Khi phóng viên VietNamNet 'làm ăn mày, xe ôm"
Thời gian này, trên truyền hình đang chiếu bộ phim dài tập, hình như có tên “Mặt nạ da người”. Phim nói về bao chuyện đời hỗn mang, phức tạp. Và dù chỉ vô tình xem được ít tập, nhưng tôi bị ám ảnh rất sâu những thước phim về cô phóng viên trẻ tên Ngọc nhiệt huyết, dám xả thân với nghề báo để điều tra, tìm ra chân tướng sự thật đường dây buôn người, bán thận...
Người ta nói, phim cũng như đời! Chợt nhớ, một thời đã qua, khoảng năm năm trước tôi và nhóm bạn của mình cũng sôi nổi, xả thân như Ngọc khi “nhập vai” cô giáo, xe ôm, cò mồi và cả... cave để bóc trần sự thật 'đường dây bóc lột trẻ em' bằng hình thức cai ăn xin trong loạt phóng sự điều tra “Thâm nhập vào đường dây cái bang Hà Thành” đăng trên VietNamNet.
Hồi đó, tôi và nhóm bạn đang là sinh viên thực tập tại Ban Phóng sự - báo Điện tử VietNamNet. Cũng có nghĩa chúng tôi vẫn chưa nhận tấm bằng tốt nghiệp ra trường.
Tuổi trẻ sôi nổi, tôi và các bạn như những con 'ngựa non háu đá', chỉ thèm trước mặt mình là tảng đá hay miệng lửa để 'lao đầu vào'...
Tôi vẫn nhớ khi anh Thế Vinh, lúc đó là trưởng ban Phóng sự bâng quơ: “Nghe đồn ở Hà Nội, xóm cầu mới Ngã Tư Sở có cai ăn xin, các bạn hãy đi và xem thử đúng không?”. Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu, sao lúc đó mình lại gật đầu ngay tắp lự, không chút mảy may với trái tim rộn rã, như chàng lính gạt cả mối tình thơ ngây hùng hổ ra trận.
Hai ngày đầu, tôi và bạn Vũ Ngọc Thu (hiện làm truyền thông) chở nhau đi qua lại hết ngõ ngách xóm Cầu Mới giả tìm nhà trọ. Sáng sáng bắt gặp nhiều em nhỏ vác bị đi xin. Chiều lại thấy các em được những người đàn ông mặt mày dữ tợn, những người phụ nữ bịt kín khẩu trang đón về...
Rất may, trong những khu nhà lộn nhộn đó, chúng tôi phát hiện một lớp học xóa mù chữ vào buổi tối cho các em nhỏ của sinh viên tình nguyện. Không còn gì phù hợp hơn, Thu “nhập vai” trở thành cô giáo trẻ, vừa “dạy” vừa khai thác tâm tư tình cảm, gia cảnh các em và cũng biết được “luật rừng” của bọn cai ăn xin dã man đến thế nào.
Tôi vẫn nhớ như in, cảm xúc bàng hoàng, xót xa khi em bé Lý (5 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bố mẹ cho cai “thuê” ăn xin ở Hà Nội thút thít cho xem vết bầm dập bị “thím” đánh do “mải chơi không xin đủ số tiền quy định”.
Qua lớp học tình nguyện, chúng tôi cũng biết thêm, nhiều em bị “nhịn ăn” nếu không xin đủ "định mức" mà cai đặt ra.
Biết chắc chắn những tố cáo của các em là sự thật, nhưng để bóc trần bộ mặt “hút máu trẻ em” của bọn cai ăn mày, tôi biết rằng mình phải diễn một vai có thân phận gần như chúng. Và tôi đi làm cave...
Hai chúng tôi khấp khởi hy vọng khi phát hiện có hơn chục căn nhà chứa gần trăm trẻ em và người già hành nghề ăn xin.
Lo cho chúng tôi phận gái mỏng manh nên anh trưởng ban đã "hỗ trợ" thêm cho “hai chàng lính ngự lâm” Vũ Điệp (hiện là PV ban Thời sự Báo VietNamNet) và Thông Chí (hiện công tác Báo Điện tử Dân Trí).
Qua rất nhiều cuộc họp bàn, nhóm đi đến thống nhất chỉ có một con đường để điều tra thật giả chân tướng. Đó là thâm nhập vào đường dây cái bang này khi trở thành những công dân xóm Cầu Mới.
Thỉnh thoảng, tỏ ra rủng rỉnh, tôi cho các mụ cai ăn xin ít quần áo thừa nên dễ dàng ra vào nhà chúng như thân thiết, ghi âm những mẩu đối thoại chúng ép các em đi xin hay chứng kiến tận mắt “màn” nộp tiền của 'cái bang'.
Sau này, khi loạt bài hoàn thành và lũ chúng tôi “thoát vai” khỏi xóm Cầu Mới, vẫn còn ú tim những chuyện “thâm cung bí sử”, những tình huống dở khóc dở cười đe dọa đến sự an toàn của mình. Nhất là tôi và Thu...
Đêm đó, nằm vắt tay lên trán trên tấm ván trong túp lều bên sông Tô Lịch, tôi lắp ghép lại những gì mình thu lượm được từ mẩu chuyện với "cai ăn xin", tay nâng niu chiếc máy ảnh du lịch “chộp” được khoảnh khắc quý báu "cai" đang dùng roi rượt đánh một cụ già dám “cãi” không đi làm.
Bỗng có tiếng sột soạt ngoài cánh cửa. Tôi giấu vội máy ảnh, chồm dậy thủ sẵn con dao gọt hoa quả, chua giọng: “Đ.M! Làm gì ầm ầm thế, không để con này ngủ thì đừng trách...”.
Cũng không rõ, do dự miệng lưỡi đanh nọc của 'em cave quá đát' hay chỉ là cú “dụng” vô tình của gã say nào đó mà túp lều rách toác bình yên trở lại.
Tôi vẫn nhớ đêm đó, mình thức trắng. Không phải vì sợ, mà mải nghĩ ngày mai phải làm sao đi theo bọn "cai ăn xin" để nắm được quy trình hoạt động của chúng...
Đến lúc này, 2 "chàng lính ngự lâm" là Thông Chí và Vũ Điệp xuất đầu lộ diện. Để nắm được cung đường và địa bàn "cai" giao cho các em, ngày ngày Vũ Điệp nhập vai xe ôm đóng chốt ngoài chân cầu Ngã Tư Sở.
Sáng nào cũng thế, khi trời Hà Nội mới nhá xem mặt người, bọn "cai" đã ghép người già và trẻ nhỏ chở đi đến các chợ, quán khắp phố phường.
Không chỉ nắm được những “ngón nghề” của "cai ăn xin", chúng tôi còn ghi được những bức hình, đoạn video sống động về hoạt động của chúng.
Mọi sự thật chỉ là sự thật nếu được lộ diện bằng giấy trắng mực đen. Hiểu rất rõ điều này, Thông Chí đã “nhập vai” cò mồi dắt mối trẻ em từ Thanh Hóa ra “bán” cho bọn cai.
Bên ly nâu đá những ngày tháng 10/2012, Thông Chí nhớ lại buổi tối ép được mụ Hằng, một "cai ăn xin" xóm Cầu Mới ký vào tờ cam kết “mua” 2 trẻ em: “Rất may, tôi là người gốc Thanh Hóa nên khi vận bộ đồ thợ nề, cuốc chiếc xe ghẻ biển 36 lân la vào xóm tìm nhà trọ bọn cai không nghi ngờ lắm. Nói lý do cần tiền gấp vì vợ ốm đang phải nằm viện, tôi muốn gửi hai đứa con nhờ bà Hằng nuôi, cho đi xin. Tháng đầu tiên bà hứa trả 5 trăm nghìn/ đứa. Cũng phải tỉ tê hai ba đêm mụ Hằng mới an tâm ký tên vào tờ giấy, hẹn ngày giao hai đứa trẻ...”.
Mất 2 tuần nhóm chúng tôi mới thu thập đầy đủ mọi thông tin cần thiết cho loạt bài phóng sự tại xóm Cầu Mới.
Tôi nhớ chiều hôm đó là thứ năm, bầu trời trong xanh, nắng vàng rải nhẹ. Chúng tôi “thoát vai” cô giáo Thu, Điệp "xe ôm", Thơ "cave", Chí “cò mồi” ra khỏi xóm Cầu Mới để trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, mang theo những clip và hình ảnh “nhân chứng sống” về đường dây cai ăn xin Hà thành lên tòa soạn “báo cáo” Trưởng ban Phóng sự...
Qua 2 chầu bia, anh Thế Vinh tư lự: “Chúng mày mệt chưa?”. Thông Chí nhanh nhẩu “chém gió”: Mệt gì anh! Bình thường thôi...
Anh trưởng ban tiếp lời: Tốt! Thế lại về quê chúng nó điều tra tiếp nhé!
Cả lũ im phăng phắc mất khoảng... 10 phút. Uống ực hết chai Heniken, tôi nhìn anh Vinh: Vâng, bạn em sẽ về... Anh trưởng ban lại hỏi: Có tiền chưa? Tôi tỉnh quẹo: Tất nhiên chưa ạ...!
Và chúng tôi mỗi đứa lại ba lô lớn, ba lô bé ra bến xe Giáp Bát về Quảng Xương, Thanh Hóa với “hành trang” 2 triệu đồng tiền lương của anh trưởng ban làm “lộ phí” một tuần.
Đặt chân đến Thanh Hóa, rất may có gia đình của Thông Chí và anh Vũ Điệp giúp đỡ nơi tá túc và phương tiện đi lại.
Trong một tuần lân la tìm kiếm, chúng tôi đã tìm ra gia đình em Lý và căn nhà ba tầng khang trang của mụ Hằng, "cai ăn xin" xóm Cầu Mới.
Nhờ đó, sự thật bố mẹ “bán” con đi làm ăn xin xây được nhà mái bằng, cai ăn xin xây nhà lầu... được bóc trần chấn động dư luận suốt thời gian sau đó và lực lượng công an đã vào cuộc đưa vụ việc ra ánh sáng.
Đến bây giờ, tôi và các bạn tôi cũng không thể tưởng tượng ngày đó điều gì khiến chúng tôi có thể bất chấp và hùng hổ “nhập trận”. Để sau hơn một tháng trời, 7 kỳ phóng sự “Thâm nhập đường dây cái bang Hà thành” được xuất bản khiến dư luận bàng hoàng về một đường dây cai ăn xin, “hút máu” trẻ em trá hình lâu này hoành hoành giữa Thủ đô...
Cẩm Thơ
(Nhóm PV thực hiện tuyến bài điều tra “Thâm nhập đường dây cái bang Hà thành”)
VietnamNet