Tổng biên tập vẫn lao đi viết tin, bài như phóng viên
Sau 30 năm cầm bút, mặc dù hiện nay là Tổng biên tập nhưng ông vẫn lao đi chụp ảnh, viết tin, bài... như những phóng viên và luôn giữ lửa cho đam mê viết báo.
Rất nhiều độc giả biết đến nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, nay đang là Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều bài phóng sự điều tra được chú ý, tác giả của 7 cuốn tiểu thuyết, gần 140 tập phim truyện truyền hình.
Tôi đã từng đọc nhiều bài phóng sự điều tra của ông, nhưng đây là lần đầu tôi được "diện kiến" ông. Vì thế, trong lòng tôi có nhiều âu lo thắc thỏm. Bởi nếu so với ông, tôi chỉ là hàng con cháu xét cả tuổi đời và nghề. Nhưng khi gặp tôi, ông vui vẻ kể cho tôi nghe về những năm tháng cầm bút của mình, cũng như những trăn trở của người cầm bút hiện nay.
Đi nhiều đến nỗi con không nhận ra
Trong làng báo, rất nhiều người ngạc nhiên vì không hiểu Nguyễn Như Phong lấy đâu ra sức lực, thời gian để mà viết. Ngoài viết tin, bài phản ánh, phóng sự, đàm luận, thời luận cho báo Năng lượng Mới, ông còn viết tiểu thuyết, kịch bản phim. Chạy án 2 có 27 tập phim, ông viết 4 tháng; Bí mật Tam Giác Vàng, 40 tập, ông viết 5 tháng... Mà kỳ lạ là ông vẫn thích viết tay, bằng bút bơm mực. |
Ông Phong bảo: "Nếu như không trở thành nhà báo, có lẽ tôi sẽ làm nghề lái xe hoặc biên kịch, hay đạo diễn điện ảnh. Ngày còn trẻ tôi mê lái xe lắm. Học xong lớp 10 năm 1972, tôi đi làm công nhân hợp đồng cho xưởng Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội). Thấy tôi có chút năng khiếu về điện ảnh, đạo diễn Huy Thành khuyên tôi thi vào khoa đạo diễn của trường Sân khấu Điện ảnh. Đang chuẩn bị thi thì tôi lại được gọi nhập ngũ, thế là đành bỏ. Ở đơn vị, tôi viết được mấy truyện ngắn đăng ở Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bộ Tư lệnh biết tin, điều tôi về làm báo. Tờ báo tôi làm đầu tiên là Báo Công Binh của Bộ Tư lệnh Công binh."
Những năm từ 1982 - 1992 khi là phóng viên Báo Công an Nhân dân, ông đi công tác xa nhà mỗi năm 8, 9 tháng là bình thường. "Đi nhiều, lắm lúc hết tiền, tôi phải đi chụp ảnh thuê, thậm chí làm cả thợ xây, viết báo thuê cho báo của công an các tỉnh. Ngày đó đi công tác phải mang theo tem gạo, nộp tiền ăn cho đơn vị mình đến lấy tin bài. Đơn vị công an nào khấm khá mời bữa cơm là vui lắm rồi, chứ làm gì có phong bì phong bao như bây giờ".
"Việc đi nhiều, viết nhiều nó là do nhu cầu của bản thân. Tôi xác định một điều rằng, mình làm báo không giỏi, không có năng khiếu bằng người khác. Thôi thì cứ chịu khó mà đi và viết. Trong mớ bài báo tầm tầm đó, may ra một vài tác phẩm người ta nhớ. Tôi là thằng thích xê dịch, thích đi khám phá. Tôi đi nhiều đến nỗi về nhà con không nhận ra bố. Cứ đi độ 3 tháng, về nhà nghỉ một tháng lại đi", ông Phong tâm sự. Chính những khoảng thời gian đó đã tạo cho ông kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp và có vốn sống đầy đặn để viết.
Nhà báo Nguyễn Như Phong trên cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). |
Đi bộ hơn 200km lên vùng biên giới
Nhà báo Như Phong tự hào là người đi gần hết các đảo lớn nhỏ trong nước. Từ hòn đảo Trần, Vĩnh Thực, Cái Chiên, Cái Bầu ở Móng Cái, Quảng Ninh đến các đảo phía Nam như Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn, Trường Sa... Cũng như nhiều vùng đất ông từng đến, nhưng vùng núi Tây Bắc vẫn là nơi ông chan chứa nhiều kỷ niệm vui buồn.
"Năm 1984 tôi đã lên ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào ở xã Xín Thầu, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ (nay thuộc huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên). Từ trung tâm huyện Mường Tè lên xã Xín Thầu chặng đường dài hơn 200km, chúng tôi phải đi bộ cật lực 7 ngày, 7 đêm mới đến nơi. Đường mòn xuyên qua các khu rừng nguyên sinh, lên dốc, xuống đèo, khó khăn gian khổ lắm. Một ngày chúng tôi phải đi 30 cây số, có ngày 60 cây số", ông Phong kể.
Tuy vậy ông luôn hào hứng đi, bởi tình cảm của những người dân bản đùm bọc, hỗ trợ ông trong mỗi chuyến đi. Sau chuyến đi đó Nhà báo Như Phong đã cho ra đời nhiều phóng sự đặc sắc làm nên tên tuổi của ông. Nhiều tác phẩm ký, phóng sự đã đoạt giải thưởng của Báo Văn Nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đi công tác ở ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar. |
Không thể dạy viết phóng sự
Ông Phong cho hay: Hầu hết những người viết báo đều ao ước viết được thể loại phóng sự. Điều này nói lên phóng sự có ý nghĩa đặc biệt đối với báo in, nhất là các báo ra hàng tuần. Nó mang đến cho người ta hơi thở cuộc sống. Mang đến cho bạn đọc sự sâu lắng, chiêm nghiệm của người viết. Nhưng nếu không có chất văn học trong phóng sự thì bài viết rất khó sâu đậm, bạn đọc khó nhớ và thiếu hấp dẫn.
Nói về tố chất của người viết phóng sự, ông Phong cho rằng, điều quan trọng nhất phải có năng khiếu. Anh viết bài, viết tin không có năng khiếu lúc đầu có thể viết kém, nhưng viết mãi sẽ quen. Tin có khuôn mẫu, cứ viết cho đúng mẫu là được. Nhưng phóng sự cần phải có năng khiếu, tác phong làm nghề tinh thông, điêu luyện, cần cù chịu khó, tỉ mỉ, làm cái gì cũng phải đến nơi đến chốn. Viết một chi tiết ra cũng phải mắt thấy, tay sờ, tai nghe, mũi ngửi thậm chí là nếm. "Lên vùng Tam Giác Vàng (Lào - Thái Lan - Myanmar) tôi ra giữa bãi cát sông Mê Kông uống thử ngụm nước, xem nước ở đây khác sông Hồng thế nào?", ông Phong kể.
Sau hơn 30 năm cầm bút, Nhà báo Nguyễn Như Phong khẳng định một điều rằng không thể dạy người khác viết phóng sự. Ông hay nói vui rằng: "Viết phóng sự như người đi tán gái. Mỗi người có duyên tán gái riêng. Không thể lấy kinh nghiệm tán gái của người già, bảo người trẻ và ngược lại bảo cách của người trẻ cho ông già. Điều này tùy vào khiếu của từng người, duyên viết của từng người. Vì vậy, nếu có dạy cũng chỉ truyền đạt kinh nghiệm mà thôi".
Nhà báo Nguyễn Như Phong: "Ngày càng vắng các cây bút có tên tuổi". |
Số lượng nhà báo có tên tuổi thưa dần
Giờ nhà báo Nguyễn Như Phong đã tạm gác lại những trang viết về lực lượng vũ trang, thử sức với cương vị là Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới. "Tôi vốn rất mê lĩnh vực dầu khí. Đối với tôi ngành dầu khí là "mỏ vàng" mà báo chí chưa khai thác đến nơi đến chốn", ông Phong tâm sự.
Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn say nghề như ngày đầu cầm bút. Ông vẫn tự tay viết tin bài như phóng viên bình thường. Ông Phong bảo: "Việc cá nhân được lãnh đạo cử giữ vị trí này vị trí kia, cái đó không phải là nghề và nghiệp. Hôm nay có, nhưng ngày mai có thể mất. Đó là chuyện bình thường, là do nhu cầu của công việc mà cấp trên bổ nhiệm. Còn viết mới là nghề nghiệp của mình. Đã là nghề nghiệp không thể bỏ".
"Thế hệ trẻ hiện nay bước vào nghề báo thuận lợi hơn chúng tôi rất nhiều. Được trang bị kiến thức đầy đủ trong trường, dễ dàng mua các thiết bị để tác nghiệp. Tuy nhiên, họ có bất lợi, thiệt thòi hơn là có ít thời gian. Làm báo bây giờ tốc độ quá nhanh, nhu cầu công việc quá lớn. Các tờ báo vắt đến kiệt sức của phóng viên, không để cho họ có thời gian tĩnh tại nạp năng lượng mới. Cho nên nhà báo viết vội vàng. Điều đó tạo ra thế hệ nhà báo, nói như kiểu đồng bào dân tộc là viết như "người đi xin lửa": Nhanh, vội và... nông choèn choẹt".
"Càng ngày các nhà báo có tên tuổi càng thưa vắng dần. Đây là điều buồn mà Nhà báo Hữu Thọ cũng phải thốt lên: Số lượng các nhà báo tăng nhanh, nhưng mặt bằng, chất lượng, trí tuệ của các nhà báo giảm. Đây là thực trạng đáng buồn", ông Phong tâm sự.
"Báo chí phải có tính thị trường, nhưng phải làm thị trường theo kiểu gì. Nếu anh làm thị trường theo cách giật gân, câu khách là thị trường tầm thường. Làm báo phải cung cấp cho người đọc sản phẩm có định hướng, cho người đọc món ăn không độc hại và ngon. Nếu như anh cho người ta món ăn tốt và ngon thì người ta đến với anh", nhà báo Nguyễn Như Phong. |
Đức Lợi
(Theo Bee)