Triển lãm ảnh đen trắng "Nhật Bản - Phát triển thần kỳ sau Thế chiến"
(ICTPress) - Vào năm 1945, Nhật Bản kiến thiết lại đất nước với xuất phát điểm là nước bại trận và bị tàn phá sau Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, chỉ sau 20 năm hoặc gần như thế, nền kinh tế, xã hội, và văn hóa của quốc gia này đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Thật khó để mà xác định đâu là điểm thời gian kết thúc của thời hậu chiến, nhưng trong triển lãm “Nhật Bản: Phát triển thần kỳ sau Thế chiến, 1945 - 1964” các nhiếp ảnh gia Nhật Bản đã lấy khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm của Thế vận hội Tokyo Olymbics, 1964.
Vào thời gian này, Shinkansen, tàu tốc hành Nhật Bản được đưa vào sử dụng, lợi nhuận quốc gia tăng lên gấp đôi kéo theo sự phát triển của chất lượng quốc gia, trang thiết bị gia dụng như tivi, máy giặt, tủ lạnh được tiêu thụ với số lượng lớn. 11 nhiếp ảnh gia trong triển lãm này là những người năng động quan sát giai đoạn biến động mạnh mẽ này.
Những tác phẩm đen trắng của của các nhiếp ảnh gia ghi lại sự chuyển biến của xã hội và có ý nghĩa quan trọng về mặt nghệ thuật nên đã trở thành những tài liệu quan trọng.
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cùng với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam hân hạnh mang đến cho khán giả Việt Nam triển lãm “Nhật Bản: Phát triển thần kỳ sau Thế chiến, 1945 - 1964” từ ngày 17/10 đến 22/12 tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Đây là lần đầu tiên triển lãm này đến với các nước vùng Đông Nam và Nam Á để giới thiệu 123 bức ảnh đen trắng của 11 nhiếp ảnh gia trứ danh của Nhật Bản. Triển lãm giúp khán giả nhìn lại xã hội Nhật Bản với năng lượng dồi dào và đầy óc sáng tạo trong giai đoạn chuyển mình sau Thế chiến 1945 - 1964.
Những nhiếp ảnh gia có tác phẩm trong triển lãm lần này bao gồm Ken Domon, đây có lẽ là nhiếp ảnh gia Nhật Bản nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 bởi chủ nghĩa hiện thực lý tính. Tiếp theo đó là Ihee Kimura, một người cũng theo đuổi chủ nghĩa hiện thực khác với Ken Domon bởi tính duy mỹ khác biệt, Hiroshi Hamaya, với những bức ảnh về khí hậu và môi trường của những vùng núi và những ngôi làng có cư dân sinh sống, và Tahahiko Hayashi, người chụp ảnh chân dung tuyệt mỹ. Shigeichi Nagano, Ikko Narahara, Kikuji Kawada, Shomei Tomatsu và Yasuhiro Ishimoto, lại là một thế hệ nhiếp ảnh gia trẻ và Eikoh Hosoe và Takeyoshi Tanuma, là hai nhiếp ảnh gia đề cao tính sáng tạo trong từng bức ảnh.
Ban tổ chức Triển lãm cho biết với sự cuốn hút và sức mạnh đã được khẳng định của triển lãm sẽ làm cho quý vị khán giả hài lòng khi thưởng thức những bức ảnh mà thông qua đó, 11 nhiếp ảnh gia đã chuyển tải những nhận định về một giai đoạn xã hội của Nhật Bản thời hậu chiến.
Triển lãm sẽ bắt đầu tại Tp. Hồ Chí Minh vào lúc 09h00 từ ngày 17 - 29/10 tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh (92 Lê Thánh Tôn, Quận 1), sau đó sẽ đến Hà Nội vào 18h00 từ ngày 20 - 29/11 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền và cuối cùng là Đà Nẵng vào 17h00 từ ngày 13 - 22/12 tại Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa Đà Nẵng (78 Lê Duẩn). Triển lãm vào cửa tự do.
Bảo Ngọc