Văn hóa đọc giảm sút?
(ICTPress) - Hôm nay, ngày 10/10, kỷ niệm 60 năm ngành Xuất bản - In - Phát hành Sách (10/10/1952 - 10/10/2012).
Ảnh: zagvillage.org |
Nhân dịp này nhiều nhà khoa học, quản lý văn hóa, chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến văn hóa đọc đã có những ý kiến trao đổi tại một Hội thảo khoa học xung quanh vấn đề văn hóa đọc Việt Nam có giảm sút trong thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông?
Đọc chính là học tập và truyền bá tri thức của nhân loại. Khi kho tàng tri thức ấy không ngừng được bổ sung, ngày càng lớn lên cùng với thời gian thì văn hóa đọc cũng phát triển mạnh mẽ không ngừng. Với kho trí thức khổng lồ mỗi người đọc cả đời cũng không hết.
Thực tế cho thấy, dù xã hội phát triển đến đâu, văn hóa đọc giữ vai trò quan trọng, cần thiết đối với mỗi con người. Văn hóa đọc gắn liền với sự ra đời của chữ viết và có những đặc trưng riêng biệt vì thế không có hình thức nào để thay thế được nó. Quá trình đọc là quá trình hấp thụ tri thức qua cảm nhận của người đọc. Trong quá trình đọc, con người phải suy nghĩ, phân tích tổng hợp, tư duy biến tri thức của nhân loại thành tri thức của riêng mình. Có thể nói, văn hóa đọc giữ vai trò chủ chốt trong quá trình học tập, quá trình nhận thức của mỗi người chúng ta.
Trong sự phát triển chung của xã hội, do nhiều yếu tố tác động, văn hóa đọc có thể thay đổi qua nhiều giai đoạn. Ngày nay, với nhịp sống hiện đại, thời gian của con người ngày càng eo hẹp, có ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đọc. Bên cạnh đó, các phương tiện nghe nhìn phát triển rất mạnh, các hình thức giải trí đa dạng, hấp dẫn thường xuyên xuất hiện đã khiến cho người ta dần ngại đọc sách, xa rời văn hóa đọc.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sách và Thương mại Hà Nội, nói đến "văn hóa đọc" phải được hiểu một cách toàn diện bằng nhiều hình thức, chứ không chỉ cứ đọc sách mới gọi là đọc. Hiện nay, đang tồn tại một số loại hình đọc chủ yếu sau: Đọc sách, báo, tạp chí in trên mọi chất liệu, chủ yếu chất liệu giấy; Đọc sách trên mạng, sách điện tử; Đọc thông tin qua báo mạng; Tra cứu thông tin trên Internet…
Qua nhiều năm làm công tác phát hành sách và thực tế trong xã hội hiện nay, bà Hiền cho rằng có 5 đối tượng có nhu cầu đọc gồm: Trẻ em từ bé đến tuổi teen, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên thích được đọc sách ; Nhóm người thuộc mọi lứa tuổi đam mê học tập, nghiên cứu, tìm tòi có nhu cầu hiểu biết, mở mang kiến thức; Nhóm người làm công tác nghiên cứu, nhà quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh sinh viên do nhu cầu công tác, học tập bắt buộc phải đọc; Nhóm người kinh doanh có nhu cầu đọc thông tin kinh tế, chính trị, kinh nghiệm kinh doanh… do nhu cầu sản xuất kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp buộc họ phải tìm hiểu và Nhóm người đọc để thỏa mãn nhu cầu giải trí.
Từ phân tích trên, bà Hiền khẳng định văn hóa đọc càng ngày càng đi lên.
Dẫn chứng một ví dụ, bà Hiền cho biết tháng 7 vừa qua, tại Hiệu sách Thăng Long của công ty, Tổng công ty sách cùng nhà xuất bản Trẻ tổ chức gặp gỡ, giao lưu và tặng chữ ký của tác giải Nguyễn Nhật Ánh với các độc giả nhan sự kiện ra mắt tác phẩm "Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ". Thời gian được thông báo từ 9 giờ sáng nhưng độc giả mọi lứa tuổi của thủ đô, có cả những phụ nữ mang bầu đã có mặt từ hơn 7 giờ, xếp hàng rất thứ tự kéo dài hàng trăm mét từ hiệu sách Thăng Long đến tận Hiệu kem Tràng Tiền, trong cảnh thời tiết oi bức gần 40o để chờ được mua sách và giao lưu cùng tác giả. Nhìn cảnh đó, không ai không khỏi xúc động và khẳng định văn hóa đọc không phải đi xuống mà chính là thực trạng "thiếu", "đói" các tác phẩm văn học "hợp khẩu vị" với độc giả.
TS. Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cho biết một thực tế khi chứng kiến những ngày hội sách và đọc sách nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới được tổ chức giữa lòng thủ đô Hà Nội ngày 24/3/2012 thì mới thấy được thái độ trân trọng của đông đảo bạn đọc dành cho sách. Không gian văn hóa đọc được tôn vinh. Khái niệm tuổi trẻ quay lưng với sách và lười đọc sách dường như không đúng trong không gian văn hóa này.
"Bài toán đặt ra với những người làm công tác tư tưởng - văn hóa, các nhà nghiên cứu quản lý văn hóa… là đề xuất giải pháp khả thi nào để tôn vinh Sách và văn hóa Đọc hiện nay?", Bà Hồng cho biết ý kiến.
Đồng quan điểm là cần phải có giải pháp, bà Nguyễn Thị Minh Hiền cũng đặt ra ý kiến "chúng ta làm thế nào để lành mạnh hóa việc đọc, tạm dùng "văn hóa trong văn hóa đọc".
Minh Anh