“Viễn thông xa mà gần”
(ICTPress) - Đó là tên của Bộ sưu tập tem của nhà sưu tập tem Đào Đức Long, Hội Tem Việt Nam vừa hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945 – 15/8/2011), đồng thời hưởng ứng đợt phát động xây dựng các đề tài triển lãm 1 - 2 khung của Hội Tem Việt Nam. Nhà sưu tập tem Đào Đức Long đã dành bài viết giới thiệu bộ tem “Viễn thông xa mà gần” cho ICTPress với mong muốn chào mừng ngày truyền thống ngành Bưu điện.
Bộ tem có bưu phẩm như bì thư thực gửi, bì thư ngày phát hành đầu tiên và các bloc tem có nội dung về viễn thông thế giới và Việt Nam. Đề tài này bao gồm 6 phần như sau:
Phần thứ nhất - Truyền tin cổ xưa
Phần này mô tả từ xa xưa con người đã biết sử dụng nhiều cách để báo hiệu và truyền tin cho nhau, nơi thì dùng trống, mõ, chiêng kẻng, nơi thì dùng khói vào ban ngày, lửa vào ban đêm, nơi thì thổi tù và, thổi vỏ ốc… Sau này ngành bưu chính ở nhiều nước châu Âu còn dùng kèn để báo hiệu. Từ đó kèn bưu chính trở thành biểu tượng đẹp của Ngành và được nhiều nước đưa lên tem thư.
Phần thứ hai – Điện tín hữu tuyến – Morse
Phần này giới thiệu nhà phát minh Samuel Morse (1791 – 1872) đã sáng tạo ra điện tín năm 1831 và đến năm 1837 ông cũng sáng tạo ra bảng mật mã chữ cái mang tên ông, các chữ được biểu thị bởi hai loại ký hiệu ngắn (là chấm) và dài (là gạch)… Bảng chữ cái này đã đăng ký phát minh năm 1840 và được áp dụng rộng rãi nhiều năm sau đó. Mãi đến năm 1997, người ta không sử dụng tín hiệu Morse nữa vì nó không còn thích hợp với yêu cầu mới là thông tin thì phải thật nhanh và thật chính xác. Như vậy là sau 160 năm, chiếc cần ma-níp không còn phát ra tiếng “tạch – tè” nữa.
Phần thứ ba - Điện thoại đầu tiên
Thế giới đã ghi nhận công lao to lớn của ông Alexandre Graham Bell (1847 – 1922), người phát minh ra chiếc điện thoại đầu tiên. Lúc đầu dựa vào lý thuyết điện từ trường của Gauss, Ohm, Macxoen… máy điện thoại còn rất thô sơ. Ngành Bưu chính Viễn thông thế giới cũng công nhận chiếc máy điện thoại cổ của Phillip Reis sáng chế năm 1861 có hộp loa hãng Siemens Halske cải tiến thành máy treo tường có một chuông và có ống nói cầm tay… Bộ trưng bày cũng giới thiệu trên 10 kiểu máy điện thoại cổ trên tem bưu chính của Đức phát hành năm 1990 và người xem có thể hình dung được từng bước cải tiến của máy điện thoại cổ.
Phần này còn giới thiệu các tem có chân dung ông Guglielmo Marconi (1874 – 1937), người đã phát minh tại nước Ý vào năm 1895 chiếc máy truyền tin vô tuyến thu phát sóng điện từ đã giúp cho truyền thông trên thế giới trở nên nhanh chóng dễ dàng. Phát minh của ông đã giành giải Nobel vật lý năm 1909.
Phần thứ tư - Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)
Phần này giới thiệu những bộ tem đẹp kỷ niệm 100 năm Liên minh Viễn thông thế giới (1865 – 1965). Do điện báo ra đời sớm nhất nên ngày 17/5/1865 tại Paris (Pháp), một hội nghị có 12 nước tham dự đã thống nhất những quy định về điện báo vô tuyến và điện báo hữu tuyến. Năm 1932 tại Madrid, Tây Ban Nha, Đại hội toàn quyền về điện báo vô tuyến và điện báo hữu tuyến được đổi thành Liên minh Viễn thông quốc tế (viết tắt là ITU – International Telecommunication Union). Các nước đã nhất trí lấy ngày 17/5/1865 là ngày ra đời ITU.
Đến nay, ITU đã có 146 năm thành lập. Đây là một tổ chức lâu đời nhất của Liên hợp quốc và cũng là tổ chức có nhiều nước tham gia nhất. Việt Nam đã tham gia ITU từ năm 1976 và cũng đã có những đóng góp tích cực.
Phần này cũng giới thiệu thêm một số tem và bưu phẩm kỷ niệm Hội nghị Viễn thông châu Âu (CEPT) và các hoạt động viễn thông ở một số nước như Anh, Đức, Ý, Hà Lan…
Đặc biệt bộ sưu tập còn nêu bật những tiến bộ kỹ thuật mới. Một số tem nói về việc thành lập mạng thông tin trên cơ sở hệ thống thông tin cáp sợi quang. Từ năm 1988, đường cáp xuyên Đại Tây Dương nối liền nước Mỹ với châu Âu dài 6.700 km, nước ta nối liền với các nước Đông Nam Á có tuyến dài 3260km…
Những tiến bộ kỹ thuật cho thấy vô tuyến điện truyền tiếng nói rồi tiếp đến truyền chữ, hình ảnh tĩnh (telex, fax…) sau đó là sóng điện mang âm thanh stereo… và rồi sự phát triển nhanh chóng của vệ tinh nhân tạo đã làm cho mọi người trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Ngày nay, âm thanh stereo kết hợp với hình màu chuyển động (video, truyền hình, truyền thông vũ trụ…) đã và đang phát triển khắp thế giới.
Phần thứ năm - Viễn thông phục vụ đời sống
Bằng những con tem rất sinh động cho thấy Viễn thông đã đáp ứng những nhu cầu hoạt động xã hội tới từng nhà, từng người như thăm hỏi, chúc tụng… cũng như giúp cho việc chỉ đạo xây dựng các công trình công nghệ lớn toàn cầu.
Một số tem nêu rõ viễn thông phục vụ cho việc khảo sát khí tượng thủy văn quốc tế, phục vụ cho giao thông vận tải đường bộ, đường thủy và đường hàng không… Viễn thông phục vụ cho việc phát thanh và truyền hình trên toàn thế giới và viễn thông còn giúp cho việc giữ gìn an ninh xã hội và quốc phòng.
Nhờ sự phát triển nhanh chóng của vệ tinh nhân tạo, ngành viễn thông đã góp phần không nhỏ làm biến đổi đời sống con người.
Phần thứ sáu - Viễn thông Việt Nam
Bộ trưng bày đã sử dụng hầu hết tem và bưu phẩm Việt Nam có nội dung về Viễn thông. Những hình ảnh đài vệ tinh mặt đất Hoa Sen 1, Hoa Sen 2 đến những tem kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945 – 15/8/1985), tem kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Viện khoa học Kỹ thuật Bưu điện, tem kỷ niệm Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã có nhiều đổi mới làm tốt nhiệm vụ của Ngành, hoàn thành chiến lược tăng tốc phát triển cả hai giai đoạn 1993 – 1995 và 1996 – 2000, thực hiện hai chiến lược đón đầu công nghệ mới và tổng thể phát triển nguồn nhân lực…
Phần cuối cùng dành cho bộ tem Vinasat-1 phóng thành công ngày 19/4/2008 đã hoạt động ổn định và chất lượng cao, nhiều dịch vụ phát thanh và truyền hình, liên lạc điện thoại, truy cập Internet, phát hình lưu động… được triển khai trên khắp đất nước, cả biên giới đến hải đảo xa xôi cũng như phủ sóng tại thị trường quốc tế.
Trong quá trình hoạt động, Viễn thông Việt Nam đã và đang tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển cất cánh của ngành đến năm 2020.
Đào Đức Long