Khám phá phương pháp làm phim ngoài Hollywood
(ICTPress) - Bộ phim tài liệu “Live Tape” (Cuốn băng cuộc đời) và “Good Morning to the World!!” (Chào Thế giới!!) là những minh chứng cho những sáng tạo nghiên cứu các khả năng làm phim thay thế theo cách khác với với những bộ phim “bom tấn” với ngân sách khổng lồ chủ yếu được sản xuất tại các xưởng phim ở Hollywood.
“Cuốn băng cuộc đời” với thời lượng 74 phút và ngân sách cực thấp đã đoạt Giải Hình ảnh đẹp nhất trong phần “Con mắt Nhật Bản” tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 22 vào năm 2009 của tác giả Tetsuaki Matsue và “Chào thế giới” của Satoru Hirohara, một sinh viên thạc sĩ mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và âm nhạc quốc gia Tokyo với ngân sách ít và dàn diễn viên không tên tuổi, và đã đoạt Giải Dragon & Tigers cho Điện ảnh trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Vancouver lần thứ 29 năm 2010.
Cuốn băng cuộc đời (2009, 74’ - đạo diễn: Tetsuaki Matuse, phim tài liệu) tập trung vào sự mộc mạc và đời thường. Đó là nét đời thường được ghi lại khi Matsue theo bước nhạc sỹ-ca sỹ Kenta Maeno dạo quanh khu Kichijoji (Tokyo) trong ngày đầu tiên của năm mới. Cuộc đi dạo cũng là một buổi diễn Maeno, anh này vừa đi vừa chơi guitar, hát những khúc ca về cuộc sống, tình yêu, con người. Bộ phim hoàn toàn được quay trong một ‘take’, với các thiết bị quay phim tối giản và không sử dụng kịch bản - một bộ phim đúng tinh thần ‘new-wave’.
Good Morning to the World!! (Chào thế giới!!) (2010, 81’ - đạo diễn: Satoru Hirohara, phim truyện) xoay quanh sự vật lộn một mình với cuộc sống của cậu học sinh trung học Takahashi Yuta. Bố bỏ nhà ra đi từ lâu, mẹ thì liên tục đi công tác xa và chỉ để lại cho cậu con những lời nhắn và chút tiền ăn. Vì thế, không có gì là ngạc nhiên khi cậu bé cô đơn lủi thủi ở trường. Nhưng cậu lại được một người đàn ông vô gia cư quý trọng, và khi người đàn ông này bị giết bởi một băng nhóm tôi phạm trong vùng, thì cậu bé quyết định đi tìm gia đình và người thân của ông. Đối với Yuta, việc này trở thành một bài học cho cậu theo cách sống của người lớn, đưa cậu vượt qua những ám ảnh tuổi học trò bị quấy rối ở trường học.
Những kinh nghiệm khi làm những bộ phim này sẽ được đạo diễn chia sẻ thông tin bên cạnh chương trình chiếu phim. Đạo diễn Tetsuaki Matsue sẽ chia sẻ những suy nghĩ của anh về đề tài này qua bài thuyết trình “Phim và Âm nhạc”. Anh Satoru Hirohara, ngược lại, sẽ nói về chương trình đào tạo điện ảnh tại các trường đại học ở Nhật Bản, và anh Takaaki Yamamoto (kỹ sư ghi âm/kỹ sư phòng thu) sẽ đối thoại với anh trên diễn đàn. Hai bài thuyết trình và thảo luận này sẽ được thực hiện bằng tiếng Nhật, có phiên dịch tiếng Việt.
Một phần hấp dẫn của dự án này là workshop về “các hiệu ứng âm thanh” với anh Masaya Kitada, một trong những kỹ sư hiệu ứng âm thanh và nghệ sĩ tiếng động tài ba nhất Nhật Bản hiện nay. Anh sẽ trình bày với sinh viên và các nhà làm phim trẻ Việt Nam về công việc cụ thể của anh, giới thiệu cách sử dụng phần mềm xử lý kỹ thuật số (phòng thu số) Pro Tools cho các hiệu ứng âm thanh.
Ban Tổ chức gồm Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và UNIJAPAN, hợp tác với Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP. HCM cho biết qua Hội thảo/Chiếu phim “Phim và Âm nhạc/Các hiệu ứng âm thanh” của các tài năng đạo diễn phim trẻ Nhật Bản tại Hà Nội và TP. HCM từ 17 tới 21/12/2012 sẽ mang đến cảm hứng cho sinh viên và các nhà làm phim trẻ Việt Nam để phát triển những ý tưởng thay thế trong tương lai.
Thời gian và địa điểm:
Ngày 17 & 18/12/2012: tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, 125 Cống Quỳnh, quận 1, TP. HCM.
Ngày 20 & 21/12/2012: tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, khu Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Chương trình chi tiết bạn đọc có thể tải tại đây.
Bảo Ngọc