Dinh dưỡng là yếu tố ngoại cảnh quan trọng bậc nhất vào phát triển chiều cao cho Người Việt
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận.
Đây là thông tin được GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia tại Hội thảo tham vấn kĩ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và giới thiệu các mô hình can thiệp” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam (NIN) cùng Mạng lưới các Tổ chức xã hội vì Dinh dưỡng Việt Nam (SUN CSA Việt Nam) vừa phối hợp tổ chức cho biết.
Theo GS. TS. Lê Danh Tuyên, lần đầu tiên nước ta giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi xuống dưới 20% (giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng gầy còm giảm từ 7,1% năm 2010 xuống còn 5,2% vào năm 2019.
Chiều cao người Việt cũng đã có sự gia tăng đáng kể so với giai đoạn cũ. Năm 2020, chiều cao trung bình của nam giới đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), chiều cao của nữ giới đạt 155,6cm (tăng 0,8cm so với năm 2010: 154,8 cm), giúp Việt Nam tăng 2 bậc, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
“Đây là bước bật nhảy lớn, cho thấy những nỗ lực trong vấn đề cải thiện dinh dưỡng người Việt. Dinh dưỡng là yếu tố ngoại cảnh quan trọng bậc nhất vào phát triển chiều cao”, GS Tuyên nhấn mạnh.
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, thực trạng dinh dưỡng người Việt hiện còn tồn đọng rất nhiều vấn đề. Theo GS Tuyên, một vấn đề đáng quan ngại là tại một số tỉnh miền núi, tình trạng suy dinh dưỡng vẫn là gánh nặng lớn dù tỷ lệ suy sinh dưỡng ở trẻ em nói chung đã giảm.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi ở một số tỉnh còn khá cao (Hà Giang 31,7%, Cao Bằng 30,4%, Kon Tum 33,4%, Gia Lai 32,%,…)
Đặc biệt, vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì đang rất đáng quan ngại. Năm 2010, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,6%, từ 5-19 tuổi là 8,5% thì hiện tại, con số này lên tới 7,4% ở trẻ dưới 5 tuổi, 19% ở nhóm tuổi từ 5-19. Tình trạng này nghiêm trọng nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Một loạt bệnh không lây nhiễm ở người Việt đang gia tăng như tiểu đường, ung thư, đột quỵ,… là hệ quả của chế độ ăn uống không hợp lý.
GS Tuyên cho biết, Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 là tổng hợp giải pháp cho những vấn đề dinh dưỡng cần giải quyết trong giai đoạn cũ, bao gồm các vấn đề nói trên.
Tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe Bộ Y tế và đại diện nhóm xây dựng chiến lược báo cáo một số nội dung quan trọng trong dự thảo Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn mới. Hiện nay, nhóm xây dựng đang làm việc rất tích cực để hoàn thiện chiến lược theo đúng tiến độ được giao.
Linh Khang