Bảo vệ keo lá tràm ở Quảng Nam - Chính quyền phải nhanh có biện pháp
(ICTPress) - Vài năm trở lại đây, người nông dân nói chung và ở Quảng Nam nói riêng có thêm một nguồn thu mới đáng kể đó là thu từ rừng trồng mà chiếm ưu thế nhất vẫn là keo lá tràm.
Đây là giống cây đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và miền núi thật sự. Có khá nhiều hộ phất lên từ việc trồng rừng hoặc môi giới, buôn bán gỗ keo lá tràm. Cứ khoảng 5 giờ chiều mãi đến tận khuya, trên các tuyến quốc lộ của tỉnh Quảng Nam, các xe tải trọng lớn chở keo nườm nượp chạy về hướng cảng Tiên Sa hoặc cảng Kỳ Hà - hai nơi tiêu thụ keo chính của khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng.
Hiện tại, ở Quảng Nam, với hơn 30.000 ha rừng keo lá tràm. Hằng năm diện tích khai thác khoảng trên 6.000ha. Với sản lượng keo khoảng 70 tấn/ha và giá bán hiện tại 960.000đ/tấn thì ước mỗi năm số tiền thu được từ keo của tỉnh hơn 400 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng đối với một tỉnh nông nghiệp còn nghèo ở miền Trung.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh thu của người trồng keo còn khá thấp so với người môi giới hay buôn bán mặt hàng này. Có hai kiểu mua bán keo phổ biến bây giờ đó là: chủ rừng bán khoán diện tích cho thương lái; hoặc chủ rừng tự khai thác rồi bán khối lượng cho thương lái.
Đối với cách bán khoán diện tích thì chủ rừng thường bị ép về khối lượng vì các thương lái muốn chắc ăn nên thường “cóp” (định mức sản lượng) rất thấp. Còn đối với cách bán khối lượng thì chủ rừng tự khai thác, ra qui cách rồi bán cho thương lái chở đến nhà máy xay xát để bán lại. Điều khuất tất ở đây là không có cân cỡ lớn để cân tại chỗ mà thường các chủ rừng giao cho thương lái bỏ hàng lên xe tải chở thẳng đến nơi tiêu thụ bán. Sau đó, các thương lái mang hóa đơn bán hàng về để làm chứng từ thanh toán lại cho chủ rừng theo đơn giá thỏa thuận. Đây là một kẽ hở khá lớn để một số thương lái có cơ hội ăn chặn của chủ rừng.
Thứ nhất, khi chuyển gỗ lên xe tải rồi thì chỉ có tài xế và thương lái áp tải xe đi còn chủ rừng thì không đi theo. Do đó, việc thất thoát khối lượng dọc đường đi là điều khó tránh khỏi.
Thứ hai, khi đến nơi rồi, thương lái vẫn có thể kê khai khối lượng “ma” hoặc thỏa thuận giá cao hơn với nơi tiêu thụ nhưng hóa đơn thì ghi thấp hơn nhiều để về làm cơ sở thanh toán với chủ rừng.
Tôi có anh bạn làm nghề tài xế nên anh hiểu rất rõ những hành vi tinh quái này. Anh cho biết, thông thường khối lượng gỗ chở trên xe thường vượt xa so với tải trọng cho phép. Chẳng hạn, xe tải trọng 5 tấn có thể chở hơn 15 tấn. Các thương lái thường chở đi ban đêm là để cây chặt từ sáng sẽ bay hơi nước nên giảm trọng lượng đáng kể; đồng thời dọc đường, bằng nhiều biện pháp trong nghề, họ có thể qua mặt được các trạm gác giao thông. Sau đó, gần đến nơi thì họ lại bỏ bớt cây ra nhưng phun nước vào để tăng khối lượng. Anh này cho biết, việc “hao hụt” khối lượng giữa mua của chủ rừng với bán cho nơi tiêu thụ khoảng 10 - 15% là chuyện bình thường, còn “làm giá” để ghi trên hóa đơn thì chênh nhau khoảng 2 - 5% tùy lúc. Như vậy, việc chủ rừng bị “hao hụt” gần 20% so với giá trị thực là hết sức bình thường.
Tuy nhiên, các chủ rừng không phải không biết điều này nhưng cũng phải phó mặc để thương lái ăn chặn vì nếu đi áp tải theo xe cũng chẳng lợi lộc gì. Sở dĩ như vậy là vì khi đó thương lái lại giở bài chung chi cho công an giao thông hoặc “đẻ” ra nhiều chi phí ăn uống, ngủ nghỉ dọc đường cũng tốn không kém khoảng “hao hụt’ đó (cái này thì người nông dân chân lấm tay bùn làm sao biết được có hay không?!!!). Anh Tr.V.T ở Bình Lâm, Hiệp Đức cho biết, anh đã thử đi cùng thương lái 2 chuyến nhưng mỗi chuyến anh phải chi đến hơn 1 triệu (hơn 1 tấn keo). Thế nhưng khi đến nơi anh cũng chỉ được ngồi ngoài để thương lái vào làm việc với nhà máy. Do vậy mà các chủ rừng chịu ngậm bồ hòn làm ngọt để chấp nhận thu được chỉ hơn 80% thành quả trồng rừng của mình.
Đó mới chỉ là thiệt hại mà chủ rừng gánh chịu. Còn phần thiệt hại lớn hơn đó là tình trạng các xe chở quá tải nối đuôi nhau chạy nườm nượp bất kể nắng mưa đã phá nát các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ của tỉnh. Nhiều tuyến đường mới thi công xong nhưng nhanh chóng xuống cấp vì không chịu nổi tải trọng này. Ai đã từng đi trên tuyến đường từ chợ Việt An (Hiệp Đức) lên thị trấn Trà My (Bắc Trà My) thì sẽ xót xa điều này - một tuyến đường nhựa mới hoàn thành chưa đến mười năm nhưng đã bị băm nát, nhiều đoạn giống như đường đất. Bên cạnh đó thì vấn đề an toàn giao thông cũng phức tạp không kém khi các tài xế tranh nhau chạy để kiếm thù lao theo khối lượng.
Ngoài ra, việc khai thác hàng loạt cùng lúc đã làm xói mòn đất rừng và khô hạn cục bộ tại một số địa phương. Anh Trương Văn Đào ở Tiên Sơn, Tiên Phước cho biết, tại địa phương anh, trước đây các giếng đào không bao giờ khô mạch mặc cho nắng hạn, nhưng mấy năm trở lại đây thì bị khô mạch giếng rất nhiều nên trong mùa nắng, chuyện dùng nước sạch đã thành vấn nạn của người dân nơi đây.
Từ những thực trạng trên, thiết nghĩ, việc nâng cao nhận thức người dân, đồng thời chính quyền địa phương phải nhanh chóng có biện pháp quản lý, hỗ trợ kịp thời để bảo vệ tốt môi trường và đảm bảo quyền lợi của người trồng keo lá tràm đồng thời đảm bảo đời sống an sinh xã hội là điều hết sức cần thiết.
Cách Tân