Mỗi doanh nghiệp hãy nhìn ra một "nỗi đau" của đất nước và giải bằng công nghệ
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi doanh nghiệp (DN), mỗi người dân hãy nhìn ra một "nỗi đau" của đất nước và giải quyết bằng công nghệ, từ đó đưa DN và đất nước phát triển.
Người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ số lần thứ 2 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/12.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dâ |
DN vĩ đại khác biệt ở khả năng "tái sinh"
Phát biểu kết luận tại diễn đàn sau 1 ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, DN vĩ đại khác DN bình thường ở chỗ nó có khả năng tái sinh. Ví dụ như IBM, đầu tiên họ làm máy tính, máy chủ nhưng hiện tại IBM còn là một DN sản xuất máy tính nữa hay mới nhất là Microsoft, DN này đặt ra mục tiêu 10 năm sẽ tái tạo một lần, làm mới mình, để có thể tồn tại lâu dài.
Từ đó, Bộ trường cho rằng, nhiều DN chủ động tái sinh, do đặt ra mục tiêu tạo ra không gian mới, như Microsoft, nhưng cũng có những DN lại do tác động xung quanh hay có những DN cần một chương trình như Make in Vietnam để tái sinh.
Để dẫn chứng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói về câu chuyện của Misa 1 năm trước đây, Bộ trưởng đã đặt ra bài toán cho Misa về nền tảng phần mềm kế toán, để một người kế toán ở Hà Nội có thể thực hiện công việc này cho một DN ở vùng biên giới. "Đến hôm nay, Misa nói rằng nền tảng này đã sẵn sàng. Điều đó có nghĩa Misa đã thay đổi vì lời kêu gọi của đất nước, chuyển mình từ một ứng dụng CNTT sang một ứng dụng nền tảng", Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, Chính phủ Việt Nam là một chính phủ hành động, chứ không chỉ niềm tin, như Diễn đàn ngày hôm nay hay "ngày thứ 6 công nghệ" mà Bộ giới thiệu các sản phẩm mang tính chất nền tảng, giải bài toán Việt Nam và đảm bảo ATTT.
"Chương trình này quan trọng không chỉ với những DN nhỏ it người biết đến mà còn với cả những công ty lớn như FPT cũng mong muốn giới thiệu sản phẩm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Với câu hỏi về vấn đề "cởi trói" chính sách cho các DN số phát triển, Bộ trưởng cho biết, nói đến chuyển đổi số là nói đến chuyện thay đổi vận hành, thay đổi chính sách, vì vậy, các quốc gia trên thế giới mới nghĩ đến sandbox (cơ chế thử nghiệm). Nhưng để ra được một sandbox lại liên quan đến nhiều quy định của bộ ngành. "Bộ TT&TT sẽ là cơ chế một cửa để các DN công nghệ số tìm đến khi gặp khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, để đưa các hoạt động xã hội lên môi trường số, có hai việc quan trọng, đầu tiên là định danh số - để có thể dùng tên mình thực hiện các hoạt động trên nền tảng số và chữ ký số cá nhân, hiện tại mới chỉ có chữ ký số cho DN. Lãnh đạo Bộ TT&TT đã đặt ra yêu cầu trong năm 2021 phải giải xong câu chuyện chữ ký số cá nhân với mức giá chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/năm. Việc thứ hai là thanh toán số với Mobile Money, thay vì thẻ ngân hàng. "Hai việc này sẽ tạo ra không gian rộng cho các DN công nghệ số phát triển", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: các DN công nghệ số nên tiếp cận vùng nông thôn, những nơi khó khăn nhất. |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các cuộc cách mạng đều dành cho những nước đang phát triển trở thành nước phát triển và chỉ lựa chọn khoảng 5-6 nước, chứ không dành cho tất cả. CMCN 4.0 cũng như vậy, cũng chỉ dành cho không quá 10 nước và dành cho những "người đi đầu". Ở cuộc CMCN lần thứ 3, Việt Nam đi sau 20-30 năm nên đặt vấn đề bao gồm theo kịp, đi cùng và vượt lên.
Nhưng với CMCN 4.0, Việt Nam với các nước phương Tây ở cùng một điểm xuất phát. Chưa kể đến, ở những cuộc cách mạng mới, những nước đã phát triển thường không muốn thay đổi.
"Như với thanh toán tiền di động (Mobile Money), nước phát triển mạnh nhất tiện ích này lại là Kenya cách đây 13 năm, bởi vì chỉ những người khó khăn, nghèo khó, có khát vọng vươn lên mới là những nước đi đầu, Do đó, ở CMCN 4.0, công cuộc chuyển đổi số, Việt Nam hãy là nước đi đầu, bứt phá vươn lên và đưa sản phẩm đi ra toàn cầu", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Chưa kể đến, khác với các cuộc cách mạng khác, CMCN 4.0 có một đặc điểm đó là người dùng là yếu tố quyết định, thay vì "ai nắm công nghệ là người quyết định". Do đó, CMCN 4.0 sẽ tạo cơ hội cho những nước đi đầu về mặt ứng dụng, những nước dám thay đổi thể chế, mô hình hoạt động.
"Trong Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ XIII có nhiều điểm mới, trong đó chính thức tuyên bố khát vọng Việt Nam, hùng cường thịnh vượng, là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Chúng ta chọn con đường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Việt Nam sẵn sàng thay đổi mô hình để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia", Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, CMCN 4.0 còn rất "nhân văn", giúp cho những người nghèo nhất, khó khăn nhất được tiếp cận những dịch vụ tốt nhất, với giá gần như bằng 0. Bởi vì, công nghệ số là các nền tảng (platform), càng nhiều người dùng thì giá thành càng rẻ. Vì thế, với dân số gần 100 triệu như Việt Nam, giá sẽ gần như bằng 0 nếu tính chi phí phát triển chia cho đầu người. Đó là chưa kể, càng dùng nhiều bao nhiêu, nền tảng sẽ càng thông minh bấy nhiêu.
Vì thế, Bộ trưởng cho rằng, các DN công nghệ số nên tiếp cận vùng nông thôn, những nơi khó khăn nhất, như việc phát triển các sàn thương điện tử để giao thương giữa vùng đồng bằng với các tỉnh biên giới.
80% "nỗi đau" ở Việt Nam cũng là của toàn cầu
Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, công nghệ số với khái niệm nền tảng phục vụ cho hàng chục triệu người dùng, không phải đào tạo từng người khi được thiết kế đơn giản để bất kì ai cũng có thể sử dụng và đẩy nhanh chuyển đổi số. Câu chuyện DN công nghệ số Việt Nam không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP đất nước mà còn làm thay đổi Việt Nam.
Để dẫn chứng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra câu chuyện giới thiệu phần mềm khám chữa bệnh từ xa, để mỗi người dân dùng smartphone có thể được tư vấn bởi bác sĩ trên toàn quốc, từ đó nâng tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân hay với ứng dụng DrAid, giúp sức một bác sĩ ở huyện cũng có thể chẩn đoán hình ảnh chính xác, để bệnh nhân không cần phải lên tuyến trên.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng, mỗi DN, mỗi người dân hãy nhìn ra một "nỗi đau" của đất nước và giải quyết bằng công nghệ. Nếu giải tốt "nỗi đau" thì sẽ không bao giờ thất bại vì rủi ro là rất nhỏ, để từ đó đi lên, DN và đất nước phát triển. Bộ trường khẳng định, 80% "nỗi đau" đó sẽ giống các nước trên toàn cầu vì bài toán của các nước không khác nhau nhiều.
Bộ trưởng đã đưa ra câu chuyện của Viettel, thành công ở các nước cũng vì giải bài toán giống như ở Việt Nam. "Mạng di động có nhiều điểm giống với platform, càng nhiều người dùng thì chi phí càng rẻ. Chuyển đổi số làm tốt hơn cái đáng có, lại có giá thành rẻ hơn thì sẽ thành công", Bộ trưởng nhấn mạnh,
Nhận xét về diễn đàn được tổ chức ngày hôm nay, Bộ trưởng cho rằng, các diễn giả Việt Nam đều rất tự tin, điều mà trước đây chỉ thấy ở các diễn giả nước ngoài tham gia. Các DN Việt Nam đều nói những câu chuyện lớn, suy nghĩ lớn, trình bày rất thuyết phục bởi vì đều là những người làm, nói chuyện DN mình. "Vì thế, tôi rất tin tưởng các mục tiêu như Make in VietNam, phát triển DN công nghệ số sẽ thực hiện được. Năm 2025 sẽ có 100.000 DN công nghệ số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm.