Chuyển đổi số để người dân không phải xếp hàng dài chờ khám bệnh

Phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số (CĐS) y tế quốc gia năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Điều mà người dân cần nhất đó chính là được tư vấn, khám, chữa bệnh với bác sĩ giỏi mà mình tin tưởng.

Theo Phó Thủ tướng, khi người dân bị ốm hoặc gia đình có người gặp vấn đề về sức khoẻ thì ai cũng muốn khám bệnh ở bệnh viện tuyến trên với bác sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn cao. Không chỉ vậy, từ lâu mỗi người dân đều luôn mơ ước được quản lý sức khoẻ, có bác sĩ riêng chăm sóc sức khoẻ (CSSK) định kỳ.

Hiện nay, hầu hết các cán bộ đều được CSSK một cách kỹ lưỡng, khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, sức khoẻ của người dân lại chưa được quan tâm, chăm sóc kỹ càng như vậy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: CĐS y tế đóng vai trò quan trọng trong CSSK cho người dân

Chính vì thế, Phó Thủ tướng cho biết CĐS y tế đóng vai trò quan trọng trong CSSK cho người dân. Với những ứng dụng công nghệ hiện đại, được tích hợp trên điện thoại thông minh, điển hình là nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, người dân sẽ không phải lo lắng, xếp hàng dài ở bệnh viện để chờ khám bệnh mà ngay lập tức sẽ được các bác sĩ tư vấn sức khoẻ trực tuyến.

Nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK của người dân, Bộ Y tế dự kiến tới ngày 1/7/2021, mỗi người dân sẽ có một bác sĩ riêng để CSSK. Bên cạnh việc tăng cường CĐS để CSSK cho người dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải có kế hoạch sửa đổi chính sách thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).

Hiện chúng ta đã mở được diện bao phủ bảo hiểm ra toàn dân, so với 5 năm trước đây chi phí được chi trả khám chữa bệnh BHYT tăng gấp 2 lần. Khi người dân ốm, bảo hiểm thanh toán, còn khi khoẻ thì không có chính sách chi trả. Nếu người dân muốn khám, chữa bệnh thêm thì phải bỏ tiền túi. Ở nước ta là vậy, nhưng tại các nước trên thế giới có chính sách CSSK kỹ càng cho người dân cả trong trạng thái giữa ốm và khoẻ. Điển hình là việc thăm khám sức khoẻ định kỳ và khám sàng lọc. "Hiện nay, BHYT chưa thanh toán khám sức khoẻ định kỳ và khám sức khoẻ sàng lọc", Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, tới đây BHYT phải xem xét, tính toán để chi trả chi phí này, đảm bảo cho người dân phòng bệnh, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí chữa bệnh về sau.

Ngoài ra, người dân rất cần được tư vấn để mua thuốc, uống thuốc theo đơn với giá cả, chất lượng, xuất xứ công khai, minh bạch. Theo khảo sát của các tổ chức quốc tế, giá thuốc ở Việt Nam đang rẻ hơn rất nhiều so với các nước ASEAN.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mục tiêu cuối cùng của CĐS y tế là CSSK cho người dân trong điều kiện chưa có nhiều kinh phí. Người dân phải biết tự phòng bệnh, CSSK cho bản thân, đồng thời, được tư vấn tự động bằng chatbot để phòng bệnh.

Thời gian qua, ngành Y tế đã chú trọng ứng dụng CNTT trong phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho người dân. Đến nay, ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả bước đầu trong CĐS. Tuy nhiên, con đường CĐS toàn diện ngành Y tế phía trước còn rất dài và nhiều khó khăn. Điển hình là việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Mặc dù đã được triển khai cách đây hơn 4 năm nhưng Bộ Y tế vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với BHYT để thực hiện.

Do đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với BHYT để triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Có thể thấy, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, CNTT thực sự là công cụ hữu hiệu trong phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh.

Để thực hiện tốt CĐS y tế thì hành lang pháp lý và cơ chế tài chính đều phải sửa đổi. Ở bệnh viện, các loại máy móc, trang thiết bị y tế,… đều được hạch toán nhưng ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh cho người dân thì chưa thể hạch toán bởi hầu hết các bệnh viện chưa coi ứng dụng CNTT là trang thiết bị y tế có tiêu hao.

Theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các đơn vị phải có cơ chế rõ ràng để thanh toán chi phí đối với các ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vinh danh các đơn vị đóng góp cho CĐS ngành Y tế

Bộ Y tế tiên phong về CĐS

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế là bộ rất tiên phong đi đầu về CĐS, ứng dụng khoa học công nghệ, CNTT hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với VPCP, triển khai kết nối Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia với Cổng DVC, tích hợp, cung cấp 106 DVC/529 thủ tục hành chính trên Cổng DVC quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Bộ Y tế là Bộ rất tiên phong đi đầu về CĐS

Mới đây, Bộ Y tế đang tích cực triển khai chia sẻ dữ liệu kết quả khám sức khoẻ của lái xe, kết nối với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, theo lộ trình thực hiện dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 và triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia nhất là liên quan đến vấn đề lệ phí.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đánh giá cao Bộ Y tế tích cực triển khai gửi nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia với số lượng tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, khoảng 55.000 văn bản đã liên thông gửi nhận văn bản với 1228 đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ sở y tế, bệnh viện. 100% lãnh đạo Bộ và lãnh đạo trực thuộc của Bộ Y tế đã được cấp chữ ký số cá nhân và thực hiện phê duyệt hồ sơ điện tử, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử. Tỷ lệ văn bản có ký số đạt trên 95%.

Tiếp theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá Bộ Y tế là một trong những bộ kết nối hoàn thành cập nhật dữ liệu 5/5 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trên hệ thống thông tin báo cáo chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trung tâm Chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Bộ Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh cả ứng dụng AI. Thí điểm triển khai robot tại các bệnh viện và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đến nay đã lập được trên 90 triệu hồ sơ khám sức khoẻ. Phần mềm tiêm chủng mở rộng, trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý; 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện, 99,5% cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh/thành đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Một số bệnh viện triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.

Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế ứng dụng CNTT để khám chữa bệnh từ xa và phát huy hiệu quả rõ rệt, đến nay đã chạm mốc 1000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa. Nhiều ứng dụng hỗ trợ tốt cho phòng chống dịch bệnh Covid, bản đồ chung sống an toàn với Covid. Bộ đã triển khai và khai trương Cổng thông tin điện tử công khai giá trang thiết bị y tế. Đây là bước tiến lớn của Ngành y tế giúp các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm đảm bảo công khai, minh bạch công bằng trong việc mua sắm và đấu thầu trang thiết bị.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, CĐS cần được triển khai, giải quyết tốt, đồng thời xử lý đồng bộ cả 3 mối quan hệ là trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp, CĐS trong nội bộ DN, đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ công. Bên cạnh đó, phải đảm bảo hệ thống đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai.

Nguồn: ictvietnam.vn

Tin nổi bật