Một tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật ra mắt tại Việt Nam

“Câu chuyện nghệ thuật” (tên tiếng anh: “The Story of Art”) là một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật, in lần đầu năm 1950 và trong 70 năm qua, được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn 8 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới.

Ấn bản mới nhất được ra mắt là tái bản lần thứ 16 đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch tiếng Việt được dàn số trang tương đương với bản gốc tiếng Anh của nhà xuất bản Phaidon, để đảm bảo tương ứng giữa nội dung và hình ảnh minh họa.

E. H. Gombrich (30/03/1909 – 03/11/2001) là một nhà sử học nghệ thuật gốc Áo và tác giả của nhiều tác phẩm về lịch sử văn hóa, lịch sử nghệ thuật, trong đó nổi bật nhất là “The Story of Art” - một trong những tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả, và “Art and Illusion” – một công trình nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý học của nhận thức có ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng như Carlo Ginzburg, Nelson Goodman, Umberto Eco và Thomas Kuhn.

Theo Gombrich, độc giả theo dõi các tác phẩm của ông được chia thành hai nhóm công chúng hoàn toàn khác biệt. Trong nhóm các học giả, ông được biết đến với những công trình nghiên cứu về thời kỳ Phục hưng và tâm lý học của nhận thức, cùng quan điểm độc đáo về lịch sử và truyền thống văn hóa. Đối với nhóm độc giả không chuyên, ông nổi tiếng với các bài viết mang tính tức thời cũng như khả năng trình bày tác phẩm học thuật một cách rõ ràng, dễ tiếp cận, không cầu kỳ.

Trong “Câu chuyện nghệ thuật” – tác phẩm nổi tiếng nhất của Gombrich, tác giả đã kể cho người đọc câu chuyện về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, dựa trên những khảo sát và đánh giá của ông về nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo.

Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê các yếu tố lịch sử và nghệ thuật, E. H. Gombrich tập trung lột tả những thay đổi liên tục trong mục đích nghệ thuật để biến chúng thành dòng chảy chủ đạo cho câu chuyện trong cuốn sách, cũng như chỉ ra sự tương đồng hay đối lập giữa các tác phẩm của mỗi thời đại, từ đó mang đến một cái nhìn bao quát về nghệ thuật châu Âu qua từng thời kì.

Với khoảng 60% dung lượng dành cho ảnh màu minh họạ, ấn bản thứ 16 có sự tương quan thị giác giữa nội dung và hình ảnh, đồng thời được bổ sung các trang gấp mô phỏng nhiều bức họa cùng tác phẩm khổ lớn, phần chú thích cuối sách cũng được cập nhật đầy đủ hơn so với các phiên bản trước đây…

Đặc biệt, 600 trang sách về lịch sử nghệ thuật được kể một cách dễ hiểu, không sử dụng bất kì biệt ngữ hay các ẩn dụ lý thuyết phức tạp, bởi ban đầu Gombrich viết cuốn sách với mong muốn dành cho các độc giả trẻ vừa bước chân vào thế giới nghệ thuật.

Cuốn sách sẽ giúp những người ngoại đạo thấy được đường hướng phát triển của câu chuyện mà không bối rối với vô vàn tiểu tiết, đưa độc giả đến một trật tự dễ hiểu với phong phú những cái tên, những thời kỳ và phong cách vốn ngập tràn trong các tác phẩm đầy tham vọng, nhằm trang bị cho quá trình tiếp cận các tác phẩm chuyên ngành sau đó dễ dàng hơn.

Tác phẩm mở đầu với câu nói đã trở nên nổi tiếng của Gombrich: "Không có thứ gọi là Nghệ thuật. Chỉ tồn tại những nghệ sĩ".

28 chương sách sau đó đưa người đọc vào một cuộc hành trình khám phá sự phát triển của nghệ thuật châu Âu lần lượt qua 5 giai đoạn: Cổ đại và Trung cổ, Phục hưng và Kiểu cách, Chủ nghĩa Baroque và Tân cổ điển, Thế kỷ 19 và Thời đại hiện đại.

Ở cuối mỗi chương, một hình ảnh minh họa đặc trưng cho giai đoạn sẽ được chọn để nói lên số phận chung và thế giới của người nghệ sĩ trong thời kỳ đó. Những bức tranh này tạo nên một chuỗi ngắn hình ảnh độc lập minh họa cho sự thay đổi trong vị trí xã hội của nghệ sĩ lẫn công chúng, mang đến một bức tranh kiên cố về bối cảnh thế giới vào thời điểm nghệ thuật của quá khứ trỗi dậy.

Lựa chọn khảo sát nghệ thuật từ góc nhìn lịch sử, E. H. Gombrich mong muốn giúp độc giả hiểu được ý đồ nghệ thuật mà các bậc thầy muốn nhắm tới. Mỗi thế hệ nghệ sĩ, ở mức độ nào đó, đều thực hiện “cuộc cách mạng” chống lại các tiêu chuẩn mà những bậc tiền bối đã đặt ra; mỗi tác phẩm nghệ thuật đều cuốn hút người đương thời không chỉ bằng những điều nó đã đạt được, mà cả bằng những điều nó chưa chạm tới.

Ham muốn trở nên khác biệt có thể không phải là ham muốn tột bậc nhất ở một nghệ sĩ, nhưng không có nghĩa là không có. Và thái độ trân trọng sự khác biệt trong ý đồ của các nghệ sĩ sẽ giúp chúng ta tiếp cận nghệ thuật của quá khứ một cách dễ dàng nhất.

Với cái nhìn chân thực từ góc độ phê bình nghệ thuật cùng cách viết mạch lạc, dễ hiểu và nền tảng kiến thức đa dạng, tác giả đã tạo nên một cuốn sách phù hợp cho mọi độc giả yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Từ khi xuất bản, Câu chuyện Nghệ thuật vẫn tiếp tục duy trì thành công của nó ở vị trí là một tác phẩm kinh điển trong danh sách các đầu sách nghệ thuật tuyển chọn. Tạp chí The Times đã đánh giá đây là “cuốn sách về đề tài nghệ thuật được bán chạy nhất nước Anh, không bao giờ bị tuyệt bản, luôn luôn được đặt hàng.”

ND

Tin nổi bật