Người làm báo - những cánh chim nối liền thông tin giữa đất liền và biển đảo tổ quốc
Tác nghiệp ở Trường Sa luôn là chân trời mà mỗi người làm báo ao ước một lần trong đời đến để tác nghiệp. Hành trình đến với mỗi hòn đảo ở Trường Sa đã là vô cùng đặc biệt nhưng mỗi trải nghiệm mà mảnh đất thiêng liêng này mang lại cho người làm báo còn đặc biệt hơn.
Không chỉ có máy quay hay máy ảnh, rất nhiều những vật dụng đặc biệt khác đã theo chân đội ngũ phóng viên ra Trường Sa. Khác với tác nghiệp trên cạn, tác nghiệp ở môi trường biển đảo vô cùng khắc nghiệt với sóng to gió lớn, thời tiết luôn thay đổi nhanh chóng. Mỗi phóng viên có thể đối mặt với hiểm nguy từ biển, từ những lần say sóng…
Người làm báo vinh dự tự hào là cánh chim nối liền thông tin giữa đất liền và biển đảo tổ quốc. |
Vì vậy đằng sau những thước phim, những tấm ảnh tư liệu đắt giá là cả một sự kỳ công. Tuy nhiên bằng tình yêu quê hương, yêu biển đảo, mỗi một nhà báo khi lên đường thuyền, đến với các đảo đều cố gắng thể hiện tốt nhiệm vụ đưa thông tin về đời sống, cán bộ chiến sĩ trên đảo gửi về cho đất liền.
Đường vào các đảo chìm thường có sóng lớn, nhiều rạn san hô nhô cao, phóng viên và các thành viên trong đoàn phải di chuyển bằng những thuyền nhỏ, sóng biết lúc này dâng cao. Vật lộn với sóng dữ, người có thể ướt, nhưng máy thì không, tất cả tập trung tác nghiệp trong thời gian ít phút lên đảo. Họ tranh thủ từng phút, từng giây để có những tấm ảnh đẹp, những dòng thông tin sinh động.
Vật lộn với sóng biển vào ban ngành, đến ban đêm, các phóng viên lại bước vào cuộc vật lộn khác với sóng viễn thông để truyền tải hình ảnh từ Trường Sa về với đất liền. Vất vả và gian nan nhưng hành trình ra Trường Sa luôn là vinh dự lớn lao của phóng viên báo chí, bởi đến với Trường Sa là được nhìn Tổ quốc từ biển, đem lại nhiều cảm xúc và trải nghiệm không dễ có trong đời. Đó là tình yêu quê hương đất nước, yêu Tổ quốc Việt Nam.
Đã vinh dự được nhiều lần ra Trường Sa tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Xuân Thanh – Báo Khánh Hòa chia sẻ: “Mỗi lần ra đến Trường Sa, chúng tôi đều có cảm xúc đặc biệt mà tác nghiệp ở đất liền không ai có. Anh em báo chí chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với quân và dân Trường Sa, được phản ánh cuộc sống, tinh thần các chiến sĩ ở đó. Mỗi một nhà báo chúng tôi khi được thấy những hình ảnh như vậy đều rất xúc động. Vì giữa nơi đảo xa, nơi nghìn trùng sóng vỗ nhưng mọi người vẫn đoàn kết, tạo nên không khí ấm cúng tình cảm, dù còn nhiều khó khăn”.
Nữ phóng viên báo Việt Nam News - TTXVN năng nổ trên xuồng ra đảo Đá Tây B. |
Nhà báo Phan Sáu (cơ quan Thường trú TTXVN tại Khánh Hòa), chị đã công tác tại Khánh Hòa hơn 5 năm, công việc chính là phóng viên thường trú địa bàn. Với chị, huyện đảo Trường Sa là một phần thông tin và công việc hàng ngày. Từ những ngày đầu, chị thực hiện các thông tin về các cơn bão ở ngoài huyện đảo Trường Sa thông qua kết nối điện thoại. Nhận được câu trả lời của các cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo trong những thời điểm như vậy chị mới thực sự cảm nhận được sự khó khăn, vất vả của lính đảo. Chính những bài báo về Trường Sa đã tích lũy dần cho chị tình yêu đặc biệt về Trường Sa. Dù nơi ấy, chị chưa đặt chân đến.
Với sự hiểu biết nhất định về Trường Sa cùng lòng yêu mến nơi đầu sóng ngọn gió ngoài kia trùng dương và nỗi khát khao được đặt chân đến nơi đây, tháng 5 năm 2021, chị là phóng viên nữ duy nhất trong nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam được cử đi công tác tại huyện đảo Trường Sa cùng đoàn công tác số 4, do Quân Chủng Hải quân tổ chức đi thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/8.
Nhà báo Phan Sáu cho biết: “Cảm nhận của tôi về quân và dân nơi đây thực sự là rất gần gũi. Mỗi đảo chúng tôi đến, quân và dân đều đón ngay tại cầu cảng, từng người từng người khi chúng tôi hỏi về cuộc sống, họ rất tự hào và hãnh diện khi được sống và công tác tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ chia sẻ cho chúng tôi từng cốc nước mát, xua tan cái nắng nóng từ biển. Chỉ những hành động nhỏ ấy thôi, làm sao mà không thương, không nhớ khi rời đi được”.
Với nhà báo Dương Ngọc Anh, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thì đây không phải là lần đầu tiên đến với Trường Sa nhưng mỗi lần tác nghiệp tại huyện đảo, trong lòng chị đọng lại những cảm xúc khác nhau, thật khó diễn tả. Điều đó là động lực để chị cũng như các nhà báo đến với Trường Sa chuyển tải những hình ảnh chân thực, đầy đủ màu sắc về người lính giữa muôn trùng sóng nước.
Nhà báo Dương Ngọc Anh, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tác nghiệp ở Trường Sa. |
Nhà báo Dương Ngọc Anh chia sẻ, chị đã có nhiều chuyến công tác đi bằng phương tiện trực thăng theo chân các đoàn y, bác sĩ ra các đảo để đưa tin về hoạt động cấp cứu quân và dân nơi đây. Vì thế, chị không thể dừng chân lâu để cảm nhận hết vẻ đẹp của Trường Sa.
Chuyến công tác bằng tàu biển kéo dài 10 ngày lần này, dẫu say sóng nhưng khi nhìn thấy màu xanh của đảo, những khuôn mặt với làn da bánh mật, nụ cười tỏa sáng của quân dân trên đảo, thì bao mệt nhọc đều tan biến. Chị cùng ê kíp thực hiện được những phóng sự thước phim đẹp đưa về phát sóng, đáp ứng được yêu cầu thông tin.
"Tôi chỉ mong muốn những thước phim của tôi về đề tài Trường Sa khi chuyển tải đến bạn đọc góp phần hun đúc, bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương đất nước. Cuộc sống ở huyện đảo dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các chiến sĩ nơi đây vẫn luôn cầm chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Chính vì thế, những người dân ở trong đất liền như mỗi chúng ta lại càng phải sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn và có những việc làm cụ thể hướng về cuộc sống của các chiến sĩ ngoài biển khơi" - Trung úy, nhà báo Dương Ngọc Anh bộc bạch.
Có thể nói, mỗi nhà báo đến với Trường Sa, hành trang của họ mang theo không chỉ là những thiết bị tác nghiệp mà hơn hết là tấm lòng, tình cảm của mình với quân dân nơi đảo xa. Mỗi người làm báo luôn vinh dự khi được làm những cánh chim nối liền thông tin giữa đất liền và những người đang kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió, để mỗi người Việt Nam thêm tự hào về biển đảo quê hương, chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn