Điện thoại
1 Con trai vào cấp III, nó nằn nì một chiếc điện thoại di động để tiện việc thông tin đưa đón. Và dĩ nhiên nó đúng, một phần vì điện thoại di động rất thuận tiện, một phần vì giờ đây gần như cả lớp của nó đứa nào cũng sở hữu một chiếc.
Minh họa: Vũ Đình Giang |
Có điện thoại thì dễ nhưng sử dụng nó không đơn giản.
Có lần tôi bị cô giáo chủ nhiệm mời đến trường vì con tôi sử dụng điện thoại trong giờ học và bị cô tịch thu. Tôi phải cam kết sẽ nhắc nhở nó nhưng tôi vẫn bị cô “nhắc nhở” thêm lần nữa vì chuyện này. Có lần cả nhà tôi khó chịu vì thằng con chạy ra ngoài nghe điện thoại lâu đến bỏ cả bữa cơm đang ăn dở. Có lần thằng con phải “giải trình” với mẹ nó lý do vì sao không dọn dẹp phòng, nó bỏ ngang vì “có điện thoại” và dĩ nhiên cuộc điều tra của mẹ nó cũng bị ách lại với hiện trường phòng ngủ bốc mùi của nó.
Mặc dù nó là người sử dụng điện thoại trực tiếp nhưng chủ thuê bao của chiếc điện thoại ấy là chúng tôi, việc trả tiền cho sản phẩm thông tin tiện ích này đã biến vợ chống tôi trở thành “khổ chủ” khi con trai lúc nào cũng sử dụng vượt ngưỡng ngân sách tài chính được cấp.
2 Thời buổi bây giờ cái gì cũng diễn ra một cách nhanh chóng, thậm chí người ta còn tìm cách nhảy cóc, “đi tắt đón đầu” để có thể bắt kịp với tốc độ cuộc sống. Từ một gã nhà quê sợ độ cao, tôi bây giờ có thể len lỏi trên cầu thang cuốn, bất kể đã va chạm vào ai và bỏ ngoài tai những lời càu nhàu của họ để tranh thủ thêm một ít thời gian. Tôi cũng không ngại chen lấn với những người yếu sức hơn và cố thủ đôi chân vững chãi của mình trên xe buýt để kịp giờ đến chỗ làm. Tôi vô tình giậm đôi giày đầy bùn lên hành lang vừa lau thay vì phải chịu khó dừng lại một chút ở tấm thảm chùi. Tôi sung sướng rất nhanh với các tiện nghi cuộc sống nhưng quên mất phải học cách hưởng thụ nó như thế nào.
Sếp tôi trong một lần trò chuyện riêng tư, ông bảo: “công ty mình cái gì cũng tốt, chỉ có vấn đề sử dụng điện thoại công ty cho việc cá nhân, lúc thì nói chuyện riêng lâu quá mức, lúc thì để chuông trong cuộc họp hay gặp đối tác, lúc thì… cãi vã qua điện thoại quá to, lúc thì chậm trả tiền khiến giấy nhắc thu phí bay về công ty tới tấp…”. “Nhưng đó là chuyện cá nhân mà”. “Đành rằng vậy nhưng mình có thể bị đánh giá qua những chuyện như vậy đấy!”. Hình như không chỉ có thằng con tôi không biết sử dụng điện thoại.
3 Con trai tôi thông báo lớp nó có một đưa chuẩn bị đi du học, vợ tôi thở dài: “Trời ơi! Vậy là mẹ nó buồn lắm đây, ngày nào cũng tận tay chăm sóc nó, bây giờ lâu lắm mới được gặp mặt nó”. “Mẹ ơi! Con thấy nó vui lắm, mai mốt con lớn lên cũng phải đi học, đi làm suốt vậy, có khi con đi sáng sớm thì mẹ chưa dậy, con về tối mịt thì mẹ đã ngủ rồi, cả tuần biết đâu còn không gặp mặt nữa là. Hơn nữa bây giờ có điện thoại rồi, có gì mẹ con minh ới nhau một tiếng là được rồi”.
Tôi nhìn thằng con đang lớn nhanh như thổi của mình và hỏi nó: “Vậy theo con, một khi có điện thoại rồi thì chúng có thể mạnh dạn mà xa nhau phải không?”. Có một chút khựng lại trong thái độ của nó, hẳn nó cũng thấy có gì đó không ổn. “Thế mà bố vẫn cho rằng điện thoại là chiếc cầu nối cho các mối quan hệ hơn là phương tiện để cổ vũ cho việc xa nhau. Ngoài việc trao đổi thông tin, bố còn muốn con dùng điện thoại để chúc mẹ một câu nhân ngày sinh nhật mẹ, để con không lười biếng hay lảng tránh việc gặp gỡ người thân. Và con chỉ có tài khoản đủ để sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn thì con còn phải học thêm cách chọn lựa những điều ưu tiên cho các cuộc gọi này. Con làm được việc này chứ?”.
Theo Vân Cơ
Tuổi trẻ cuối tuần 28.8.2011