Feature có phải là “phóng sự”?

Anh ta ra khỏi ga xe điện ngầm L’ Enfant Plaza và đứng dựa vào bức tường cạnh sọt rác. Thoạt trông, anh ta chẳng có gì nổi bật, chỉ là một thanh niên da trắng mặc quần jean, áo may ô tay dài, đầu đội mũ lưỡi trai có huy hiệu đội bóng chày Washington Nationals. Từ trong chiếc hộp, anh lấy ra một cây đàn. Đặt chiếc hộp mở toang dưới dân, anh tinh ý ném vào vài đồng tiền xu và vài tờ giấy bạc để làm “mồi”. Anh xoay chiếc hộp về phía dòng người xuôi ngược, rồi bắt đầu chơi đàn”.

Trên đây là đoạn mở đầu bài báo có nhan đề Pearls Before Breakfast (tạm dịch “Ngọc trai trước bữa điểm tâm”) do nhà báo Gene Weingarten viết, đăng trên tờ Wahsington Post ngày 8 tháng 4 năm 2007. Bài báo này đã đoạt giải thưởng Pulitzer (2008) cho thể loại “feature”, bên cạnh các giải cho những thể loại khác như phóng sự điều tra, phục vụ cộng đồng v.v… Pulitzer là giải thưởng báo chí danh giá nhất nước Mỹ và cũng thuộc loại tầm cỡ nhất thế giới.

Feature là gì?

Có lẽ chỉ hoàn toàn tình cờ, ngày phát hành quyển sách về nghề báo Ký giả chuyên nghiệp tại Sài Gòn thật dễ nhớ: ngày 30 tháng 4 năm 1974, đúng một năm trước khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ hoàn toàn. Đó là quyển sách dịch từ nguyên bản tiếng Anh The Professional Journalist ấn bản lần thứ ba, xuất bản ở Mỹ năm 1973.

Nhưng không phải ngẫu nhiên khi quyển sách này được dịch ra tiếng Việt và xuất hiện ở Sài Gòn chỉ một thời gian ngắn sau khi ấn bản mới nhất được bán tại Mỹ. Lúc bấy giờ, The Professional Journalist được xem như là một trong những quyển sách gối đầu giường của sinh viên ngành báo chí. Ấn bản tại Việt Nam do Hiện đại Thư xã in ấn và phát hành. Tác giả quyển sách là John Hohenberg, giáo sư báo chí của Viện đại học Columbia với trường báo chí sau đại học nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Columbia là nơi khai sinh ra giải thưởng Pulitzer do chính nhà báo Joseph Pulitzer sáng lập, và cũng là nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận bằng tốt nghiệp đại học năm 1983.

Chương 14 trên 231 của quyển Ký giả chuyên nghiệp (bản tiếng Việt) có tựa đề “Vấn đề nhân cảm trong tin tức”. Ở dòng thứ tư của đoạn mở đầu, lần đầu tiên trong quyển sách, Hohenberg bắt đầu đề cập một cách tương đối chi tiết đến khái niệm “feature” với tư cách là một thể loại báo chí. Ông viết “… các chủ biên thường chia tin tức ra làm ba loại: tin trực thuật (straight news), đặc ký (features) và các tài liệu về đường lối chính sách (policy material)”.

Có lẽ phần lớn các nhà báo Việt Nam ngày nay không lạ gì với khái niệm “tin trực thuật” được Ký giả chuyên nghiệp nhắc đến 34 năm trước. Đó là công thức viết tin với cấu trúc hình tháp ngược 5W + 1H, được cả thế giới áp dụng đến tận ngày hôm nay. Nhưng khi đề cập đến khái niệm “feature” thì không phải ai trong chúng ta cũng biết tường tận dù có thể đã không ít lần áp dụng.

Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu, hai người dịch quyển The Professional Journalist đã dùng chữ “đặc ký” làm thuật ngữ tiếng Việt tương đương với “feature”. Tuy nhiên, chữ này có vẻ không hoàn toàn lột tả được nghĩa của thuật ngữ tiếng Anh. Vì thế, một cuộc thăm dò bỏ túi được thực hiện với năm nhà báo nhiều kinh nghiệm thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhằm thử tìm một thuật ngữ tiếng Việt tốt hơn. Nhưng mặc dù các nhà báo này đều quen thuộc với khái niệm tiếng Anh, ai cũng bảo khó tìm được thuật ngữ tiếng Việt tương đương nào khả dĩ lột tả được khái niệm này (*)

Trong bài viết về giải Pulitzer năm nay, báo Tuổi trẻ đã dịch feature thành “phóng sự”. Tự điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên (in lần thứ sáu, năm 1998) định nghĩa “phóng sự” như sau: “Thể văn miêu tả những việc thật có tính thời sự xã hội”. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn khái niệm feature sẽ được trình bày dưới đây, định nghĩa này e cũng không ổn lắm. Hơn nữa, đối chiếu với thể loại “phóng sự” theo thực tế báo chí Việt Nam, dịch feature thành “phóng sự” cũng không thể hiện được hết nghĩa của từ này.

Tìm từ tương đương chính xác trong tiếng Việt cho chữ feature quả thật có phần khó vì ngay cả nhiều sách giáo khoa báo chí ở Mỹ cũng không có định nghĩa thật rõ ràng thế nào là feature. Điều họ thường làm là chỉ ra được… khái niệm, thay vì định nghĩa chính xác.

Stein, Patermo và Burnett trong quyển Newswriter’s Handbook (Nhà xuất bản Blackwell Publishing, Ames, Iowa, 2006) định nghĩa feature như sau: “…sự kết hợp các tình huống và các cá nhân làm cho nó khác biệt với tin trực thuật”. Thú thật, cách giải thích này dường như còn rất mờ mịt! Nhưng lời giải thích tiếp theo của các tác giả có vẻ làm vấn đề sáng tỏ hơn khi họ viết: “Feature thường chú trọng đến khía cạnh hài hước của cuộc đời, nỗi đau thương, sự mỉa mai, điều kỳ lạ hoặc những sự kiện gây xúc động. Feature có thể giúp độc giả tiêu khiển hoặc khiến họ cảm thấy phấn chấn, buồn bã hoặc hoài nghi. Feature cũng có thể giải thích hoặc diễn giải nhằm giúp độc giả dùng tiền bạc, tài sản hoặc giữ gìn sức khỏe tốt hơn. Đôi khi feature có thể làm sáng tỏ hơn sự phức tạp trong chính trị hoặc tình hình thế giới theo cách mà thể loại “tin trực thuật” không thể làm được”.

Vậy thì cốt lõi feature là gì?

Hãy xem Maria Cecilia Genova, một nhà báo Phi Luật Tân định nghĩa feature trong quyển sách nhan đề Feature Writing for Filipinios (Viết feature dành cho nhà báo Phi Luật Tân) xuất bản năm 2004: "Feature là bài báo có tính chất sáng tạo, nhằm mục đích chính yếu là giúp độc giả tiêu khiển hoặc thông tin cho một sự kiện, một tình huống hay một khía cạnh của cuộc sống ». Nhà báo Phi này cũng dẫn lời một đồng nghiệp định nghĩa feature như sau: "Một bài báo feature là bất kỳ bài báo nào không phải ở dạng tin".

Mấy thập kỷ trước, khi Hohenberg viết quyển Ký giả chuyên nghiệp, hẳn chẳng phải tình cờ ông lại đưa feature vào chương sách với tựa đề "Vấn đề nhân cảm trong tin tức". Đó là vì cốt lõi của feature là nhân cảm (human interest), những câu chuyện, những chi tiết thường làm lay động lòng người.

Không hẳn là định nghĩa, nhưng có lẽ lời giải thích sau đây của ba tác giả trên phản ảnh được điều tinh túy nhất của feature, giúp phân biệt được thể loại này với các thể loại báo chí khác : Trên tất cả, feature chứa đựng yếu tố nhân cảm đề cập đến đời sống của độc giả. Nhân cảm nằm ở vị trí trung tâm của mọi bài báo (thuộc thể loại feature). (Khi viết feature), bạn cần đề cập đến những gì độc giả nghĩ ngợi, lo lắng hay tò mò».

Theo Stein, Paterno và Burnett, thông thường các buổi họp hội đồng quản trị nhà trường hay hội đồng thành phố không phải là đề tài cho một bài feature. Thế nhưng, khi một công dân bất bình xuất hiện, lôi vào giữa phòng họp một cái thùng rác để phản đối tình trạng tồi tệ trong việc thu gom rác gây ô nhiễm môi trường, câu chuyện có thể hoàn toàn khác (tương tự như «ông hội đồng » Đặng Văn Khoa đã từng làm trong phòng họp Hội đồng nhân dân TP. HCM). Chuyện nộp thuế cũng có khi trở thành một đề tài hấp dẫn. Có lần, với số tiền 3000 đô la Mỹ nộp thuế quá hạn toàn bằng đồng xu, một người trả thuế đã trở thành một đề tài cho feature.

Feature nhiều khi chỉ là tiểu sử của các nhân vật (nhưng phải thật thú vị), hoặc các tình huống trong đó cá nhân, gia đình hoặc cả cộng đồng vượt qua được khó khăn để đạt mục đích nào đó. Nhưng bất kể đó là gì - Stein, Paterno và Burnett viết - feature cần tác động trực tiếp đến cảm xúc độc giả, khiến họ phải ngạc nhiên, giận giữ, say mê, hứng thú, phấn chấn hoặc chỉ đơn thuần là ấn tượng bởi những gì được trình bày trong bài viết.

Trở lại với « Ngọc trai trước bữa điểm tâm », bài báo đoạt giải thưởng Pulitzer 2008 cho thể loại feature (có thể truy cập tại http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2007/04/04/AR2007040401721.html). Trong bài feature được chuẩn bị rất công phu này, điều mà tác giả Gene Weingarten và các nhà báo ở Washington Post muốn chia sẻ với độc giả là đời sống hiện đại đã làm con người (ở đây cụ thể là người Mỹ ở thủ đô Washington) thờ ơ với chính những kiệt tác của mình như thế nào. Nói khác đi, họ muốn biết khi đặt trong một bối cảnh không thích hợp (nhà ga thay vì phòng hòa nhạc) và thời gian không thích hợp (buổi sáng giờ cao điểm thay vì buổi tối), liệu những kiệt tác của nhân loại có đủ sức tỏa sáng hay không.

Theo ý tưởng táo bạo của bài báo, Joshua Bell, một trong những nghệ sỹ vĩ cầm tài hoa nhất của nước Mỹ và cả thế giới, vào vai một người hát rong, kéo vĩ cầm ở ga xe điện ngầm L’ Enfant Plaza lúc 7 giờ 45 sáng thứ Sáu, giờ cao điểm. Trong 43 phút chơi đàn liên tục (chỉ trừ những khoảng lặng ngắn ngủi sau mỗi bản nhạc), Bell đã trình bày sáu tác phẩm thuộc loại vĩ đại nhất của nền âm nhạc cổ điển thế giới. Trong thời gian đó, các nhà báo của tờ Washington Post đã ghi nhận phản ứng của người qua đường đối với buổi trình diễn của nhạc sỹ lừng danh này. Dù ăn mặc như người hát rong, Bell vẫn sử dụng một trong những cây vĩ cầm hay nhất của mình (và cả thế giới). Vị trí của anh cũng đã được khéo léo chọn để cho âm thanh đủ lớn đến được tai những người vội vã đi ngang qua. Điều đáng buồn, theo lời Bell, là sự thờ ơ của dòng dường trước các tác phẩm âm nhạc anh biểu diễn. Gần như chẳng một ai trong số 1.092 người đi ngang qua Bell dừng lại lâu để nghe thiên tài này chơi vĩ cầm.

Theo bài báo, với họ, Bell gần như không tồn tại. Trong số 40 người được các nhà báo Washington Post liên lạc sau buổi biểu diễn để phỏng vấn, duy nhất một người nói rằng sự khác biệt giữa buổi sáng thứ Sáu hôm ấy với những buổi sáng bình thường là có một người hát rong chơi vĩ cầm. Chấm hết! Một chi tiết được Weingarten ghi lại trong bài, có lẽ cũng khá điển hình cho thể loại feature trong việc chọn lọc chi tiết, là đoạn tả một người muốn nán lại xem Bell biểu diễn. Đó là Ivvie, ba tuổi. Nhưng Ivvie đã bị bà mẹ đang tất bật lôi đi mất.

Trong số 1000 người đi ngang qua Bell, người duy nhất nhận ra được danh cầm này là Stancy Furukawa. Dù không biết mục đích của buổi biểu diễn, chị là người hào phóng nhất khi cho vào chiếc hộp đàn củ Bell tờ 20 đô la. Bài báo cho biết đó cũng là món tiền lớn nhất Bell nhận được trong số tổng cộng 32 đô la 17 xu sau 43 phút trình diễn. Để tiện so sánh, danh cầm này được trả 1000 đô la cho mỗi phút biểu diễn của mình!

Còn news feature thì sao?

Theo Stein, Paterno và Burnett, các nhà báo viết feature có thể “ném công thức viết tin hình tháp ngược ra cửa sổ”. Nhưng bài báo feature vẫn phải có đủ các sự kiện có thật. Nói khách đi, feature không cần đặt 5W + 1H ở đầu bài viết và nhiều bài feature mở đầu bằng một câu chuyện - hoặc là hài hước, gây ngạc nhiên, kể lại trải nghiệm cá nhân hoặc nêu lên một nghi vấn. Không có công thức chung nào cho việc viết feature ngoài chuyện bài viết phải tuân thủ các quy tắc hành văn cơ bản. Điều cốt lõi là bài viết càng thú vị với độc giả càng tốt.

Chúng ta hãy xem hai mở đầu khác nhau của hai bài feature:

(1) Tuần nào cũng như tuần nấy Harold Pines lại đến thăm văn phòng trợ cấp thất nghiệp để nhận tiền trợ cấp của mình. Ngày hôm qua cũng thế…

(2) Chỉ cần thấy bóng dáng cây bút bi, các nhân viên tại trung tâm bảo tồn mới được thành lập của thư viện Huntington đã cảm thấy rung mình.

Mở bài (1) có thể dùng cho một feature về anh chàng thất nghiệp Harold Pines nhận được tấm ngân phiếu trị giá 1,6 triệu đô la thay vì chỉ có 260 đô la như thường lệ do lỗi của hệ thống máy tính.

Mở bài (2) đưa đến câu chuyện về kỹ thuật bảo quản sách và tài liệu quý hiếm tại một trong những thư viện tư nhân danh tiếng nhất của nước Mỹ. Bút bi bị cấm cửa vì mực bút bi có thể làm hư hại các tài liệu quý giá được bảo quản ở đó.

Như đã thấy ở trên, “Ngọc trai trước bữa điểm tâm” cũng được bắt đầu bằng việc mô tả Joshua Bell ở nhà ga L’ Enfant Plaza. Đây là một bài báo dài gần 7400 chữ, do nhiều nhà báo góp phần thực hiện công phu (dù chỉ có Gene Weingarten được ghi là tác giả). Nhưng không phải bài báo feature nào cũng dài và công phu như vậy. Có một dạng feature khác ngắn hơn và thường xuyên xuất hiện trên trang nhất của các nhật báo. Đó là news feature. Do vẫn còn khó khăn trong việc tìm thuật ngữ tiếng Việt tương đương, chúng ta có thể tạm gọi nó là “tin dạng feature”.

Stein, Paterno và Burnett cho rằng ngày nay news feature là một phần rất quan trọng (staple) của phần lớn các tờ báo ở Mỹ. Có hai lý do chính giải thích tại sao như vậy. Một, nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin và cách viết đa dạng hơn. Hai, nhằm giải thích đầy đủ hơn cách vận hành của một xã hội ngày càng phức tạp. Tin dạng feature cũng lấy chất liệu từ những sự kiện thời sự nhưng chọn hướng xử lý khác so với cách viết tin tức thông thường. Ví dụ như phóng viên thường chọn cách viết “tin trực thuật” kể về về các tai nạn xe hơi. Nhưng nếu nạn nhân là một nhạc sĩ tài hoa 21 tuổi mất mạng vì nạn đua xe trái phép, trên trang nhất số ra ngày mai có thể sẽ xuất hiện một news feature gây xúc động. News feature vừa có thể giúp các tờ báo trở nên thú vị hơn đối với bạn đọc, vừa tạo cơ hội cho các phóng viên gây ấn tượng lên các chủ biên của mình qua cách họ thể hiện và thu thập thông tin.

Để minh họa, dưới đây là bản dịch của một news feature đăng trên trang nhất của tờ Today, một nhật báo Singapore, ra ngày 27 tháng 6 năm 2008. Đây có thể không phải là một feature hay nhưng bài báo có thể là một ví dụ cho thấy góc nhìn cho bài viết feature.

Nhưng trước khi đọc bài báo có lẽ chúng ta nên xem qua một chút “bối cảnh ra đời của nó”. Bài viết liên quan đến trận bán kết EURO 2008 thứ nhất giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra rạng sáng thứ Năm ngày 26 tháng 6 (giờ Singapore và Việt Nam). Vì thế, các báo ra sáng thứ Năm đều không thể tường thuật về trận đấu. Họ chỉ có thể làm điều đó vào thứ Sáu. Theo chúng tôi, chúng ta có thể học được cách để tạo sự khác biệt. Trong khi các nhật báo tiếng Việt vẫn luôn đăng bài bình luận về trận chạm trán Đức - Thổ, các đồng nghiệp Sing chọn cách viết feature với một hướng khác (xin đặc biệt chú ý đến thời điểm bài báo được đăng).

Những bàn thắng không được trực tiếp truyền hình

Khi cơn bão từ ấp xuống thủ đô Vienna của nước Áo thì cách đó hàng ngàn ki lô mét, màn ảnh “đông cứng” của truyền hình cũng là khán giả Singapore ngây ra như phỗng ngay trong trận bán kết Euro 2008 hấp dẫn giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vâng, đó chỉ là chuyện rủi ro do tạo hóa sắp đặt. Nhưng, vì không thể chủ động được vấn đề thời tiết, liệu nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp StarHub có làm được gì hơn để tránh cho các “fan” hâm mộ quả bóng tròn khỏi một phen tẽn tò trong bóng tối!

Khi khán giả giận dữ nêu câu hỏi trên trong cuộc đối đầu ngoài sân cỏ sau trận đấu rạng sáng hôm qua, câu trả lời từ phía StarHub là “có”.

StarHub đã hứa với khán giả rằng trong cả trận bán kết rạng sáng nay giữa Nga và Tây Ban Nha, cũng như trận chung kết Chủ nhật tới, họ sẽ có cách giúp khán giả cập nhật diễn biến và bàn thắng, dù đường truyền có bị gián đoạn.

Nhưng buổi truyền hình trực tiếp ngày hôm qua lại là chuyện khác. Trong hiệp 2 khi tỷ số đang là 1-1 và anh hào Đức bị đội áo đỏ Thổ áp đảo, màn hình bỗng dưng đứng yên. Suốt bốn phút sau đó, khán giả không biết làm gì hơn ngoài việc tiếp tục dán mắt vào một khung hình duy nhất.

Lần gián đoạn thứ hai xảy ra lúc trận đấu không còn đầy 15 phút. StarHub cáo lỗi về đường truyền bị gián đoạn. Khi màn hình trở lại bình thường tỷ số đã là 2-2. Như vậy, họ bị mất cơ hội chứng kiến bàn nâng tỷ số cho đội Đức của Miroslav Klose và bàn gỡ hòa cho Thổ Nhĩ Kỳ của Semih Senturk.

Tuy thế, họ lại được chứng kiến màn Philipp Lahm ghi bàn cho đội Đức ở phút 90. Nhưng rồi lúc đó, đường truyền lại mất và một lời xin lỗi hiện lên. Thế là khán giả thấp thỏm tự hỏi không biết người Thổ có thực hiện được cuộc lội ngược dòng ngoạn mục như họ đã từng làm trong trận gặp Croatia.

Không chỉ có Singapore. Khắp thế giới, khán giả đều chịu mất sóng vì cơn bão từ ở Vienna, nơi đặt trung tâm truyền sóng quốc tế cho Euro 2008. Chỉ có kênh SRG của Thụy Sỹ và kênh truyền hình Trung Đông Al Jazeera thoát được. SRG trực tiếp truyền hình bên trong sân vận động Basel, Thụy Sỹ (nơi có trận đấu).

Gọi sự cố mất điện tại trung tâm truyền hình là “chuyện không may”, ông Patrick Lim, người đứng đầu dịch vụ truyền hình cáp của StarHub, nói “Chúng tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ nỗi bực mình của khán giả. Vì EUFA giữ độc quyền phát sóng, đó là nơi duy nhất chúng tôi có thể tiếp sóng”.

Tuy nhiên, nhiều khán giả cũng đã kịp chuyển sang các website đưa tin tỷ số  và tiếp sóng trên Internet từ các kênh khác có phương án dự phòng. Ví dụ như tại khu vực Causeway, TV3 chiếu cảnh bình luận viên và hai khách mời phân tích ngay tại chỗ diễn biến trong hiệp hai trong khi vẫn cập nhật tỷ số. Các kênh truyền hình từ Indonesia, Hồng Kông, cho đến tận Pháp, Ý đều làm tương tự.

Mohamed Sadat, một sinh viên nói: “Chúng tôi đã trả tiền cho quyền xem truyền hình của mùa Euro 2008 và StarHub đã hứa cung cấp các dịch vụ cộng thêm như chiếu lại các pha quan trọng, nhưng họ lại không có khách mời ở trường quay bình luận về trận đấu trong thời gian mất sóng. Trên thực tế, họ cũng không hề có phần bình luận giữa hai hiệp”.

Với 20 đô la Singapore, chưa tính GST (thuế hàng hóa và dịch vụ), các khán giả đăng ký có quyền xem truyền hình tất cả các trận đấu Euro 2008. Ông Ng Ghim Peng nói “Tôi hy vọng StarHub có thể truyền hình trực tiếp tốt hơn trận bán kết thứ hai (diễn ra sáng nay) và trận chung kết vào Chủ nhật”.

StarHub đã hứa sẽ làm tốt hơn. Khi tiếp xúc với Today, ông Lim nói: “Chúng tôi sẽ tìm biện pháp dự phòng để chiếu lại các diễn biến của trận đấu nếu sóng bị gián đoạn”.

Trong trường hợp mất sóng trong trận bán kết thứ hai, “StarHub sẽ cập nhật các bàn thắng và những pha hay trên sân cỏ qua phần phụ đề chạy trên màn hình”, ông Lim nói.

“StarHub cũng sẽ phát phần bình luận trực tiếp trong trận chung kết và các bình luận viên sẽ giúp khán giả cập nhật các diễn biến quan trọng của trận đấu nếu bị mất sóng”.

Trong khi đó, StarHub đã lên lịch phát lại bốn lần trong ngày hôm qua trận Đức - Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả trên kênh Preview Channel của họ.

SHAMIR OSMAN

Trong một ví dụ khác, dưới đây là bản dịch của một news feature đăng trong mục Global Adviser (Tư vấn toàn cầu), đăng trên tờ Time số ra ngày 3 tháng 12 năm 2007.

Gia vị Hà Nội

Việt Nam có lịch sử đánh đuổi giặc ngoại xâm: Trung Hoa năm 1428, Pháp năm 1954 và Mỹ năm 1975. Nhưng may mắn thay cho du khách, những ai đến thăm đất nước này vào thời bình đều được chào đón nồng nhiệt. Hà Nội, thủ đô được bảo tồn rất tốt của Việt Nam, là một đô thị có cả đền Trung Hoa, kiến trúc thuộc địa Pháp và chủ nghĩa tiêu thụ Mỹ. Di sản của thời thuộc địa Pháp vẫn nổi bật nhất (bạn thử xem, nào là bánh mì baguette, mũ bê rê và các địa lộ rợp cây xanh), nhưng tất cả những thứ đó không làm mất đi dáng vẻ Việt Nam của Hà Nội: đời sống về đêm nóng bỏng không thua gì vị cay của ớt và ấn tượng về hoạt động đường phố thì khó phai không kém nước mắm.

Việt Nam là thiên đường cho những chàng lãng tử đi tìm món ngon vì có thể tìm được ngoài đường phố những món ngon nhất - nhưng cẩn thận, chỉ cần đi sai đường là gan ruột của bạn đi đong! Tại nhà hàng Quán Ăn Ngon, ĐT: (84-4) 9248162, thực khách có thể tha hồ nếm món ngon mà chẳng cần lo ngại về chuyến thức ăn sạch. Các đầu bếp trong quán vốn xuất thân từ hàng quà đường phố đã chuẩn bị các món tuyệt chiêu của mình - như bánh cuốn và cháo lươn - trong khoảng sân trống sạch sẽ.

Cầu kỳ hơn một chút bạn có thể đến nhà hàng Bobby Chinn (www.bobbychinn.com). Một trong những ngôi sao của ẩm thực Hà Thành, đầu bếp Bobby Chinn, cũng là chủ nhà hàng, thết đãi thực đơn tầm cỡ thế giới nhưng chỉ tính giá phải chăng, chẳng hạn như món khai vị vịt tẩm trà xanh hoặc bồ câu chưng gói bánh tráng. Nội thất của quán đa dạng, bao gồm sảnh trang trí với điếu cày và hoa hồng trắng treo lơ lửng, cho thấy gốc gác Ai Cập - Trung Quốc và New Zealand của ông chủ Chinn. Nhưng nguồn gốc của món cốc tai chưa được nhiều người gọi lại chưa rõ lắm.

Thực khách thực lòng muốn thưởng thức món giải khát sau bữa trưa nên đi tiếp đến Highway4 (www.highway4.com). Muốn vào quán ăn kiêm quán rượu này thực khách phải cởi giày ra trước khi ngồi lên các tấm trải đan bằng tre để thưởng thức thỏa thuê rượu thuốc Việt Nam. Rượu trái vải và đọt chuối giúp ngủ ngon. Rượu ngâm động vật có tác dụng lâu dài hơn: rượu rắn giúp chữa đau lưng, còn rượu bò cạp được xem là giúp tăng cường tinh lực sung mãn.

Nếu bạn muốn biết nhiều hơn về thành phố này, cứ ra đường đi dạo. Không nơi nào ở Hà Nội sống động hơn khu phố cổ dù nơi này phức tạp như một mê hồn trận. Năm mươi con đường và ngõ hẻm được đạt tên theo hàng hóa nơi đó bán, ví dụ như lụa ở Hàng Gai và đồ bạc ở Hàng Bạc. Các cửa hàng mỹ nghệ bày bán tranh cổ động thời bao cấp được in trên giấy, vải hoặc các chiếc cốc. Phòng tranh lại có sẵn tranh chép những tuyệt tác hội họa thế giới giá chỉ 20 đô la.

Sau một ngày mua sắm, giờ đã đến lúc nghỉ ngơi. Trung tâm địa lý và văn hóa của Hà Nội nằm ở khu hồ Hoàn Kiếm. Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 15, nơi đây một chú rùa khổng lồ đã mang đi thanh gươm báu của vị hoàng để chiến thắc giặc phương Bắc. Ngày nay, khu vực này là nơi người Hà Nội thường tụ tập. Họ đi dạo, chơi cờ, luyện thái cực quyền và ngắm cảnh hồ lung linh vào ban đêm với cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa. Chính tại nơi đây, du khách có thể vừa đắm mình trong không khí Hà Nội, vừa có cảm giác đang ở quê nhà.

WILLIAM LEE ADAMS

Feature ở Việt Nam

Như đã đề cập ở phần đầu, dường như các nhà báo Việt Nam ít chú ý đến phần lý thuyết hay định nghĩa chính thống thế nào là feature. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là ở Việt Nam, nhà báo không viết feature. Ngược lại, sự xuất hiện của feature, hay chính xác hơn, những bài báo có tính chất feature đã có từ lâu.

Theo quan sát của chúng tôi, trừ trường hợp phóng sự, ở Việt Nam bài báo dạng feature (hoặc ít nhất có vài yếu tố của feature) thường xuất hiện trên các tuần báo (hoặc báo ra nhặt kỳ hơn, gọi chung là tuần báo trong phần này) nhiều hơn là các nhật báo. Điều này cũng dễ hiểu vì tuần báo thường cho phép đề cập đến những vấn đề liên quan đến đời sống của độc giả một cách sâu sắc hơn nhờ có nhiều thời gian để xử lý hơn… Các tuần san như Tuổi trẻ Cuối tuần (trước đây là Tuổi trẻ Chủ nhật), Thanh niên tuần san, Người Lao động Chủ nhật, Sài Gòn Giải phóng Thứ Bảy, Phụ nữ Chủ nhật, Thời báo Kinh tế Sài Gòn… là những tờ báo có nhiều bài dạng feature xuất hiện ở Việt Nam. Về đề tài (trừ phóng sự), có lẽ “nhân vật” và “câu chuyện pháp đình” là hai trong số các đề tài trong đó feature được “ứng dụng” thường xuyên nhất.

Ngày 25 tháng 5 năm 2008, Tuổi trẻ Cuối tuần đã đăng một trong những bài feature thú vị do Margaret Wente, một nhà báo viết cho tờ Globe and Mail ở Toronto, một trong những nhật báo có uy tín nhất ở Canada. Trong feature này, Wente kể lại chuyến thăm Việt Nam trên xe lăn của mình.

Đi chơi Việt Nam với Phật Di Lặc

Đây là cái mẹo vặt du lịch của tôi dành cho bạn. Đừng bao giờ trượt ngã trên tuyết đóng băng ngay trước khi bạn phải lên đường cho một chuyến đi dài ba tuần tận châu Á.

Sau khi trượt ngã tôi bò lê về nhà và ngồi nhìn cái đầu gối đau nhức, sưng vù như quả bóng. Thế này thì làm sao cất bước được! Rõ chán. Chuyến đi này là để tránh xa mùa đông khắc nghiệt và dài lê thê ở Toronto, nhưng mùa đông nó lại trả thù tôi được đấy.

Không biết trên đời này có phép lạ chữa bệnh nào không, để yên tâm tôi điện cho ông bác sĩ quen thuộc của mình, già lắm rồi nhưng ông vẫn bắt điện thoại. “Giữ đầu gối bị thương cao lên và đừng đi với chân đó - ông ta khuyên - Đi với chân đó ít chừng nào thì mau lành chừng nấy”.

Hủy chuyến đi ư? Trễ quá rồi. Chúng tôi đi Việt Nam mà, dự định là đi chơi loanh quanh Hà Nội đôi ba bữa rồi leo núi băng rừng trên vùng Sa Pa. “Thế là tiêu tùng rồi!” - tôi bảo chồng. Ông có thể đi dạo dọc ngang Hà Nội, nhưng còn tôi thì đành bó gối ngồi quầy nhâm nhi rượu lý đen. Đây là thứ rượu nhà văn lớn người Anh Graham Greene thường khề khà bên nó những ngày ở Hà Nội.

May mắn thay, đấng mày râu của tôi không tỏ ra nao núng trước nghịch cảnh. Thuộc loại tháo vát mà. Tối hôm ấy ông mang về nhà một cái xe lăn xách tay rẻ tiền, loại xếp lại được dành cho du lịch. “Cái này được việc lắm đấy” - ông nói.

Tôi nghi lắm, nhất là khi đến Hà Nội. Thử hình dung 80.000 chiếc xe máy lao thẳng tới bạn... và bạn hiểu tôi muốn nói gì chứ. Xe cộ đi lại trông hãi quá sức. Lần đầu tiên bọn tôi tìm cách băng qua đường, mất toi cả nửa giờ đấy.

Nhưng chẳng mấy chốc bọn tôi học được phép “giao thông”. Chồng đẩy xe lăn, vợ ngồi trên, đi xuyên qua mấy chợ, qua mấy chùa. Chiếc xe lăn của tôi ngược xuôi, lên xuống, khá đồng điệu với các bạn xe máy, xe đạp, xích lô, taxi, và đôi khi những con thú bốn chân gây tắc nghẽn những cung đường nhỏ hẹp. Tôi cảm thấy mình được bảo vệ, tới một mức nào đó. Trên đời này, ai dám tàn sát một người đàn bà đã qua thời xuân sắc ngồi xe lăn? Thật vậy, sự tàn tật của tôi lại làm tan đi bao mối e ngại ban đầu. Đi đến đâu thiên hạ cũng nhìn chúng tôi rồi cười niềm nở. “Người ở đây thật thân thiện” - tôi đưa ra nhận xét.

Tôi nào có biết họ chẳng phải mỉm cười thoải mái với cảnh tôi ngồi xe lăn đâu. Họ mỉm cười với ông chồng tôi. Thật tình là phải mất một thời gian chúng tôi mới hiểu được tại sao.

Chồng tôi trông giống y chang ông Phật Di Lặc.

Di Lặc là một trong những vị Phật được yêu quí nhất khắp nước Việt Nam. Ông đại diện cho sự toại nguyện và sung mãn của cải. Cái đầu trọc, cái bụng to, đó là chân dung ngàn đời của ông. Bụng cũng được xem là nơi trú ngụ của tâm, và như thế cái bụng to là biểu tượng ẩn dụ cho lòng từ tâm rộng mở của Phật Di Lặc.

Một ngày nọ bọn tôi đi thăm một ngôi chợ quê, một người đàn ông xuất hiện, vỗ nhẹ lên bụng chồng tôi, rồi nói vài câu đùa cợt gì đó bằng tiếng Việt. Bọn tôi chẳng hiểu mô tê ông ta nói gì nhưng chồng tôi sốt sắng cười trả. Chẳng mấy chốc ai nấy xung quanh cười hở cả răng với bọn tôi. Những người đàn bà tươi cười bắt đầu xuất hiện bồng những đứa bé còn ẵm ngửa đưa cho bọn tôi xem. “Không thể tin được dân tình ở đây thân thiện dường nào” - tôi nói.

Sau đó bọn tôi biết được là có vận may to lắm mới vuốt được bụng ông Phật Di Lặc. Tin rằng sẽ mang lại cho bạn tiền bạc rủng rỉnh và làm ăn phát đạt. Phật Di Lặc cũng là Phật phù hộ trẻ em và người nghèo khổ.

Mặc dù hình dạng đấng mày râu của tôi bình thường hết chỗ nói, nhưng chàng ta trông có vẻ khác thường ở Việt Nam. Chẳng ai ở Việt Nam lại trọc đầu (ngoại trừ các sư sãi) nhưng chàng lại cạo nhẵn thín. Người Việt phần lớn thon thả nhưng chàng lại mang một cái bụng hơi bị “vừa phải”. Đèn bật sáng khi bọn tôi đến viếng một ngôi chùa, nơi đó có một pho tượng Phật Di Lặc. “Phật Di Lặc kìa, rõ ràng giống ông đấy” - người hướng dẫn du lịch nói đùa. Chồng tôi cười ha hả, đó không phải là lời khen ngợi sao?

Một ngày nọ bọn tôi dừng chân uống bia ở một cái quán lỏng chỏng vài chiếc ghế nhựa bày trên vỉa hè. Trao đổi vài nụ cười xong, người mẹ trẻ phục vụ bọn tôi vội vàng đi bồng đứa bé sơ sinh của mình và đặt nó ngay vào lòng chồng tôi. Toàn bộ gia đình nhà quán tụ tập xung quanh, em bé kêu ồ ề vui sướng. Đâu phải ngày nào bé yêu của mình cũng được Phật Di Lặc đích thân ban phúc!

Vài ngày sau đó ở bãi biển, một du khách bản xứ chạy đến và vỗ bụng chồng tôi một cách hơi bị nhiệt tình. “Phật Di Lặc! Phật Di Lặc!” - anh ta reo to, rồi ba chân bốn cẳng chạy đi tìm máy ảnh. Ở một nơi nào đó các chiến hữu của anh ta sẽ trầm trồ ngưỡng mộ những bức ảnh chụp nhanh trong chuyến đi nghỉ mát này, cho thấy anh ta đứng chụp chung với chồng tôi bên bờ biển.

Bây giờ tôi bắt đầu nhìn lại cái ông đầu ấp tay gối của mình dưới một thứ ánh sáng hoàn toàn mới mẻ. Có chết ma nào không nếu chàng của tôi không còn thon thả như ngày xửa, ngày xưa? Rồi thay vì cứ càu nhàu suốt ngày sao ông không chịu khó tập thể dục thể thao gì đó cho tôi nhờ, bây giờ tôi phải nhận ra là tôi được may mắn biết bao. Tôi đã lấy được một tấm chồng xứng đáng, đúng một người mang lại nào là vận may, nào là toại nguyện, nào là dư dật của cải cho mọi người. Y như Phật Di Lặc, chàng của tôi có tính khí thoải mái và dễ chịu. Cái bụng to phệ của chàng rõ ràng không phải là một nhược điểm. Nó giờ là một tài sản lớn.

Trong thời gian đó cái đầu gối của tôi đỡ hẳn ra. Nửa đường xuyên Việt, tôi có thể đi tới, đi lui được. Tôi chẳng còn cần chiếc xe lăn nữa và mang nó về lại Canada thì thật là vô nghĩa. “Đem nó tặng cho bệnh viện đi”, chồng tôi bảo, và tôi đồng tình. Thế là chàng ta lo sắp xếp việc giao “hàng”.

Bọn tôi hình dung chỉ có việc trao chiếc xe lăn ở cổng bệnh viện là xong. Nhưng có ai ngờ được là có cả một ủy ban đón tiếp, đưa vợ chồng tôi đến khu chữa trị ung thư. Giữa những bệnh nhân có một người đàn ông cụt cả hai chân và rất nghèo. Ông ta được chọn nhận chiếc xe lăn. Phải nói thật lúc đó trông ông ta vui mừng quá đỗi như thể chưa tin mấy vào vận may bất ngờ của mình. Vợ chồng tôi cũng cảm thấy sung sướng lắm. Một bác sĩ nói vài lời cảm ơn trang trọng rồi mọi người chúng tôi bắt tay nhau. Bây giờ thì tôi biết chuyện đời khá đủ để có thể hình dung ra điều mà những người trong đám đông có mặt đang nghĩ thầm. Chắc là Phật Di Lặc đã qua đây lần nữa.

H.KHÔI dịch

Thú thật, Wente viết bài báo này đọc thú vị chẳng khác sáng tác văn học. Nhưng tới đây xin mạn phép nói rằng đừng nhầm lẫn feature với tư cách là một thể loại báo chí với văn học.

Tim Harrower, tác giả quyển Inside Reporting - A Practical Guide to the Craft of Journalism (Viết báo nhìn từ bên trong – Hướng dẫn thực hành kỹ năng báo chí) xuất bản năm 2007, cho rằng khi viết feature các nhà báo đã vay mượn ít nhất bốn thủ pháp văn học từ các tiểu thuyết gia, bao gồm: (i) đối thoại sống động; (ii) xây dựng lại những cảnh có thật, được (iii) nhìn nhận qua nhãn quan và suy nghĩ của các nhân vật, trong khi (iv) thu lại những chi tiết thường thấy hàng ngày như y phục, vật dụng, cử chỉ, thái độ chứa đựng ý nghĩa biểu trưng cao nhất.

Như vậy, feature giống tác phẩm văn học ở chỗ có khả năng vẽ ra một bức tranh sống động về một vấn đề trong cuộc sống được người đọc quan tâm hoặc làm họ hài lòng hay xúc động. Tuy nhiên, feature không phải là văn học. Vốn là một thể loại báo chí, như Stein, Paterno và Burnett viết, feature “phải giữ lại các sự kiện. Viết feature không phải là viết tiểu thuyết cho dù nhà báo viết feature có được sự tự do rộng rãi trên con đường thể hiện bài báo của mình”.

Đến đây, hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện buồn của một cây bút được xem là tài danh của một nhật báo thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Với nhiều bài sống động dạng feature về nhân vật, nhà báo này đã gây dựng được tên tuổi của mình. Nhưng rồi, sự nghiệp cầm bút đó tan thành mây khói khi người ta phát hiện ra một bài báo của anh không phải feature (nghĩa là phải dựa trên các sự kiện có thật) mà lại là một tác phẩm văn học, sản phẩm của trí tưởng tượng!

Xin được trích nguyên văn một đoạn diễn giải của Tim Harrower về feature. Theo chúng tôi, đây là lời giải thích thú vị giúp chúng ta trả lời được câu hỏi làm thế nào để xác định một bài báo có phải feature hay không. Ông viết như sau: “Nhiều người hoài cổ cứ xem tin tức (news) và feature như thể đó là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Họ cứ khăng khăng rằng news viết về những sự kiện nghiêm túc (có nghĩa là báo chí đứng đắn), trong khi feature đề cập đến những thứ tạp nhạp còn lại (có nghĩa là báo chí giải trí). Ôi trời! Nói như vậy có phần hơi đơn giản. Nhà báo thường gặp khó khi phân biệt đâu là tin tức, đâu là feature. Tin tức thường chú mục vào các sự kiện thời sự và có tính chất công chúng (public): chính quyền, tội phạm, thảm họa. Còn feature thường viết về các vấn đề ít có tính chất tức thời hơn, và liên quan đến cá nhân nhiều hơn: xu hướng, quan hệ, tiêu khiển. Tin tức cho độc giả  biết chuyện gì đang xảy ra; feature gửi đến độc giả lời khuyên, trình bày các ý tưởng, khiến họ bật cười hay bật khóc”.

Có lẽ chúng ta chẳng lạ gì với định nghĩa tin tức hơi “thậm xưng” nhưng rất dễ hiểu sau đây: Một con chó cắn người, đó không phải là tin tức; nhưng khi một người cắn chó, đó chính là tin. Đến đây xin lại mượn lời Tim Harrower khi ông cũng nói về câu chuyện liên quan đến chó, ngườicắn. Ông viết: “Một chủ bút khuyết danh có lần nhận xét rằng khi một con chó cắn một người đàn ông, đó là tin tức. Con chó chạy nhanh như thế nào là thể thao. Quá trình kiện tụng xảy ra sau đó là kinh doanh. Còn người đàn ông cảm thấy thế nào khi con chó cắn ông ta, vì sao nạn nhân chó cắn người đang hoành hành, hoặc những điều đầu tiên cần phải làm khi bị “cẩu xực” lại là… feature!”.

Nhưng một bài báo có phải là feature hay không, hay feature có phải là “phóng sự” hay không, cũng chẳng có gì quan trọng. Quan trọng hơn, đối với một nhà báo, là bài báo của minh có ở lại được với độc giả hay không.

 (*) Anh Nguyễn Vạn Phú, Thư ký Tòa soạn TBKTSG cho thêm định nghĩa về feature trong báo chí. Theo anh, feature còn có nghĩa là “chuyên đề”. Nhận xét này của anh Phú có vẻ thuyết phục theo cách tờ Fortune (báo ra một tháng hai lần chuyên về kinh doanh) sử dụng chữ feature trong phần mục lục của họ.

Sơn Tùng

Nhà báo viết về nghề báo

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật