TBT báo Lao động - Xã hội và tạp chí Gia đình & Trẻ em: phải vừa chạy vừa... ngó nghiêng
"Bạn cứ tưởng tượng, tôi làm tổng biên tập hai tòa soạn, phải trả lương cho khoảng 100 người. Như vậy thì một tháng tôi phải kiếm ra khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi mới có thể đủ trang trải."
Khá tò mò khi biết anh là Tổng biên tập duy nhất đoạt giải trong Giải báo chí Quốc gia năm 2011 vừa qua mà lại ở thể loại phóng sự điều tra, bút kí, tôi đã gặp anh ngay sau kỳ trao giải.
Cuộc trò chuyện với nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thành Phong đầy thú vị. Hiện là tổng biên tập một tờ báo, một tờ tạp chí, anh trải lòng về công việc của người làm quản lý với nhiều áp lực, thách thức trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Thành Phong tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. |
Uy tín của tờ báo là danh hiệu của Tổng biên tập
+ Tôi ấn tượng về loạt tác phẩm 2 kỳ "Cuộc giải cứu của lòng người" và "Bay trong bão cát" vừa đoạt giải B giải báo chí Quốc gia và càng bất ngờ khi đó là tác phẩm của một tổng biên tập bận rộn như anh?
- Đó là một sự kiện rất lớn và quan trọng mà tôi là người trực tiếp đi tác nghiệp. Đã giao nhiệm vụ cử người tham gia với những yêu cầu về năng lực, ngoại ngữ, sức khỏe... nhưng Ban Phóng viên không lựa chọn được ai để yên tâm. Tác nghiệp ở chuyến đi này là bất thường, phải theo sát chiến dịch giải cứu hơn 10 ngàn lao động Việt Nam làm việc tại Libya đang bời bời chiến sự... Không có ai có thể đi được... thì tổng biên tập phải đi thôi... Và khi đi làm phóng viên ở sự kiện này, tôi mới nhận ra rằng, quyết định mình tham gia là rất đúng... Nếu không có kinh nghiệm và một chút vốn ngoại ngữ thì không thể xử lí được những tình huống khó khăn và khó hoàn thành nhiệm vụ.
+ Giải thưởng là cách ghi nhận giá trị sức lao động của người viết. Anh nghĩ gì về danh hiệu của người làm báo đằng sau những con chữ?
- Nói thực, tôi nghĩ rằng một tờ báo phát triển tốt thì phải có những phóng viên bình thường đoạt giải báo chí chứ không phải là lãnh đạo tờ báo. Vinh quang của một tờ báo chính là ở đó. Tổng biên tập đã là người quản lý thì phải tập trung lo nhiều việc khác chứ đâu thể chẻ nhỏ mình ra để lăn lộn với nghề viết mãi được. Người phóng viên cần danh hiệu từ bài viết, nhưng người lãnh đạo thì khác. Tờ báo của anh chính là danh hiệu của anh. Tờ báo của anh dưới sự quản lí của anh được bạn đọc biết đến, có vị trí trong lòng công chúng...và đó mới là danh hiệu lớn nhất của người tổng biên tập. Tình huống đi tác nghiệp và có tác phẩm đoạt giải vừa rồi quả thực là...vạn bất đắc dĩ đối với tôi.
+ Nhưng tôi nhớ nhà báo lão thành Hữu Thọ có nói rằng: Làm tổng biên tập bận, ít thời gian nhưng đã làm báo thì phải viết. Viết được thì nói anh em mới nghe. Trong đời người ta nhớ cây bút chứ ai nhớ lãnh đạo tờ báo. Anh nghĩ sao?
- Quả đúng như vậy. Mà hay hơn cả vẫn là bản thân người lãnh đạo trưởng thành từ một cây bút, từ một phóng viên, phải viết, phải vật lộn với nghề, với con chữ... Bản thân tôi, long đong với nghiệp báo, là phóng viên nhiều năm, chuyển hết cơ quan này đến cơ quan khác, ở nhiều vị trí khác nhau, tôi thấu hiểu sự nhọc nhằn của nghề nghiệp nên càng hiểu và cảm thông với phóng viên của mình hơn. Người quản lí kinh qua những công việc của người viết sẽ đánh giá đúng năng lực và biết nuôi dưỡng những sáng tạo của phóng viên. Đó là cách đẩy tờ báo đi lên, phát triển trong bối cảnh cần thiết phải có bản sắc, có lối đi riêng và có sự sáng tạo như hiện nay. Kì thực không mấy khi người ta nhớ đến người lãnh đạo tờ báo cả. Tôi không biết ông tổng biên tập là ai nhưng tôi thấy thời gian này, giai đoạn này tờ báo này có khá hơn, có nổi bật hơn... Như thế là hạnh phúc rồi.
Tổng biên tập mà không có khả năng tức là ngồi nhầm ghế
+Tôi nghĩ về nghề tổng biên tập quả thực nhiều người mơ ước, danh vọng có, tiền bạc có, thưa anh?
- Đó chỉ là hình thức bề ngoài. Phải nói rằng, nghề tổng biên tập hiện nay là một nghề khó. Bởi vì báo chí hiện nay chịu sự cạnh tranh rất lớn. Thời nay là thời của những cơn lốc truyền thông, thông tin bủa vây người đọc, đuổi theo người đọc để giành giật công chúng. Làm tổng biên tập chúng tôi đâu chỉ đuổi theo mà nói thực, phải vừa chạy vừa ngó nghiêng đấy. Ngó nghiêng ở đây là phải làm sao để phát triển kinh tế báo chí, nâng cao chất lượng đời sống nhân viên. Bạn cứ tưởng tượng, tôi làm tổng biên tập hai tòa soạn, phải trả lương cho khoảng 100 người. Như vậy thì một tháng tôi phải kiếm ra khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi mới có thể đủ trang trải.
+ Một tỷ đồng bằng nghề... buôn thông tin mỗi tháng ở một tờ báo ngành, trong tình hình hiện nay ư?
- Đó mới là khó chứ. Với một doanh nghiệp kinh doanh thì con số này không khó nhưng bán thông tin để có con số lãi như thế quả thực là một gánh nặng với một tổng biên tập. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà khó khăn gõ cửa từng tòa soạn, áp lực của người lãnh đạo càng lớn, tổng biên tập như chúng tôi phải lao tâm khổ tứ với công tác quản lý và hơn hết phải lo cho cuộc sống, đảm bảo cuộc sống cho phóng viên, để họ yên tâm, chuyên tâm vào nghề viết. Thế nên rất nhiều người mơ ước công việc tổng biên tập nhưng nếu người không có đủ khả năng mà ngồi trên chiếc ghế này thì tức là đã ngồi...nhầm ghế. Tòa soạn đó sẽ lụn bại, không phát triển được. Sự phát triển của tòa soạn, vai trò quyết định chính là người đứng đầu.
+ Xin cảm ơn anh!
Hà Vân (thực hiện)
(Theo Công luận)