Băng rộng di động - “Dịch vụ xa xỉ” hay “Nhân quyền”?
(ICTPress) - Đây là một trong chủ đề quan trọng được thảo luận tại “Social Good Summit” (tạm dịch: Hội nghị thượng đỉnh một xã hội tươi đẹp) của Liên Hiệp Quốc mới đây nhằm mục đích bàn về phương hướng và cách thức phát triển băng rộng di động trong tương lai, với người điều phối là Tổng biên tập tờ Mashable, ông Lance Ulanoff Moderating cùng với sự tham gia của Chủ tịch tập đoàn Ericsson, ông Hans Vestberg và ông Hamadoun Touré, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).
Câu hỏi chính được đưa ra tại Hội nghị là chúng ta nên xem băng rộng đi động là một loại dịch vụ xa xỉ hay cần được hiểu là yếu tố cơ bản của cuộc sống hiện đại, một phần của “nhân quyền”. Hầu hết những người tham gia Hội nghị đều cho rằng dịch vụ băng rộng trong tương lai cần được phát triển như là một điều kiện tất yếu mà bất cứ người dân nào cũng phải đươc tiếp cận và sử dụng.
Tổng thư ký ITU Hamadoun Touré (trái), CEO Ericsson Hans Vestberg (giữa) và biên tập viên Mashable Lance Ulanoff tại Social Good Summit của Liên hợp quốc phân tích sự phát triển băng rộng di động toàn cầu |
Chủ tich Tập đoàn Ericsson Hans Vestberg cho biết kết nối băng rộng di động luôn có vai trò trung tâm trong cuộc sống hiện đại; tuy vậy thực tế hiện nay cho thấy dịch vụ này đang tập trung vào một bộ phận dân số nhỏ nhưng có nhiều đặc quyền hơn so với tổng dân số toàn cầu. Ông Vestberg cũng nhấn mạnh mối tương quan giữa dịch vụ băng rộng di động với sự phát triển kinh tế bởi theo một báo cáo gần đây được thực hiện trên toàn thế giới đã chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng băng rộng di động tăng thêm 10% sẽ tạo ra 1% tốc độ phát triển GDP bền vững.
Ông Hans Vestberg và Tổng thư ký Touré đều đang giữ vai trò trong Ủy Ban Băng rộng di dộng của Liên Hợp quốc về Phát triển số hóa và tổ chức này mới đây đã công bố báo cáo về “Tình trạng băng rộng di động năm 2012” (The State of Broadband 2012). Bản báo cáo đã phân tích về tình hình phân bố hiện tại của băng rộng di động trên thế giới và đưa ra các chiến lược để tăng cương khả năng kết nối, chủ yếu qua smartphone. Bản báo cáo cũng đã chỉ ra “khoảng cách số” đang dần bị thu hẹp lại. Vào năm 2002, dự báo có khoảng 8% dân số thế giới kết nối trực tuyến trên Internet. Đến năm 2012, con số này đã tăng lên 33% và hầu hết sự tăng trường đều đến từ khu vực châu Á.
Thế giới đang chứng kiến xu thế phát triển mạnh mẽ của việc gia tăng sử dụng các thiết bị kết nối thông minh với việc ứng dụng dịch vụ dữ liệu tăng đột biến, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Xu thế này cho thấy băng rộng di động sẽ phát triển và trở thành một dịch vụ cơ bản giúp kết nối và mang lại tiện ích cho các cư dân hiện đại trên toàn cầu. Hiện nay, 1 tỷ người trên toàn thế giới đã đăng ký sử dụng băng rộng di động. Theo dự báo con số này sẽ nhảy vọt lên 5 tỷ người trong vòng 5 năm tới.
Một vài dự báo để làm rõ hơn xu thế này cũng được các chuyên gia đưa ra như dự báo số người dùng kết nối Internet tại Trung Quốc sẽ vượt số lượng người sử dụng tiếng Anh vào năm 2015. Tổng số smartphone trên thế giới được dự đoán sẽ đạt 3 tỷ vào năm 2017, và vào năm 2020, số lượng kết nối giữa các thiết bị có thể vượt qua số lượng kết nối giữa người với người theo tỉ lệ 6:1. Quy mô của ngành công nghiệp Internet của các nước G20 đã đạt 2,3 nghìn tỉ USD trong năm 2010, tương đương với 4.1% tổng GDP của họ, và con số này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2016 theo dự đoán của Tập Đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group).
Tuy nhiên, việc kết nối 2/3 thế giới còn lại vẫn đang sử dụng các dịch vụ chưa được kết nối (offline) với các dịch vụ băng rộng di động đòi hỏi những cách tân trong suy nghĩ và đổi mới trong việc triển khai. Bản báo cáo của ITU của Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra và phân tích một số mô hình triển khai thành công của việc phát triển ứng dụng di động băng rộng trên thế giới. Theo thống kê, trong thời điểm hiện tại, 199 nước trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ đã có chương trình Băng rộng di động quốc gia, khoảng hơn 12 nước hiện đang trong giai đoạn lên kế hoạch.
Theo ông Hans Vestberg, việc kêu gọi sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân sẽ là một trong những cách làm quan trọng để có thể thu hút thêm vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Ông cũng chia sẻ rằng rất nhiều nước trên thế giới hiện nay đang tìm kiếm nguồn đầu tư tư nhân và đưa ra các mục tiêu chính thức, từ đó hiện thực chiến lược về số hóa tại quốc gia họ.
Tổng thư ký ITU Hamadoun Touré, cũng chia sẻ thêm: “Chúng ta cần đảm bảo rằng dân số trên thế giới sẽ được kết nối với các ứng dụng online cơ bản, giúp họ có thể tiếp cận với các chương trình kiểm tra sức khỏe, giáo dục tốt hơn và phát triển kinh tế và xã hội một cách bền vững hơn”.
Minh Anh