Cảnh báo những mã độc mới hướng tới ngân hàng, tiền điện tử
Những mã độc nhắm vào ngân hàng, tiền điện tử, sử dụng cửa hậu mới và săn lùng thông tin tại Đông Nam Á là những tiết lộ của báo cáo Quý III năm 2019 từ Kaspersky.
Mã độc KONNI nhắm mục tiêu tiền điện tử
Theo báo cáo xu hướng APT của Kaspersky Quý III năm 2019, trong số những hoạt động mới được các nhà nghiên cứu của Kaspersky theo dõi, có sự hiện diện của phần mềm độc hại Android ngụy trang dưới dạng trình nhắn tin di động hoặc ứng dụng tiền điện tử.
Sau khi hợp tác chặt chẽ với Đội ứng cứu sự cố (CERT) Hàn Quốc để vô hiệu hóa máy chủ của tin tặc (hacker), Kaspersky đã có thể điều tra mã độc mới cũng như phát hiện mối quan hệ của nó với KONNI.
KONNI là một chủng mã độc Windows đã được sử dụng trước đây để nhắm mục tiêu vào một tổ chức nhân quyền và cá nhân có mối quan tâm đến các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Mã độc này cũng được biết đến với việc nhắm mục tiêu vào tiền điện tử bằng cách triển khai đầy đủ các tính năng để kiểm soát thiết bị Android bị nhiễm độc cũng như đánh cắp tiền điện tử cá nhân khi người dùng sử dụng các tính năng này.
BlueNoroff tàng hình và các ngân hàng tại Đông Nam Á
Cũng theo báo cáo, Kaspersky cũng đã theo dõi BlueNoroff, tập đoàn tài chính của nhóm APT khét tiếng Lazarus, gây lây nhiễm cho một ngân hàng ở Myanmar trong Quý III năm 2019.
Với cảnh báo kịp thời, công ty an ninh mạng toàn cầu đã gửi tới ngân hàng và các nhà nghiên cứu liên quan những thông tin giá trị về phương thức những kẻ tấn công truy cập máy chủ sử dụng, chẳng hạn như các kỹ sư thuộc hệ thống ngân hàng hiện đang tương tác với Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT - Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication).
Kaspersky cũng phát hiện ra các chiến thuật mà BlueNoroff đã thực hiện để tránh bị phát hiện như sử dụng và liên tục thay đổi tập lệnh Powershell.
BlueNoroff cũng sử dụng phần mềm độc hại rất tinh vi có thể hoạt động như cửa hậu (backdoor) thụ động hoặc chủ động, hoặc thậm chí là một công cụ tạo đường hầm (tunnel), tùy thuộc vào tham số dòng lệnh.
Nhóm Andariel APT sử dụng “cửa hậu” mới
Một nhóm phụ khác của Lazarus, nhóm Andariel APT, đã tiến hành những nỗ lực mới để xây dựng cơ sở hạ tầng C2 nhắm vào máy chủ Weblogic thông qua hoạt động khai thác CVE-2017-10271.
Chiến thuật này đã được chứng minh tính hiệu quả sau khi những kẻ tấn công đã thành công trong việc cấy mã độc vào chữ ký hợp pháp thuộc sự quản lý của một nhà cung cấp phần mềm bảo mật Hàn Quốc. Chữ ký chứa mã độc đã bị thu hồi nhờ phản ứng nhanh của CERT Hàn Quốc.
Thường tập trung vào hoạt động gián điệp địa chính trị và tình báo tài chính ở Hàn Quốc, Andariel cũng đang sử dụng một loại cửa hậu hoàn toàn mới được gọi là ApolloZeus. Cửa hậu phức tạp và kín đáo này sử dụng shellcode (một đoạn mã nhỏ được sử dụng làm trọng tải trong việc khai thác lỗ hổng phần mềm) tương đối lớn để khiến việc phân tích trở nên khó khăn hơn.
Dựa vào điều tra của Kaspersky, tấn công của Andariel nằm trong giai đoạn chuẩn bị cho một chiến dịch mới sẽ diễn ra.
Ông Costin Raiu, Giám đốc Nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu của Kaspersky cho biết: "Các cuộc tấn công nhắm mục tiêu chống lại tổ chức tài chính sử dụng nhiều kỹ thuật tinh vi - trước đây chỉ thấy trong các cuộc tấn công APT - với cơ sở hạ tầng được sử dụng để “rửa” sản phẩm bị đánh cắp. Trong Quý III này, chúng ta đã thấy các tác nhân đe dọa tiên tiến như Andariel và BlueNoroff của Lazarus nỗ lực thực hiện tấn công vào - không chỉ ngân hàng mà là các công ty đầu tư và tiền ảo. Chúng tôi khuyên tất cả doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên cảnh giác và đề phòng chống lại các cuộc tấn công tương tự như vậy”.
Chiến dịch sử dụng mã độc săn lùng thông tin tại Đông Nam Á
Bên cạnh các nhóm APT nói tiếng Hàn đang hoạt động thì trong Quý III năm 2019, Kaspersky cũng đã nhận thấy một chiến dịch sử dụng mã độc được FireEye gọi là DADJOKE - chuyên săn lùng thông tin tại khu vực Đông Nam Á.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi việc sử dụng phần mềm độc hại này trong một số ít chiến dịch vào đầu năm để chống lại các tổ chức chính phủ, quân đội và ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á. Hoạt động mới nhất được phát hiện vào ngày 29/8/2018 liên quan đến một vài cá nhân làm việc cho tổ chức quân sự.
Ông Seongsu Park, nhà nghiên cứu bảo mật cấp cao tại Kaspersky cho biết: “Chúng tôi từng nhấn mạnh trong Báo cáo APT Quý II rằng các chiến dịch APT nói tiếng Hàn đang dành nhiều sự chú ý vào nhiều tổ chức khác nhau ở khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc. Đúng như dự đoán, chúng tôi đã theo dõi thấy một số hoạt động độc hại từ các nhóm APT nói tiếng Hàn và mã độc mới xuất hiện ở cả hai khu vực từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay. Quan sát của chúng tôi cho thấy hầu hết chúng đều rất “khát” thông tin tình báo, cả về bí mật tài chính và địa chính trị.”
Báo cáo Xu hướng APT Quý III năm 2019 tóm tắt các phát hiện của báo cáo tình báo mối đe dọa dành cho người dùng Kaspersky, bao gồm dữ liệu IOC và các quy tắc YARA để hỗ trợ dự báo và tìm kiếm mã độc.
QA