Nhà báo Hứa Kiểm - người góp phần lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc

Thông tin nghệ sỹ nhiếp ảnh - nhà báo Hứa Kiểm, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) qua đời khiến người thân, đồng nghiệp và bạn bè ông bàng hoàng, hụt hẫng.

Nhà báo Hứa Kiểm gặp gỡ với người dân trên đường phố Sài Gòn sáng 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Tiếc thương ông, nhà báo lão thành - người đã gắn bó với nhiều chiến trận, người luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất, để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong chiến tranh. Những bức ảnh của ông đã trở thành tư liệu vô cùng quý giá, lưu giữ nhiều khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.

Nhà báo chiến trường

Nhà báo Hứa Kiểm (tên thật là Hứa Thanh Kiểm) sinh năm 1938, là người dân tộc Tày, quê ở tỉnh Lạng Sơn. Năm 1953, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên ấy đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hứa Kiểm được đơn vị cử đi học, sau đó về làm giáo viên văn hóa của Tổng cục Chính trị. Năm 1964, Mỹ đánh phá miền Bắc, ông lại viết đơn xung phong ra trận. Theo sự phân công của đơn vị, năm 1965, ông tham gia học khóa Nhiếp ảnh Thông tấn cùng các nhà báo Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng… do Việt Nam Thông tấn xã mở lớp.

Nhà báo Hứa Kiểm khởi đầu sự nghiệp phóng viên chiến trường của mình từ năm 1966, bằng một đợt thường trú 6 tháng ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Từ đó, ông thường xuyên được phân công công tác tại các mặt trận, chụp những trận đánh lớn, các chiến dịch quan trọng như trận pháo kích Cồn Tiên, Dốc Miếu năm 1967; trận Cù Đinh, Ba De (năm 1968); túc trực ở trọng điểm giao thông Trường Sơn ATP (cua Chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Pu La Nhích) từ năm 1969 - 1970.

Cuối năm 1970, Hứa Kiểm đi cùng quân dân Campuchia, chụp ảnh các trận đánh giải phóng Stung-treng và Ka-ra-chia. Năm 1971 - 1972, ông lại trực chiến thường xuyên ở các trận địa cao xạ, tên lửa, không quân, hải quân; lăn lộn với binh chủng tăng, thiết giáp ở miền Bắc… Mùa xuân năm 1975, Hứa Kiểm được phân công cùng với các phóng viên ảnh Vũ Tạo, Đinh Quang Thành và phóng viên tin Trần Mai Hưởng trong Tổ tin, ảnh mũi nhọn của TTXVN, đi cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bốn năm sau, ông trở lại Campuchia ghi tiếp hình ảnh nước bạn đánh đổ chế độ diệt chủng…

Có thể nói, cuộc đời của nhà báo Hứa Kiểm gắn liền với các mặt trận, các trận đánh lớn, lịch sử của dân tộc. Nhưng có lẽ ông gắn bó nhiều hơn, ấn tượng nhiều hơn với tuyến lửa Vĩnh Linh. Nơi đây có binh trạm 14, là binh trạm cửa khẩu, nơi có nhiều trọng điểm ác liệt nhất. Trong binh trạm đó có 3 trọng điểm liên hoàn ATP (tên viết tắt của cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Pu La Nhích). 3 trọng điểm này địch thường xuyên bắn phá liên tục, thậm chí địch còn mang cả B52 ra quần đảo, nhằm cắt đứt con đường huyết mạch, tiếp tế lương thực, đạn dược vào trong chiến trường khi đó. Những năm 1967 - 1969, Vĩnh Linh bị địch quần đảo ác liệt đến mức, nơi đây được gọi là “vùng đất chết”, bởi ngay cả cỏ cũng không kịp mọc.

Ngày ấy, khi chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh, chàng phóng viên trẻ Hứa Kiểm luôn trăn trở, làm thế nào để đưa được những hình ảnh này vào ống kính, để có những bức ảnh có chất lượng gửi về cơ quan, góp phần cổ động các tầng lớp nhân dân… Chính vì vậy, khi anh em chiến sỹ đề xuất phóng viên nên ở trong khu vực an toàn, Hứa Kiểm kiên quyết đề nghị, hãy cho ông ra mặt đường, ra chỗ ác liệt nhất để tác nghiệp, với một lý do đơn giản, nếu chỉ ngồi trong hầm, làm sao có thể có những tác phẩm chất lượng.

Vậy là ông lăn xả ra đường, tìm đến mọi ngóc ngách trên “cung đường lửa” để tác nghiệp. Ông phục nhiều giờ đồng hồ ở cua chữ A, nơi ác liệt nhất chỉ để chờ ghi lại khoảnh khắc đoàn xe đi qua. Ông chờ từ sáng đến trưa để được chứng kiến và lưu giữ lại thời khắc anh em tuyên thệ trước khi vượt cung đường lửa. Ông không ngần ngại lội ngập trong bùn đất, để ghi lại cảnh anh em chiến sỹ vượt những đoạn đường lầy lội… Ông ghi lại cảnh ngầm Tà Lê bị bom đạn cày nát như cám, rồi những hình ảnh anh em công binh và thanh niên xung phong, sau mỗi đợt bom lại lao ra khẩn trương san lấp, giải phóng đường để ô tô tiếp tục hành trình…

Sinh thời, nhà báo Hứa Kiểm đã từng nói: “Làm phóng viên chiến trường là phải biết lăn xả, phải chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận hy sinh thì mới có được những bức ảnh tốt. Chỉ có vào những chỗ gian khổ nhất, mới có thể có được vinh quang”.

Và vinh quang đến với ông từ những lần lăn xả đó. Bộ ảnh “Đường 20 Quyết thắng” gồm năm ảnh: “Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe”, “Vượt lầy”, “Chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 Quyết thắng”, “Mở đường qua ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ” và “Cua chữ A - một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP” của ông là một bộ ảnh rất có giá trị, giúp công chúng của nhiều thế hệ sau này biết được những khó khăn, gian khổ, những nỗ lực vượt khó và chiến tích phi thường của chiến sỹ ta ngày ấy. Bộ ảnh đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (lĩnh vực nhiếp ảnh) năm 2016. Cá nhân ông cũng được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Quân công hạng Ba (1981), Huy chương Chiến thắng hạng Hai (1960), Huy chương Quân kỳ quyết thắng (1981), Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, hạng Hai, hạng Ba (1960).

Một con người nhiệt huyết

Những ai đã từng gặp nhà báo Hứa Kiểm, chắc hẳn sẽ không thể quên hình ảnh một nghệ sỹ nhiếp ảnh - nhà báo lão thành hào sảng, đầy nhiệt huyết với nghề.

Nói về nhà báo Hứa Kiểm, nhà báo Chu Chí Thành, Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, nhà báo Hứa Kiểm là một trong số ít ỏi những anh em người dân tộc tham gia làm báo trong chiến tranh và có thành tích đáng tự hào.

Theo nhà báo Chu Chí Thành, nếu như trong cuộc sống, nhà báo Hứa Kiểm là người sống khiêm tốn, chan hoà, vui vẻ, hoà nhã, rất được bạn bè đồng nghiệp yêu mến, quý trọng, thì trong công việc, ông là người xông xáo, say mê và hết lòng với nghề. Ông làm việc rất có trách nhiệm. Trong tổ ảnh quân sự những năm 1967-1975, nhà báo Hứa Kiểm luôn là người sẵn sàng xông pha vào những nơi gian khổ ác liệt để chụp những bức ảnh chân thực, sống động về cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, gây ấn tượng cả với công chúng trong và ngoài nước.

Nhà báo Chu Chí Thành kể, năm 2013, ông giới thiệu nhà báo Hứa Kiểm với Tổ chức ảnh báo chí quốc tế của Pháp có tên: Thị thực hình ảnh (Visa pour L´Image). Khi được xem ảnh của nhà báo Hứa Kiểm, các nhà nhiếp ảnh Pháp thực sự vui mừng, lập tức mời ông gửi ảnh và sang dự Festival ảnh báo chí quốc tế lần thứ 26 vào cuối tháng 9/2014 ở Perpignan miền Nam nước Pháp. Tại Festival này, nhà báo Hứa Kiểm đã trực tiếp giới thiệu ảnh của mình với người xem. Những bức ảnh của ông đã làm công chúng nơi đây ngạc nhiên và xúc động. Trong đó, bức ảnh “Công binh vượt lầy trên đường Trường Sơn” của ông được phóng to chừng 60-70 m2, căng ngang dòng suối giữa lòng thành phố cổ cùng 3 ảnh ngang cỡ to như vậy của 3 tác giả Việt Nam: Đoàn Công Tính, Mai Nam, Chu Chí Thành, làm tiêu điểm quảng bá cho Festival.

Nhà báo Chu Chí Thành đánh giá, trong lịch sử phát triển nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là trong những năm chống Mỹ, nhiếp ảnh Việt Nam phát triển rất mạnh, những bức ảnh của nhà báo Hứa Kiểm rất có giá trị. Đó là những bức ảnh chân thực lột tả được những gian khổ, khó khăn trong chiến tranh, nhưng cũng là những bức ảnh có tính nghệ thuật, gây ấn tượng lớn với công chúng trong và ngoài nước.

“Có thể nói, nhà báo Hứa Kiểm đã có những tác phẩm ảnh đỉnh cao, hình ảnh quý, qua đó công chúng có thể thấy được nhiều thế hệ người Việt Nam trong những năm chiến tranh. Hàng nghìn bức ảnh của nhà báo Hứa Kiểm để lại cho TTXVN là kho tư liệu vô cùng quý giá. Đây không chỉ là tài liệu quý, mà còn là những tác phẩm ảnh nghệ thuật giá trị góp phần làm cho kho tàng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam thêm dầy dặn và phong phú”, nhà báo Chu Chí Thành khẳng định.

Nhà báo Chu Chí Thành chia sẻ, ông vô cùng bàng hoàng, đau xót và cảm thấy hụt hẫng khi nghe tin nhà báo Hứa Kiểm qua đời. Bởi với ông, nhà báo Hứa Kiểm không chỉ là đồng nghiệp, mà còn là một người anh, một người đồng chí, đồng đội thân thiết mà ông đã gắn bó trong mấy chục năm qua. “Mấy anh em chúng tôi vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhau. Mới đây, tôi còn gọi điện cho anh Hồng Thụ (phóng viên Tổng cục chính trị, cùng thế hệ với nhà báo Hứa Kiểm - PV) để bàn việc rủ anh Kiểm cùng mấy anh em nữa chọn ảnh và chuẩn bị tham gia triển lãm kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị, nhưng chưa kịp làm gì mà anh ấy đi mất rồi”, nhà báo Chu Chí Thành ngậm ngùi chia sẻ.

Nhà báo Chu Chí Thành cho biết, ông sẽ cùng những người ở lại tiếp tục lựa chọn những bức ảnh giá trị của nhà báo Hứa Kiểm để đưa vào trưng bày tại triển lãm sắp tới, như một sự tưởng nhớ, tri ân đến người anh, người đồng đội, đồng nghiệp… là tình cảm yêu mến, quý trọng của những người ở lại với người đã ra đi.

Hôm nay, ngày 7/7/2021, người thân, bạn bè, đồng nghiệp có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội để tiễn đưa nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Hứa Kiểm về nơi an nghỉ cuối cùng.

Vĩnh biệt ông, một nhà báo lão thành, người phóng viên chiến trường kỳ cựu, một người hết lòng đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, người nổi tiếng với những bức ảnh để đời.

Nguồn: Phương Lan (TTXVN)

https://baotintuc.vn/van-hoa/nha-bao-hua-kiem-nguoi-gop-phan-luu-giu-nhung-khoanh-khac-lich-su-cua-dan-toc-20210707101348144.htm

Tin nổi bật