Tiếp tục phát hành 3 cuốn sách thuộc bộ danh họa Larousse

3 cuốn tiếp theo trong Bộ danh họa Larousse gồm: “Paul Cézanne” của tác giả Gérard Denizeau cùng “Johannes Vermeer” và “Hokusai” của hai tác giả Johann Protais và Éloi Rousseau, tiếp nối thành công của 3 cuốn: “Paul Gauguin”, “Claude Monet” và “Vincent Van Gogh” đã ra mắt tại Việt Nam trước đó.

Bộ sách nằm trong chuỗi tác phẩm giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của các danh họa nổi tiếng, được mua bản quyền từ Nhà xuất bản Larousse của Pháp - đơn vị có truyền thống 150 năm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản từ điển và bách khoa toàn thư với các tác phẩm đã trở thành tài liệu tham khảo phổ biến tại Pháp và trên thế giới.

Đây cũng là bộ sách quan trọng trong chuỗi tác phẩm về các tác giả và tác phẩm hội họa nổi tiếng, thuộc tủ sách nghệ thuật của Omega+.

Gérard Denizeau (25/10/1953) là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nhà âm nhạc và cây viết người Pháp với một khối lượng đồ sộ các tác phẩm thuộc đủ thể loại: tiểu thuyết, thơ ca, báo chí, sách về mỹ thuật và âm nhạc.

Ông từng sản xuất rất nhiều chương trình cho kênh radio France Culture từ năm 1992 - 1993. Ông cũng chính là tác của của hai cuốn “Claude Monet” và “Vincent Van Gogh” trong Bộ danh họa Larousse đã được Omega+ phát hành trước đó.

Khắc họa chân dung họa sĩ thiên tài với một sức mạnh chân chính, một chất trữ tình Địa Trung Hải

Trong cuốn Paul Cézanne, Denizeau đã phân tích một lượng phong phú các kiệt tác, qua đó khắc họa chân dung người họa sĩ thiên tài với một sức mạnh chân chính, một chất trữ tình Địa Trung Hải, một kỷ luật nghiêm khắc, một sự thanh lịch kín đáo cùng một ý chí sáng tạo bậc thầy.

Tự gọi mình là “con người sơ khai của nghệ thuật mới”, Paul Cézanne đã gia nhập đội ngũ những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất, vượt ra ngoài khuôn khổ các lý thuyết của trường phái Ấn tượng.

Các nhà sử học nghệ thuật thậm chí còn coi ông là một trong những cha đẻ của nghệ thuật hiện đại. Loạt tranh tĩnh vật nổi tiếng của ông với táo và cam, những người đi tắm hoặc quang cảnh núi Sainte-Victoire... không chỉ ghi dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật thế kỷ XIX mà còn tiếp tục mê hoặc những du khách hiện đại đến các bảo tàng trên thế giới.

Johannes Vermeer và Hokusai đưa độc giả chu du tới những quốc gia khác trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật

Nếu “Paul Cezanne” mang độc giả vào hành trình khám phá lịch sử nghệ thuật thế kỷ XIX tại Pháp thì hai cuốn Johannes VermeerHokusai lại đưa độc giả chu du tới những quốc gia khác trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật.

Một trong hai tác giả của hai cuốn sách - Johann Protais (1979) tốt nghiệp Trường Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne chuyên ngành Lịch sử, Protais từng có thời gian làm việc tại Bảo tàng Louvre.

Hiện nay, khi đã là giảng viên dạy Lịch sử và có chứng chỉ chuyên môn về Lịch sử Nghệ thuật, Protais dạy học ở Paris và là tác giả, đồng tác giả của nhiều cuốn sách viết về các danh họa và lịch sử nghệ thuật. Trong khi đó, đồng tác giả - Éloi Rousseau (1978) từng học tại Trường Phổ thông Lourve, sau đó tốt nghiệp Đại học Paris-Sorbonne (ngành Lịch sử Hiện đại) và Đại học Paul Valéry với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Nghệ thuật, Rousseau hiện là giáo viên dạy lịch sử và là sử gia nghệ thuật với nhiều tác phẩm đã được xuất bản. Rousseau đã cộng tác với nhiều nhà xuất bản lớn, như Larousse, Palette và Silvana.

Trong cuốn Johannes Vermeer, không chỉ khắc họa chân dung và cuộc đời vị họa sĩ người Hà Lan, hai tác giả còn cho phép độc giả tiếp cận với nhiều danh họa tài năng khác của xứ sở hoa tuy-lip như Rembrandt, Gerard Dou, Jan Steen, Gerard Ter Borch...

Khi đặt những tác phẩm cạnh nhau, có thể thấy sự giống nhau và nét đặc sắc phân biệt giữa Vermeer và các danh họa trên. Hội họa Hà Lan giai đoạn đỉnh cao có rất nhiều họa sĩ thành danh và ghi dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật. Nổi bật trong thời kỳ Hoàng kim của hội họa Hà Lan là Vermeer. Ông đã để lại cho chúng ta những tác phẩm đặc sắc về thể loại, phong cách, kỹ thuật vẽ cũng như sự phúng dụ ẩn sau tác phẩm.

Với cuốn Hokusai, độc giả lại có dịp quay trở về châu Á với những tác phẩm tranh in khổ lớn vẽ chim, hoa, bức “Sóng lừng” hay loạt tranh “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ” của vị họa sĩ tài hoa người Nhật đã được giới thiệu đến Pháp, trở thành đại diện cho nghệ thuật Nhật Bản, và có ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nghệ sĩ như Monet, Van Gogh và Gauguin.

Sinh ở Edo năm 1760, bậc thầy tranh in Nhật Bản Hokusai đã để lại một số lượng đồ sộ các tác phẩm hết sức đa dạng. Bên cạnh những bức tranh sinh hoạt thường ngày được thể hiện với khiếu hài hước, Hokusai cũng nổi tiếng với các bức tranh phong cảnh hùng vĩ đẹp như mơ với độ chính xác tuyệt hảo.

Trong phần đầu của cuốn sách, Protais và Rousseau mang đến một cái nhìn mới về các tác phẩm của Hokusai bằng cách giải thích kỹ thuật và chìa khóa để hiểu từng bản in, minh họa cho các nội dung đó là một số lượng phong phú các tác phẩm dọc theo hành trình sang tạo của nghệ sĩ nổi tiếng nhất Nhật Bản này. Phần còn lại là 100 tác phẩm đẹp nhất của ông.

ND

Tin nổi bật