Khi nhà báo là cầu nối để nhà nước, doanh nghiệp, người dân chung tay bảo vệ môi trường
Trong những năm qua, đội ngũ người làm báo ở mọi miền của tổ quốc đã là cầu nối để cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng “lên tiếng” thay đổi nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường sống.
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều tác phẩm báo chí mang tính thời sự cao, tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, phản ánh toàn diện, khách quan, trung thực về những vấn đề trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền những mô hình, hình ảnh tích cực trong xã hội về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Dù ở nhiều đề tài khác nhau, ở nhiều loại hình báo chí thì tất cả đều có điểm chung là sự nhiệt huyết, dấn thân không quản ngại khó khăn, gian khó của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Mỗi tác phẩm, hình ảnh, dòng tin thể hiện sự cố gắng, những giọt mồ hôi và mong muốn cộng đồng hướng tới một môi trường xanh, tốt đẹp hơn.
Như loạt bài “Lật mặt các địa ngục thú rừng” của tác giả Nguyễn Đức Minh - Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt. Nguyễn Đức Minh đã thực hiện chuyến điều tra "xuyên Việt" từ Hà Nội đi Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước để phản ánh việc tận diệt thú rừng thiên nhiên để hòng tìm kiếm sự bổ dưỡng và khả năng chữa bệnh "thần kỳ" của các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Tuy nhiên đề tài về rừng luôn đòi hỏi sự đầu tư công phu và mất nhiều thời gian. Tác giả lại thực hiện điều tra vào thời điểm dịch COVID-19 nên việc đi lại vô cùng khó khăn, việc xin phép vào các địa bàn phải thực hiện test COVID và các bước phòng chống dịch được thực hiện chặt chẽ, ở nhiều nơi...
Tác giả Nguyễn Đức Minh chia sẻ: “Để tiếp cận được các đối tượng buôn bán thú rừng chúng tôi phải dựa vào rất nhiều mối quan hệ, rồi thông qua mạng xã hội tạo thân quen, thâm nhập vào các nhà hàng, quán ăn, các vựa buôn bán thú, những khu chợ bán thú rừng núp bóng chợ dân sinh, những điểm buôn thú ven quốc lộ... ở khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ để phỏng vấn, ghi hình, rồi theo chân thợ săn đi sâu vào những khu rừng nguyên sinh, điều tra đường đi của thú”.
Mỗi một công đoạn điều tra tác giả lại gặp những khó khăn riêng, đơn giản như việc đi vào rừng gặp mưa bất chợt, vắt cắn, va quyệt vào cây xây xát chảy máu chân tay, đường đi trơn trượt. Nguy hiểm hơn khi anh thâm nhập vào các điểm bị các đối tượng nghi ngờ, nói những lời khó nghe, thậm chị bị chửi, đe dọa. Nhưng khó khăn chưa dừng lại, khi có đủ thông tin hình ảnh, tác giả thông tin báo cáo chính quyền địa phương, nhiều nơi họ không muốn hợp tác, gây khó khăn trong quá trình thu thập số liệu, khai thác thông tin.
Loạt bài được Cục Kiểm lâm đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh được phản ánh như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh vào cuộc xử lý vụ việc. Các tổ chức quốc tế về bảo tồn như WWF, WCS... cũng đồng loạt lên tiếng, tổ chức các buổi tọa đàm về bảo vệ các loài chim tự nhiên, chim di cư nhằm thúc đẩy việc thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân.
Tác giả Nguyễn Đức Minh cho rằng: Qua tác phẩm này chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ trong công tác bảo tồn động vật hoang dã tại nước ta, có những hình ảnh, thước phim chân thực nhất phản ánh hiện trạng những gì đang diễn ra trên dải đất hình chữ S này, từ thông tin điều tra được chúng tôi gửi đến cơ quan chức năng cấp tỉnh, bộ, rồi các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế.
Tác giả Nguyễn Đức Minh - đại diện nhóm tác giả Báo NTNN/Dân Việt vinh dự lên nhận giải A Giải thưởng Báo chí Tài nguyên và Môi trường năm 2022 với loạt bài 5 kì "Lật mặt các địa ngục thú rừng - 2021". |
“Mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, mạnh tay xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã ở Việt Nam. Để mai sau các thế hệ con cháu lớn lên, chúng được nhìn thấy, được tận hưởng những gì vốn có của thiên nhiên con người chứ không phải chỉ nghe như những câu chuyện cổ tích” - anh Nguyễn Đức Minh tâm sự.
Ở nội dung cụ thể và chi tiết hơn về môi trường, loạt bài “EPR: Trách nhiệm và thách thức” của tác giả Nguyễn Trần Anh Thu - Đài Tiếng nói Việt Nam mang đến cách nhìn nhận mới mẻ về việc bảo vệ môi trường của những doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh phát sinh nhiều chất thải.
EPR nghĩa là “Tránh nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết.
Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.
Nói về tác phẩm này, nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu cho rằng: "Tôi bắt đầu quan tâm đến EPR một năm trước và may mắn đã dự nhiều Hội thảo lấy ý kiến các bên cho Dự thảo Nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Vụ pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về EPR. Thực tế không phải ai cũng hiểu về EPR và mặt lợi ích của nó. Tôi đã thực hiện nhiều chương trình, bài viết trước khi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường được thông qua. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ tư liệu để làm loạt bài phân tích EPR sẽ tạo ra trách nhiệm cho các doanh nghiệp như thế nào? Chỉ ra đâu là thách thức của doanh nghiệp khi thực hiện EPR? Khi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường được thông qua ngày 10/1/2022 tôi đã triển khai các kỳ phóng sự và chưa có Nghị định nào mà tôi đọc kỹ từng câu chữ và cả các con số..."
Tác giả Nguyễn Trần Anh Thu - Ban Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam đã đoạt giải A – Giải Báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ 6 với loạt bài “EPR: Trách nhiệm và thách thức”. |
Mỗi một thông tư, Nghị định về môi trường khi được thông qua đều có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Ở loạt bài này, tác giả Nguyễn Trần Anh Thu đã lấy ý của các chuyên gia trong nước và quốc tế, để đánh giá khách quan đa chiều về việc thực hiện chính sách mới ban hành, để các quy định về bảo vệ môi trường đi vào đời sống.
Nữ nhà báo mong muốn công chúng hiểu đúng về EPR, đặc biệt là đưa ra các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là muốn giảm thiểu rác thải nhựa thì phải đẩy mạnh công cụ quản lý bắt đầu từ chính sách. EPR là chính sách buộc nhà sản xuất và người tiêu dùng có trách nhiệm hơn khi tiêu dùng.
Có thể nói, hoạt động của các nhà báo với những tác phẩm gần gũi với đời sống đã tạo ra những công cụ hữu hiệu góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Việc thông tin từ chính sách đến thực tiễn đã góp phần thay đổi nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn