Máy bay Vietnam Airlines có wifi từ ngày 10/10, giá khoảng 8-10 USD
Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên cung cấp dịch vụ wifi và dịch vụ này sẽ được áp dụng trên tàu bay thân rộng Airbus A350.
Đội máy bay A350 được Vietnam Airlines triển khai cung cấp dịch vụ wifi từ ngày 10/10 tới. |
Vietnam Airlines sẽ cung cấp dịch vụ wifi trên các tàu bay thân rộng, thế hệ mới Airbus A350 vào ngày 10/10 tới đây và giá wifi sẽ được cung cấp theo gói, khoảng 8-10 USD (dao động từ 185.000-232.000 đồng)/hành khách/chuyến bay.
Tại buổi trao đổi với báo chí chiều tối nay (ngày 27/8), ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Trưởng ban công nghệ thông tin Vietnam Airlines cho biết, trên thế giới, việc kết nối Internet trên tàu bay có từ khoảng 5-6 năm nay. Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên cung cấp dịch vụ wifi.
“Tàu bay Airbus A350 được hãng nhận về từ năm 2015 nhưng do một số các yếu tố để đảm bảo an ninh, an toàn bay nên đến thời điểm hiện tại Vietnam Airlines mới có thể triển khai được dịch vụ này trên 4 tàu bay A350 mà hãng đang sở hữu và sắp tới sẽ triển khai trên các máy bay khác,” ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, nhà cung cấp dịch vụ cho hãng là SITAONAIRl, tập trung vào việc gửi tin nhắn và email. Thời gian đầu, dịch vụ viber hay messenger có thể sử dụng bình thường, còn dịch vụ lướt web, check email tốc độ có thể hơi chậm vì còn phụ thuộc vào số lượng người truy cập.
“Khi tàu bay đạt độ cao 10.000 feet thì wifi sẽ được bật và khi tàu bay chuẩn bị hạ cánh sẽ ngắt. Khách hàng khi có nhu cầu kết nối wifi trên tàu bay sẽ sử dụng các thiết bị di dộng như smartphone, máy tính bảng sẽ kết nối vào cổng được phát sóng trên tàu bay, đăng ký vào dịch vụ,” ông Tiến thông tin thêm.
Khẳng định đây là dịch vụ mới tại Việt Nam nên giá, chi phí hiện nay chưa có thông tin cuối cùng nhưng sẽ có các gói như sử dụng text, email hay lướt web, ông Tiến tiết lộ, Vietnam Airlines sẽ có chính sách khuyến mại đặc biệt tặng trong một khoảng thời gian với dịch vụ nhắn tin, giá dịch vụ tương đương dịch vụ data roaming khi sử dụng ở nước ngoài, có thể 8-10 USD/hành khách/chuyến bay tùy thuộc vào gói dịch vụ mà hành khách có nhu cầu mua. Mặt khác, dịch vụ này kết nối qua vệ tinh nên giá dịch vụ đắt.
Để truy cập được wifi, hành khách có thể sử dụng vocher để đăng nhập hoặc mua gói dịch vụ Vietnam Airlines cung cấp tương đồng như các hãng hàng không khác trên thế giới đã triển khai và việc thanh toán thông qua các ứng dụng sử dụng tương đối ổn định.
Theo ông Tiến, hiện nay các thủ tục của nhà chức trách đã hoàn thành và có thể triển khai được ngay cho các dòng tàu máy bay Airbus A350. Các tàu bay khác đang trong quá tình hoàn thiện lắp dặt thiết bị, xin phê chuẩn, thời gian tới tiếp tục triển khai cho máy bay thân rộng, bay đường dài còn với máy bay thân hẹp sẽ nghiên cứu sử dụng công nghệ trong thời gian tới.
“Hiện nay các máy bay đa số có thiết bị wifi, phải có thêm thiết bị kết nối vệ tinh và tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ. Airbus A350 là lô tàu đã có thiết bị, cấu hình máy bay đã có sẵn và chỉ cần chọn được nhà cung cấp dịch vụ internet. Qua quá trình thăm dò thị trường, các tàu còn lại đã có thiết bị nhưng chưa được cung cấp dịch vụ. Thời gian triển khai tiếp phụ thuộc vào đầu tư thiết bị, nhà cung cấp dịch vụ, phê chuẩn và thường mất khoảng 1-3 năm,” ông Tiến nói.
Đề cập đến việc khách nhận diện để biết wifi trên máy bay, theo đại diện Vietnam Airlines, khi khách làm thủ tục hoặc trên cửa ra máy bay sẽ có biển bảng để nhận biết chuyến bay có wifi, lên máy bay tiếp viên sẽ có hướng dẫn. Trên mỗi ghế ngồi sẽ có hướng dẫn sử dụng để vào wifi trên máy bay, hành khách khó khăn gì khi sử dụng có thể hỏi tiếp viên để giải đáp những thắc mắc.
Được biết, Vietnam Airlines sẽ ưu tiên đầu tư cho đội bay thân rộng để có kết nối internet, đây là 4 máy bay đầu tiên và tiếp đó tương lai toàn bộ đội bay thân rộng sẽ có internet.
Thừa nhận công nghệ kết nối internet trên máy bay có 2 loại khác nhau, ông Tiến cho biết, một số hãng sử dụng vệ tinh, chi phí đắt, tốc độ chậm, khuyến cáo sử dụng text, email là chính. Loại thứ 2 là không đối đất, phát từ mặt đất lên, chi phí rẻ hơn, tốc độ cao hơn nhưng hạ tầng dưới mặt đất phải do nhà mạng cung cấp, hiện nay chỉ có Mỹ, Canada cung cấp được với 200 trạm thu phát dưới mặt đất, chi phí chỉ một nửa hoặc chỉ là 1/3 so với vệ tinh. Riêng dịch vụ phát từ mặt đất ở Việt Nam cần một thời gian nữa mới có thể phát triển.
Ngoài dịch vụ cung cấp wifi trên tàu bay, từ tháng Mười tới đây, Vietnam Airlines và FPT play thống nhất cung cấp dịch vụ giải trí cho hành khách sử dụng dịch vụ của hãng.
Theo đó, hành khách khi mua vé máy bay của Vietnam Airlines sẽ được xem phim, các chương trình của FPT Play miễn phí, tải về các thiết bị để xem offline khi đang di chuyển trên tàu bay.
Hành khách được sử dụng dịch vụ này từ 24 giờ trước giờ khởi hành của chuyến bay đến 6 tiếng sau giờ hạ cánh của chuyến bay. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ áp dụng cho hành khách đi trên Vietnam Airlines có điểm đầu và điểm cuối trong lãnh thổ Việt Nam.
Đại diện Ban dịch vụ hành khách Vietnam Airlines cho biết, số lượng chương trình cũng như dung lượng hành khách được tải về từ FPT play không giới hạn. Đặc biệt, giai đoạn đầu triển khai, một mã (code) vé máy bay có thể sử dụng cho nhiều người tải, không giới hạn lượt. Tuy nhiên, giai đoạn sau, Vietnam Airlines sẽ đánh giá và có điều chỉnh cho phù hợp./.
Theo Vietnam+