TS. Trần Bá Dung: Báo Đầu tư "đầu tư" nghiệp vụ đúng hướng
Báo Đầu tư coi trình độ nghiệp vụ của hội viên là yếu tố quyết định sức mạnh và sự thành công của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam |
Cách đây 13 năm, lần đầu tiên tôi được Chi hội Báo Đầu tư do TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội mời đến trao đổi nghiệp vụ báo chí với hội viên của Báo tại trụ sở ở 175 Nguyễn Thái Học.
Hôm đó trời mưa to, đường vào Tòa soạn ngập nửa mét. Ấy thế mà khi tôi vào Hội trường đã thấy chật ních các nhà báo ngồi đợi. Buổi nói chuyện ấy, Tổng Biên tập ngồi nghe từ đầu đến cuối. Tôi rất hào hứng và thấy có một niềm tin - niềm tin nghề nghiệp, niềm tin đồng nghiệp.
Thế rồi, từ đó đến nay, theo dõi từng bước đi của Báo, niềm tin của tôi quả không sai. Báo Đầu tư xác định bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chi hội, coi trình độ nghiệp vụ của hội viên là yếu tố quyết định sức mạnh và sự thành công của báo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Từng thành quả nghiệp vụ mà Báo gặt hái được trong hơn 10 năm qua, theo tôi, đó là kết quả tất yếu của một chiến lược đầu tư nghiệp vụ đúng hướng. Cùng với đúng hướng là trúng trọng tâm từng thời kỳ, phù hợp phương pháp với từng loại hình, thể loại báo chí, đặc thù cơ quan báo chí kinh tế; coi trọng cả nhận thức chính trị, kiến thức chuyên môn và trình độ nghiệp vụ. Từ góc nhìn nghiệp vụ, có thể khái quát 4 hướng đầu tư nghiệp vụ của Báo Đầu tư trong thời gian qua như sau:
Phóng viên Báo Đầu tư nhận Giải B, Giải Báo chí quốc gia năm 2019 |
Tham gia tích cực các hoạt động nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam
Được biết, hằng năm, ngay từ đầu năm, Ban Thư ký Chi hội xem xét thông qua chương trình đào tạo cả năm, sau đó, hoàn chỉnh, bổ sung hàng quý phù hợp với yêu cầu thực tiễn và với những diễn biến mới của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.
Việc xây dựng chương trình đào tạo được tiến hành trên cơ sở đánh giá trình độ nghiệp vụ của hội viên, ý kiến đề xuất của hội viên và các phòng, ban. Hình thức đào tạo chủ yếu là các khóa học ngắn hạn, các buổi sinh hoạt ngoại khóa được tổ chức tại tòa soạn, kết hợp với việc gửi hội viên theo học các khóa học do các cơ quan chức năng tổ chức. Các chương trình đào tạo của Báo tập trung các nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nhất là về kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành và pháp luật kinh tế; Bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức chính trị nhất là về các vấn đề nhạy cảm trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…; Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, nhất là về thể loại báo chí, ngôn ngữ báo chí, cách thức khai thác và xử lý thông tin. Ngoài ra, về kinh tế báo chí, tổ chức các buổi ngoại khóa về kỹ năng tiếp thị phát hành, quảng cáo...
Trong hơn 10 năm qua, bên cạnh Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động Hội hằng năm (Báo Đầu tư hầu như đều có tham luận), Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam được lãnh đạo Hội giao, đã tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ báo chí trong nước và quốc tế. Tại các hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ này, Báo Đầu tư đều cử cán bộ - hội viên tham gia đầy đủ, nghiêm túc, có tham luận nghiệp vụ, tham gia thảo luận, tranh luận sáng tỏ nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề nghiệp vụ báo chí kinh tế. Hàng loạt lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam mở, Báo Đầu tư đều cử phóng viên, biên tập viên tham gia theo học đều đặn.
Trong nhiều cuộc làm việc của Hội Nhà báo Việt Nam với Chính phủ, với các bộ, ngành hoặc đối tác nước ngoài, Hội thường mời Báo Đầu tư tư vấn, phát biểu về chính sách đối với báo chí, kinh tế báo chí và mô hình tòa soạn báo chí kinh tế hiện đại. Chính Báo là đơn vị tư vấn để Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị và được Chính phủ chấp thuận giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống mức 10%.
Những sinh hoạt nghiệp vụ này là môi trường học hỏi mà Báo đã không bỏ qua và có chiến lược tham gia, học hỏi, đóng góp chất xám theo cách của mình. Tôi cho rằng, đây là chiến lược đầu tư đúng đắn và thức thời về hoạt động nghiệp vụ để hội nhập quốc tế, hội nhập ngay trong làng báo nước nhà, trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông - báo chí, làm báo trong một “thế giới phẳng”.
Báo chí phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư đạt giải báo chí quốc gia. |
Mở nhiều lớp nghiệp vụ ngay tại Báo
Ngoài việc tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ hằng tuần vào thứ Hai và thứ Ba, Báo Đầu tư là một trong số ít cơ quan báo chí thường xuyên mở lớp nghiệp vụ báo chí ngay tại cơ quan cho hội viên - nhà báo của mình. Lớp tại báo đầu tiên tôi nói ở trên, là khoá học ngắn về báo điện tử, khi đó còn rất mới đối với báo chí Việt Nam (chủ yếu là báo in có thêm website).
Lúc đó, Báo đã quan tâm mời giảng viên, chuyên gia bồi dưỡng, trang bị cho phóng viên, biên tập viên về các yêu cầu cơ bản đối với một phóng viên báo chí hiện đại (kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp thu thập, xử lý thông tin, đạo đức nghề nghiệp... để đảm bảo đưa tin nhanh, chính xác, khách quan và hấp dẫn).
Được biết, báo đã mời chuyên gia đến trao đổi nghiệp vụ tại báo với nhiều lớp, nhiều chủ đề khác nhau, từ quan điểm chính trị, đạo đức nghề nghiệp đến các kỹ năng chuyên sâu của nghề báo. Tôi cũng được mời đến trao đổi tại chỗ với các phóng viên, biên tập viên của báo với nhiều chuyên đề: Kỹ năng phát hiện đề tài, khai thác và xử lý thông tin (một chuyên đề khó và không nhiều cơ quan báo chí quan tâm); Các tiêu chí tác phẩm báo chí chất lượng cao; Kỹ năng sáng tạo tác phẩm ảnh báo chí; làm thế nào để viết ngắn; Kỹ năng rút tít; Kỹ năng biên tập…
Đổi mới nghiệp vụ và công nghệ làm báo thực chất và hiệu quả
Vừa làm chuyên môn, tôi vừa nghiên cứu báo chí, tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội và đào tạo đại học, sau đại học báo chí tại các trường đại học. Trong quá trình đó, tôi đã giới thiệu nhiều học viên cao học, sinh viên báo chí đến khảo sát, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn tại Báo Đầu tư. Đó là những đề tài về mô hình tổ chức cơ quan báo chí kinh tế, về thu thập, xử lý thông tin kinh tế, về kinh tế báo chí, về phương thức làm báo hiện đại, về đạo đức nhà báo kinh tế. Đặc biệt, đã có nhiều đề tài nghiên cứu từ thực tế hoạt động của báo về sử dụng thông tin đồ họa trong báo in, báo điện tử…Đáng chú ý, Đầu tư là một trong số ít tờ báo chuyên ngành tiên phong sử dụng phương thức thông tin đồ họa (infographic) có hiệu quả, được đồng nghiệp đánh giá cao (Thời báo Kinh tế Việt Nam, Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài Gòn…).
Tất cả các trang nhất của tờ Đầu tư, cũng như tờ Vietnam Investment Review đều có thông tin đồ họa. Bên cạnh đó, những tít bài được đầu tư, chăm chút kỹ, không hề dễ dãi hay sáo mòn. Tôi thích cách đặt tít động từ mạnh (“Húc đổ mọi dự báo”), tít rõ thông điệp và gợi mở thông tin khi viết về lĩnh vực kinh tế (“Giấc mơ 2.000 km đường cao tốc” – năm 2010, “Trận đánh lớn” mang tên FTA - năm 2015; “Xây dựng 5.000 km đường cao tốc - cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông” - năm 2021…).
Đầu tư dự Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành toàn quốc
Giải báo chí Quốc gia bắt đầu từ năm 2006, là giải báo chí chính thức của Nhà nước, do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giải báo chí danh giá bậc nhất của cả nước. Năm 2011, Báo Đầu tư mới lần đầu tiên có giải khuyến khích. Đó đã là một bước tiến lớn với một tờ báo chuyên ngành kinh tế, trước đó vốn coi các giải thưởng báo chí là chuyện ngoại đạo. Nhưng từ đó đến nay, Đầu tư thường xuyên được vinh danh trên các bục trao giải báo chí chuyên ngành và nhiều Giải báo chí quốc gia. Một tờ báo chính trị - xã hội, độ bao phủ thông tin lớn và công chúng rộng rãi, đoạt giải thường xuyên là chuyện dễ hiểu. Nhưng với các tờ báo chuyên ngành, độc giả hẹp hơn và kén chọn hơn, việc tham dự và đoạt nhiều giải lại là chuyện khác, một cố gắng khác.
Báo Đầu tư có chiến lược đầu tư bài bản, từ đề tài, tác giả, điều kiện thực hiện, cho đến cách thể hiện… để có tác phẩm tốt tham dự các giải. Đương nhiên, dự giải không phải là mục tiêu chính hay duy nhất, mà trước hết là phục vụ nhiệm vụ chính trị hằng ngày.
Ngoài việc sớm trang bị cho phóng viên, biên tập viên các yêu cầu, kỹ năng như đã nêu ở trên, Báo Đầu tư có chiến lược và kế hoạch rất rõ ràng, có lộ trình và nội dung phù hợp. Đầu tiên là việc phải trang bị cho anh em phóng viên, biên tập viên thế nào là các tiêu chí của một tác phẩm báo chí có chất lượng cao, từ chất lượng cao mới có thể tham dự các giải báo chí, nhất là Giải báo chí quốc gia. Nắm được tiêu chí rồi, tiếp đến mới lên kế hoạch đầu tư từng năm cho những đề tài gì, tuyến bài nào, ai thực hiện, điều kiện đáp ứng, tiến độ, thẩm định chất lượng… Theo dõi các tác phẩm đoạt giải nhiều năm liền của Báo, tôi thấy hầu hết đó là những tuyến bài được đầu tư công phu, thể hiện từ nội dung chủ đề, diễn tiến của câu chuyện, quy mô số liệu, tư liệu, nhân vật, mức độ phản biện xã hội, đến tít bài, sapo, thông tin đồ họa, ảnh minh họa… thể hiện rõ công sức lao động nhà báo trong từng tác phẩm. Nghĩa là bám sát các tiêu chí đúng - trúng - hấp dẫn - sáng tạo.
Những tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia từ năm 2011 đến nay đã chứng minh điều đó.
Tác phẩm “Giấc mơ 2.000 km đường cao tốc” của nhà báo Phùng Huy Hào đoạt Giải Khuyến khích - giải khuyến khích đầu tiên của Báo (2011); Tác phẩm: “Coca-cola, Pepsi giật mình lỗ khủng” của nhà báo Lê Thị Thanh Hà đoạt Giải B (năm 2012); Loạt bài 2 kỳ “Giải ngân ODA giao thông: Dự án “Đầu tàu” va chắn” của nhà báo Phạm Anh Minh đoạt Giải Khuyến khích (năm 2013); Loạt bài 3 kỳ “Bão nổi trên thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam” của nhà báo Vũ Thị Anh Hoa đoạt Giải B; Loạt bài 4 kỳ “Môi trường kinh doanh không bóng dáng nhiệm kỳ” của nhà báo Trần Thị Tuyết Ánh đạt Giải C (năm 2014); loạt bài “”Trận đánh lớn” mang tên FTA” của nhà báo Trịnh Thị Thùy Liên đạt Giải A (năm 2015); loạt bài “Biến dạng tại dự án BOT giao thông” của nhà báo Phạm Anh Minh đạt Giải B và loạt bài “Đất đai - lỗ hổng thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa, thoái vốn” của nhóm tác giả Bùi Thu Trang - Đỗ Thị Mến - Nguyễn Phong Lan đoạt giải C (năm 2016); Loạt bài “30 năm FDI: Hành trình cùng Đổi mới” của nhà báo Lê Thị Thanh Hà đạt giải B và loạt bài “Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt” của nhà báo Trần Thị Tuyết Ánh đạt giải C (năm 2017); loạt bài 5 kỳ “Hai mũi đột phá tinh gọn bộ máy và cải cách tiền lương” của nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn đoạt Giải B (năm 2018); nhà báo Võ Thị Thanh Hương đoạt giải B với tác phẩm “Lỗ hổng an ninh năng lượng” và nhà báo Vũ Thị Anh Hoa đoạt giải C với loạt bài 3 kỳ: “Việt Nam giữa vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung” (năm 2019).
Năm 2020, theo thông báo của Ban Tổ chức, hai tác phẩm của Báo Đầu tư là loạt bài 5 kỳ “Mưu sinh thời “không bình thường” của tác giả Anh Hoa – Hồng Hạnh và loạt bài 5 kỳ “Con đường tái thiết nền kinh tế sau đại dịch” của nhóm tác giả Hồ Quốc Tuấn – Trần Ngọc Thơ – Tuyết Ánh cùng đoạt Giải B.
Về giải Báo chí về Xây dựng Đảng (Búa liềm vàng): Năm 2020, Nhà báo Ngô Song Sơn đạt Giải A với loạt bài: “Chặt vòi bạch tuộc biến của công thành của tư” và Giải C với loạt bài “Điều động, luân chuyển cán bộ: Tầm nhìn chiến lược của Đảng” của nhóm tác giả Phùng Huy Hào, Phùng Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Hữu Tuấn; Năm 2019, nhóm nhà báo Phùng Huy Hào, Phùng Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Hữu Tuấn đạt giải C với loạt bài “Sáp nhập đơn vị hành chính: Cuộc cách mạng của ý Đảng, lòng Dân”; Năm 2018, nhà báo Nguyễn Phong Lan đạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Đổi mới hoạt động Đảng trong các công ty cổ phần”.
Đó là chưa kể hàng loạt giải cao các giải chuyên ngành toàn quốc mà báo đoạt được: Giải Phòng chống tham nhũng, lãng phí; Giải Bình chọn về doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường đầu tư; Giải về ngành Giao thông vận tải; Giải về Phòng chống thiên tai… Bảng giải thưởng này, ít báo có được.
Đó cũng là hành trang tinh thần mang sức mạnh vật chất tiếp lửa cho các nhà báo trẻ hôm nay của Báo Đầu tư.
TS. Nhà báo Trần Bá Dung (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam)
Nguồn: https://baodautu.vn/ts-tran-ba-dung-bao-dau-tu-dau-tu-nghiep-vu-dung-huong-d152378.html