Mojo: phóng viên mobile
Tháng 6-2000, từ Pháp tôi gửi một bài viết về Tuổi Trẻ với tiêu đề "Phóng viên email". Ngày đó, trong vai thực tập sinh tại một tòa soạn báo điện tử đặt tại Paris, tôi đã hạnh phúc mô tả công việc (khi đó tôi cho là "phi thường") của người phóng viên những năm đầu tiên thế kỷ 21.
Tác nghiệp cách xa tòa soạn hàng trăm cây số, phỏng vấn đa chiều nhiều nhân vật bằng chatroom trực tuyến, gửi tin bài qua email, và ban biên tập phát hành tin chỉ bằng một nút bấm publish...
Mười hai năm đã trôi qua. Con tàu công nghệ đã đưa nghề làm tin vút bay đến những bến bờ "viễn tưởng" xa tắp, mở ra những cơ hội chưa từng có. Và "phóng viên email" năm xưa nay đã mang tên mới: Mojo (viết tắt của mobile journalist).
MoJo làm việc cho nhiều tờ báo, trong đó chủ yếu là báo điện tử. Chiếc máy tính nối mạng, máy chụp hình, máy quay và điện thoại ngày nào đã được thay toàn bộ bằng một chiếc điện thoại thông minh smartphone siêu gọn (1).
MoJo là một nhà báo đa năng: quay phim, chụp hình, soạn tin, biên tập, thuyết minh (đọc tiếng), dàn trang, vẽ đồ họa, dựng hình, kết nối viễn thông... Tất cả trong một vòng quay liên tục không ngừng nghỉ. Chưa hết, Mojo trước tiên là một blogger bền bỉ, một Facebooker có lượng friend "khủng", dùng Twitter thành thạo, là khách hàng thường xuyên của các ứng dụng mobile và kết nối với độc giả cùng đồng nghiệp của mình mọi lúc mọi nơi.
Từ hai năm trở lại đây, trong danh sách giải Pulitzer báo chí, người ta thấy các Mojo thế giới lần lượt được vinh danh: Massoud Hossaini (AFP), David Wood (HuffingtonPost.com), Matt Wuerker (Politico.org) (2)... và còn nhiều nữa.
Mojo "làm tin" với mạng xã hội
Trong thế giới thời sự rộng lớn, định nghĩa tin tức chưa bao giờ thay đổi: "Tin tức là thông tin về con người và những gì xảy ra với họ, ở đủ mọi mức độ (cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, xã hội...) (3)". Thế nhưng so với năm 2000 thuở tôi còn là thực tập sinh, những đặc tính của tin tức hiện đại thời MoJo đã có khác ít nhiều: "Tin tức là 24 giờ mỗi ngày, là từng giây, là toàn cầu, là lập tức, là hiện diện trên mọi phương tiện truyền thông, kể cả những phương tiện điện tử mới nhất, là bao gồm cả những phản hồi, bình chọn, cảm xúc của cộng đồng...(4)". |
Để theo đuổi "nghiệp làm tin" ngày nay, Mojo có trong tay vũ khí lợi hại: mạng xã hội với những ứng dụng mobile. Sở trường của Mojo? Chính là tin khẩn (breaking news).
Công việc săn tin hằng ngày bắt đầu bằng việc xem các mạng xã hội như Twitter, Facebook, dạo blog, lướt web... tất cả có khi chỉ nằm trong một điện thoại smartphone nhỏ gọn.
Từ một quán nước bên đường, một nhà ga, một tầng hầm cao ốc... sự kết nối của Mojo với cộng đồng của mình luôn liên tục và rộng lớn. Anh sục tìm những thay đổi, những cảm xúc, nắm bắt những bất ngờ, dự đoán những biến động, hình dung rất nhanh câu chuyện mình sẽ kể trong bản tin và lên đường tác nghiệp tức khắc.
Những nguồn tin ban đầu có khi chỉ là một đoạn ghi âm vội vã, một đoạn video thu chớp nhoáng cảnh hiện trường từ điện thoại di động, một câu phỏng vấn nhanh bất chợt, một đoạn text "chộp" được qua Internet...
Sự kết nối mạnh mẽ qua mạng xã hội giữa cộng đồng và Mojo hơn một lần đã mang đến kết quả diệu kỳ. Đài BBC đã từng qua kết nối mạng xã hội có những video và hình ảnh nóng bỏng đầy chất nghiệp dư về những thảm họa bất ngờ (máy bay Airbus lao xuống sông Hudson năm 2009, động đất, sóng thần ở Nhật Bản 2011...). Ở nước ta gần đây nhất là những hình ảnh gian lận thi cử tại Bắc Giang phát tán trên Internet và được các phương tiện chính thống phát sóng...
Trên đường tác nghiệp, Mojo cũng không thể bỏ qua sự trợ giúp của mạng xã hội. Một sự kiện vừa xảy ra? Một tai nạn? Một thông tin còn quá mới? Kiểm tra, tìm kiếm, xác thực... cũng chính bằng mạng xã hội. Mojo tung hứng với đủ loại account và ứng dụng mobile trên smartphone: ShoZu, Qik, Twitterfone..., thậm chí cả GoogleMaps, ZoneTag... Mục tiêu là bắt lấy những chất liệu quý giá đang ào ạt xuất hiện xung quanh sự kiện.
Và cuối cùng, tin đã viết, hình ảnh đã được biên tập, video đã dựng xong, Mojo sẽ gửi tin về tòa soạn theo quy ước. Anh tweet một dòng về tin sắp lên. Anh vào blog của mình ghi lại một chút ưu tư của ngày làm tin. Anh không quên chia sẻ qua Facebook những hình ảnh bên lề... Cộng đồng rôm rả kháo nhau, bình luận, nhận xét, đánh giá... Người ta luôn muốn biết nhiều hơn, @MoJo@. Anh phải lập tức tiếp nhận yêu cầu độc giả, chuẩn bị một phóng sự dài hơn, chi tiết hơn cho bản báo in hoặc báo hình trong số phát hành hoặc phát sóng tiếp theo.
Hãy nhấp chuột thử ghé thăm "nơi" làm việc ưa thích của Mojo: các bản tin điện tử của BBC, AFP, CNN, và cả Huffington Post, hay các báo điện tử của VN, những hãng thông tấn, những tờ báo lớn và cả những bản tin "thuần điện tử" non trẻ. Tất cả đều đang "tận hưởng" những lợi thế to lớn về khai thác nguồn tin và khả năng phát hành của mạng xã hội. Đi xa hơn nữa, CNN từ 6 năm qua đã liên tục phát triển iReport như một công cụ để mời gọi cộng đồng chia sẻ mọi thể loại thông tin, dưới mọi định dạng: tin viết, tin hình, tin tiếng, tin multimedia... BBC tạo hàng trăm trang blog để phóng viên trao đổi và độc giả bình luận đủ loại đề tài, thậm chí cả về đạo đức nghề báo tại BBC (5). AFP có ứng dụng riêng trên mobile và iPad, cho phép độc giả "theo" tin của hãng qua Twitter...
"Sói biển" Mojo
Hãy thử hỏi Mojo từ đâu đến? Hãy thử đọc tên trường lớp đào tạo họ? Hãy thử kể tên những phần mềm họ sử dụng?... Không có câu trả lời nào chính xác. Với sự hỗ trợ của công nghệ, đội ngũ các Mojo hiện đại ngày càng đông đảo. Họ xuất thân từ nhiều lĩnh vực khác nhau, đang làm nhiều việc khác nhau, theo đuổi những đề tài rất khác nhau...
Tôi đã tìm vào blog cá nhân của các Mojo được giải Pulitzer báo chí 2012 vinh danh. Thật bất ngờ, hàng ngũ Mojo U30 chỉ có một người: Sara Ganim, phóng viên của báo The Patriot-News, vừa tròn 24 tuổi. Ở hầu hết các hạng mục báo chí, người ta đều bắt gặp những "sói biển" lão luyện của làng thời sự. David Wood (66 tuổi) đã làm báo từ những năm 1970 và đã hàng thập kỷ đưa tin chiến sự. Massoud Hossaini (31 tuổi) chụp ảnh phóng sự ở Iran và Afghanistan đã hơn 10 năm. Matt Wuerker vẽ biếm họa cho hơn chục tờ báo từ 25 năm qua... Điều gì làm nên sự thành công của họ?
Xưa kia là cây bút, cuốn sổ. Rồi đến máy tính, máy chụp hình, máy quay phim, điện thoại. Hôm nay là Internet, smartphone, 3G, wifi... Tất cả đều chỉ là công cụ. Điều khiến người làm tin luôn quyến rũ bạn đọc hay khán thính giả không nằm ở những công cụ. Đẳng cấp của những "sói biển" làng thời sự thể hiện qua những giá trị mà người phóng viên Email hôm qua, Mojo hôm nay luôn mang lại cho cộng đồng trước mỗi thông tin: tin đúng, xác thực, nội dung tin trung thực, góc tiếp cận riêng biệt, thể hiện trách nhiệm sống và, chắc chắn rồi, tin phải rất nhanh (6).
Như một ai đó đã nói: bản thân thông tin không quan trọng, nhưng cách bạn kể câu chuyện đó khiến những người xung quanh quan tâm. Kể chuyện, Mojo vẫn kể những câu chuyện xảy ra quanh mình như người làm tin đã làm từ những thập kỷ trước, thế kỷ trước. Sự hỗ trợ của công nghệ cho phép Mojo nhanh hơn, "giàu có" hơn trong chất liệu, tự do hơn trong sáng tạo, vươn xa hơn trong tầm ảnh hưởng. Nhưng thành công thật sự của nghề làm báo chỉ đến với MoJo, cũng như với biết bao thế hệ phóng viên, khi niềm đam mê chia sẻ thật sự thăng hoa cùng cam kết dấn thân.
Hãy lắng nghe nhà báo Paul Bradshaw (Mỹ) đúc kết: Trong thế giới Mojo, để tồn tại, hãy nhớ trang bị cho mình một vị trí trong cộng đồng mạng, một thái độ trực chiến ("always-on" approach), một tình yêu tha thiết với công nghệ di động mới, một tinh thần khát khao sự khác biệt, không bằng lòng với những gì có sẵn trên mạng, và niềm đam mê sáng tạo vô tận với tất cả những công cụ hiện đại nhất. Ở đây không có rào cản nào, vì chưa có luật lệ nào được viết ra (7).
Tố Phương
(Theo Tuổi trẻ)
*******************************
(1) Năm 2011, tờ The NewYork Times đã trang bị cho phóng viên của mình điện thoại iPhone 4Gs để quay được cả video
(2) Các nhà báo đoạt giải Pulitzer Báo Chí 2012: Massoud Hossaini của AFP giành giải cho thể loại ảnh tin nóng, David Wood của trang mạng The Huffington Post giành giải cho hạng mục phóng sự quốc gia, Matt Wuerker của Politico giành giải ở hạng mục biếm họa xã luận.
(3) Alan Hoff, giám đốc marketing cho mảng media enterprise tại Avid, Broadcast Engineering 4/2012, World Edition
(4) Kevin Bakhurst, phóng viên BBC, tham luận tại International Broadcasting Convention (Amsterdam), 9/2011
(5) Toàn bộ các blog của BBC: http://www.bbc.co.uk/blogs, riêng về nghề báo: http://www.bbc.co.uk/blogs/theeditors
(6) Kevin Bakhurst, phóng viên BBC, tham luận tại International Broadcasting Convention (Amsterdam), 9/2011
(7) Paul Bradshaw, onlinejournalismblog.com, 2009, http://onlinejournalismblog.com/2009/10/21/what-does-a-mobile-journalist...