫn mang được phong cách của riêng mình.
Tết là thời điểm để mọi người Việt nhớ về nguồn cội, truyền thống dân tộc. Để tạo được không khí này trên tem Quý Tỵ, họa sỹ Trần Thế Vinh cho biết anh đã lựa chọn phong cách trổ giấy dân gian trải dài của riêng người Việt, kết hợp với vòng tròn âm dương, hoa mào gà… và sau đó được mô phỏng trên đồ họa vi tính. Phong cách trổ giấy tạo cho con tem hình ảnh ngộ nghĩnh và đầy chất nhân văn. Điều đó tạo được nét đột phá, sự khác biệt trong phong cách thiết kế của tem Bưu chính Việt Nam và khẳng định được vị trí trong bộ sưu tập của đông đảo người chơi tem.
Bộ tem Tết Quý Tỵ được in 2 mẫu tem rời trong bố cục hài hoà, chặt chẽ, thể hiện sinh động hình ảnh quấn quýt, sum vầy của đôi rắn, linh vật thứ 6 trong cung hoàng đạo và là biểu tượng của năm 2013, trên nền màu hồng và vàng của những cánh hoa đào, hoa mai mang đậm không khí Tết cổ truyền dân tộc.
Ngoài ra, quan sát kỹ hơn bạn có thể thấy mỗi con tem trong bộ tem là góc thể hiện khác nhau: Con tem trị giá 10.500 đồng thể hiện những con rắn có cặp nhìn trực diện, trong khi con tem 2000 đồng là nhìn từ trên xuống.
Ngoài bộ tem Tết này, họa sỹ Trần Thế Vinh còn là họa sỹ đã thiết kế bộ tem Tết năm Bính Tỵ 1996 mang phong cách tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, dựa theo điển tích đám cưới Chuột cũng được đông đảo người làm tem và giới sưu tập tem đánh giá là bộ tem Tết độc đáo. Họa sỹ Trần Thế Vinh cũng là người được biết đến với những “kỷ lục” về vẽ tem bưu chính như họa sỹ vẽ tem về đề tài chính trị nhiều nhất Việt Nam và họa sỹ vẽ tem có thời gian ngắn nhất với chỉ 1 tuần để hoàn thành.
Một bộ sưu tập tem Tết đồ sộ
Tiếp tục hành trình “khám phá” tem Tết, theo lời giới thiệu của Câu lạc bộ tem Thủ đô về một người sưu tập tem Tết công phu, tôi tìm đến nhà sưu tập tem Vũ Thắng Văn, một người đã và đang làm công tác tư vấn tiêu chuẩn ISO cho ngành Thực phẩm nhưng lại say mê với những con tem từ thời học đại học bên Bulgary.
Bộ sưu tập tem đồ sộ và đầy ý nghĩa này gồm 2 phần: Nghi lễ tín ngưỡng phương Đông với thuyết địa chi qua biểu tượng năm mới “12 con giáp” và Hội hè, phong tục tập quán phương Đông đón Tết và mừng Xuân Năm mới với tổng cộng 80 trang trưng bày.
Ở phần 12 con giáp, người xem được thưởng thức hàng trăm con tem về 12 con giáp và các vật phẩm bưu chính thực sự phong phú và quý hiếm. Năm con Rắn được nhà sưu tập tem Thắng Văn tổ chức thành 4 trang trưng bày gồm các con tem về Rắn của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… và vật phẩm bưu chính dán tem Rắn của Hàn Quốc từ những năm 1962. Năm Ngựa với con tem có thể nói là con tem Tết đầu tiên của Việt Nam được phát hành năm 1966 khi đất nước còn nhiều khó khăn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, phong bì thực gửi ngày 6/2/1966. 27 năm sau, năm 1993, Tết Quý Dậu, bộ tem Tết tiếp theo vẽ một đàn gà theo phong cách dân gian trông rất ấm cúng, đáng yêu mới được phát hành.
Tem Tết năm ngựa trong bộ sưu tập này còn tiếp tục với các con tem của các quốc gia như Bhutan, Canada, Nhật Bản, Nga, đảo Marshall… Con tem Tết năm ngựa (Year of Horse) của Nga được phát hành năm 1990, theo lời nhà sưu tập, là đánh dấu năm đầu tiên Nga phát hành tem Tết. Trong khi đó, Nhật Bản ra con tem Tết năm Ngựa là con ngựa được tết bằng vải. Nhật Bản là quốc gia phát hành tem Tết theo luôn phong cách trẻ trung thể hiện sự tươi vui trong năm mới.
Độc đáo của bộ sưu tập tem này tiếp tục với phần 2 của bộ sưu tập gồm: Chuẩn bị đón Tết với những câu đối, tranh dân gian, trang trí và hoa các loại; Phong tục tập quán chúc tụng nhau những điều tốt lành; Tổ chức các cuộc vui Xuân, đón mừng năm mới và Tổ chức Tết trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ.
Chuẩn bị Tết trong mỗi gia đình người Việt không thể không nói đến sự chuẩn bị mâm ngũ quả rất đỗi chu đáo và thành kính của mỗi gia đình. Ngoài mâm ngũ quả của miền Bắc, tác giả của bộ tem Tết còn cất công sưu tập được bộ tem mâm ngũ quả của miền Nam với những quả đặc trưng “Mạng cầu”, “Dừa”, “Đu đủ”, “Xoài” thể hiện mong ước “Cần vừa đủ xài”.
Nói đến mùa Xuân, mỗi người dân Việt Nam cũng luôn nhớ tới Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Phần thứ 2 trong bộ tem ý nghĩa này còn một phần trưng bày 3 thiệp chúc mừng của Bác Hồ vào dịp Tết 1967, 1968 và 1969, mỗi thiệp là những dòng thơ sâu đậm của Người. Xuân 1969, Bác viết:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to,
Vì Độc lập, vì Tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Bắc Nam xum họp Xuân nào vui hơn!”
Và với dự báo chiến thắng của Người, 7 năm sau, mùa Xuân năm 1975 đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất. Đi cùng với sự kiện này, tác giả đã sưu tập được 3 con tem: con tem hình ảnh Bác trong ngày vui chiến thắng bên góc phải và sự kiện chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc lập, đánh dấu mốc lịch sử chế độ ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước; con tem thứ hai là con tem về toàn dân nô nức tham gia tổng tuyển cử bầu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất và con tem thứ ba là hình ảnh bản đồ Việt Nam, biểu tượng non sông liền một dải trên hình trống đồng Đông Sơn cùng được phát hành năm 1976.
Tết Việt còn có ý nghĩa là Tết trồng cây, nhà sưu tập tem đã thể hiện được nét văn hóa này với một trang trưng bày gồm con tem Tết trồng cây năm 1962 và phong bì thư và tem Tết trồng cây năm 1984 với câu khẩu hiệu trên con tem “Toàn dân hưởng ứng Tết trồng cây”.
Độc đáo bưu phẩm lưu niệm Xuân
Xung quanh con tem Tết cũng có nhiều điều thú vị mà tôi may mắn đã được biết thêm, đó là những sắc màu sinh động trên những phong bì dán tem thư của nhà sưu tập tem Trần Xuân Dĩnh.
Bên cạnh việc sưu tập tem, từ hơn 10 năm nay, đã thành thói quen, mỗi khi cần gửi thư tới bạn hữu, bác Dĩnh đều tự làm phong bì rồi vẽ những hình ảnh của những vị lãnh tụ, những con giáp sinh động, sắc màu tươi sáng lên chiếc phong bì đơn điệu đa phần mang hình chiếc tàu bay chỗ ghi người gửi, người nhận đều in bằng tiếng Anh.
Những chiếc phong bì được bác Dĩnh vẽ theo năm con giáp giờ cũng đã đủ bộ 12 con giáp, đa số vẽ bằng bút bi, được tô màu bằng bút dạ nhưng nét vẽ cẩn thận, kỹ càng như một bức tranh thu nhỏ.
Bác Dĩnh cho biết khi gặp dịp Công ty Tem phát hành tem mới, nếu hợp sở thích, bác lại tự tạo phong bì riêng, xin đóng dấu đặc biệt ngày đầu tiên, tạo thành bưu phẩm lưu niệm độc đáo như phong bì ngày phát hành đầu tiên của Bộ tem Tết Canh Dần 2010, Tem Tết Đinh Hợi 2006… Năm con Rắn 2013, bác cũng đã vẽ hình con rắn trong không gian Tết trên một chiếc phong bì và đã gửi tặng ngay một người bạn nên chiếc phong bì đó giờ không còn để mang ra “khoe”. Bác cho biết “hứng lên”, bác sẽ lại sáng tác một phong bì với hình con rắn khác để tặng bạn bè.
Tình cảm ấy của bác Dĩnh dành cho bạn bè cứ thôi thúc tôi không vẽ được chiếc phong bì độc đáo thì cũng nên dành thời gian đi mua món “phi vật thể” để dán lên chiếc phong bì nhỏ xinh gửi tới bạn bè thay cho viết một cái “meo” điện tử “đánh xoạch” một cái là xong. Âu cũng là một sự chuẩn bị Tết thú vị!
Một năm bận rộn, những ngày rét buốt kéo dài, mỗi chúng ta lại luôn mong đợi mùa Xuân với những ngày ấm áp sẽ tới và với con tem Tết năm Rắn, những bộ tem Tết 12 con giáp với những câu chuyện lịch sử, văn hóa ý nghĩa đi cùng dường như mùa Xuân, Tết cổ truyền của dân tộc đã đến thật gần.
Lan Phương