Báo chí còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện điều tra chống tham nhũng
Sáng 5/10, Câu lạc bộ Cafe Số đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề: “Báo chí điều tra: Kỹ năng và nghiệp vụ” nhằm giới thiệu kết quả khảo sát thực tế về quyền tiếp cận thông tin của các nhà báo Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các bài điều tra chống tham nhũng.
Nhà báo Lê Nghiêm - Phó chủ nhiệm câu lạc bộ cafe số. Ảnh: Minh Thúy |
Tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Nghiêm - Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ cafe số đã giới thiệu đề tài nghiên cứu: "Thực tiễn thực thi quyền tiếp cận thông tin của báo chí trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam".
Buổi sinh hoạt chuyên đề "Báo chí điều tra: Kỹ năng và nghiệp vụ" |
Theo đó, đề tài nghiên cứu đã khảo sát các vụ việc từ 2009-2019, chủ yếu tập trung về kiến thức, nhận thức và hành vi liên quan đến pháp luật tiếp cận thông tin của nhà báo và người phát ngôn.
Nghiên cứu của nhà báo Lê Nghiêm đã tổng kết những phát hiện chính gồm: Hành lang pháp lý, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của các nhà báo.
Báo chí gặp khó khăn, thậm chí bất lực khi vụ việc liên quan đến cấp trên, lãnh đạo cấp cao. Do đó, nhà báo phải vượt qua giới hạn thông thường thì mới có thể thực hiện thành công bài điều tra. Thực tế, cơ quan nhà nước còn lúng túng, né tránh, trì hoãn, từ chối phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Khách mời tham dự buổi tọa đàm |
Thống kê cho thấy, 15,9% nhà báo cho biết tiếp cận được thông tin ngay lần đầu và có tới 64,5% nhà báo cho biết nhiều lần mới tiếp cận được thông tin
Hiện, vai trò của mạng xã hội đang ngày càng tăng giúp nhà báo tiếp cận thông tin tốt hơn và bài báo có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn hơn.
Nhà báo Lê Nghiêm chia sẻ: “Nhà báo điều tra là những nhà báo đặc biệt, phải vượt qua những giới hạn thông thường. Do đó, họ thường không tiếp cận thông tin theo quy trình bình thường. 20,4% người phát ngôn và 59,3% nhà báo xác nhận quen biết có thể bỏ qua quy trình, thủ tục theo quy định; 43,7% nhà báo xác nhận được tiếp nhận thông tin đầy đủ hơn nếu quen biết người phát ngôn và 17,6% nhà báo xác nhận có được thông tin không thuộc danh mục công khai.
Nhà báo Lê Nghiêm |
“Thực tế cho thấy, một số trường hợp nhà báo nhận được những thông tin không chính xác từ cơ quan nhà nước, như vụ PMU18, vụ AVG, Thủ Thiêm, vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng – Hải Phòng,…
Trong quá trinh tác nghiệp, các nhà báo đã sử dụng kỹ năng tiếp cận thông tin đặc biệt. Điển hình như nhà báo Hoàng Thiên Nga – trực tiếp làm việc với các cơ quan trung ương để có sự hậu thuẫn, ủng hộ; nhà báo Nguyễn Hoài Nam – bí mật ghi âm; nhà báo Bùi Lan Anh – sử dụng live stream tài khoản cá nhân,…
Đáng chú ý, nhiều nhà báo, đặc biệt là nhà báo nữ có bản lĩnh nghiệp vụ, liêm chính và quyết tâm cao đã có những bài báo điều tra thành công” – Nhà báo Lê Nghiêm cho hay.
Nguồn: Minh Thúy/ Viettimes.vn