Tấm gương học tập của lão nông 77 tuổi Nguyễn Ban
Những ngày Tháng Tám lịch sử hào hùng của nước nhà cũng là thời gian sắp chào đón năm học mới. Chúng ta đang hướng về rất gần ngày toàn dân đưa trẻ đến trường - Mồng 5/9 như thường lệ hằng năm.
Năm học 2020 - 2021 đi qua, nỗi ám ảnh về COVID-19 của biết bao thầy trò không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới vẫn còn in đậm. Nay nhìn "bản đồ dịch" đang hoành hành khắp nơi thấy thật lo âu. Nhưng nhìn những gì toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang làm với quyết tâm cao nhất cũng cho ta niềm tin chiến thắng và hy vọng ngày đến trường của các em học sinh là ngày rợp bóng cờ hoa, tiếng cười rộn rã.
Sự học không giới hạn tuổi tác (Ảnh: Internet) |
Trong không khí ấy, xin chia sẻ cùng bạn đọc một câu chuyện về tấm gương học tập của lão nông 77 tuổi tại xã Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam thời kỳ bình dân học vụ sau ngày đất nước giành độc lập năm 1945.
Thời điểm bây giờ điều kiện học tập còn rất khó khăn. Toàn xã Bình Lâm núi rừng trùng điệp, đi lại khó khăn, chính quyền chỉ mở được 2 nơi học trong chương trình Bình dân học vụ, một điểm tại đình làng và một điểm tại nhà dân. Bà con ban ngày đi làm, ban đêm thắp đuốc đến lớp. Sách vở không có, người dùng lá chuối làm giấy, cọ tre làm bút, nhưng trên khuôn mặt mọi người đều rạng rỡ niềm vui sướng khi được đi học chữ quốc ngữ, được làm công dân một nước Việt Nam mới.
Một tuần kiểm tra kết quả học tập một lần. Ban bình dân học vụ xã tổ chức giăng dây các ngã đường vào chợ, mỗi điểm có tấm bảng đen ghi chữ, ai đọc được thì cho đi, ai không đọc được thì cán bộ sẽ hướng dẫn để họ tiếp tục học tập. Chính quyền và nhân dân xác định tinh thần diệt giặc dốt như giặc đói, giặc ngoại xâm nên mọi người tự giác tham gia và vô cùng coi trọng con chữ.
Cụ Nguyễn Ban ở làng An Tường (nay là xã Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam) lúc đó đã 77 tuổi. Cụ không biết chữ quốc ngữ nhưng khi phong trào bình dân học vụ phát triển, cụ ngày đêm miệt mài học tập. Cụ thường nói với con cháu rằng: người Việt Nam mà không biết đọc, biết viết chữ Việt Nam thì thật là hỗ thẹn.
Phong trào bình dân học vụ (Ảnh: Internet) |
Khi cụ biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, cụ mừng quá liền cầm bút viết thư gởi Bác Hồ tỏ lòng biết ơn Đảng, ơn Bác đã đem cái chữ đến cho bà con.
Tháng 8/1949, Bác Hồ tuy rất bận rộn trong công cuộc kháng chiến nhưng từ Chiến khu Việt Bắc, Người đã gửi thư chúc mừng cụ Nguyễn Ban – một lão nông 77 tuổi đã học xong chữ quốc ngữ. Trong thư Người viết:
"… Cụ gởi thư cho tôi biết rằng cụ đã học xong chữ quốc ngữ. Đọc thư cụ tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Noi gương cụ, con cháu cụ, đồng bào Việt Nam từ 7 tuổi đến 70 tuổi ai mà nở lòng làm biếng, ai mà chẳng cố gắng học hành. Đời xưa bên Trung Quốc có ông Tô Lão Tuyền 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm còn để đến ngày nay.
Bác Hồ đến thăm một lớp bình dân học vụ (Ảnh: Internet) |
Bây giờ nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng bốn chữ "lão dương ích tráng" (tức là Già mà chí khí lại càng mạnh). Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Đó là một thành công to lớn và ý nghĩa sâu xa…".
Câu chuyện trên không chỉ là món quà khích lệ các em học sinh phấn đấu vượt khó mà cho tất cả mọi người cần quý trọng việc học, nhất là trong điều kiện hiện nay./.
Cách Tân