Lạ Hà Nội: Tây ồ ạt kéo đến quán cà phê 'đổ nát'
Chủ quán cà phê “đồng nát” ở phố Hàng Tre (Hà Nội) tiết lộ, trung bình mỗi ngày có từ 150-200 lượt khách đến thưởng thức càphê, trong đó 60% là khách nước ngoài.
Nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Tre (Hà Nội) có một quán cà phê thường được gọi là cà phê “đồng nát”. Có tên gọi này là bởi quán sử dụng 3.500 chai nhựa làm đồ trang trí, 100% đồ đạc trong quán là đồ tái chế và vật liệu thân thiện môi trường.
Anh Nguyễn Văn Thơ - chủ quán cà phê “đồng nát” này, cho biết, ý tưởng xây dựng quán cà phê tái chế từ rác xuất phát từ một kỷ niệm rất “đời” của anh cách đây 20 năm. Khi bà anh mất, sau 3 năm thì sang cát. Bố anh bảo mấy anh em kéo cái ván thôi ấy về ngâm xuống nước ở làng, sau 3 tháng thì kéo lên phơi khô để làm cửa chuồng bò. Nếu gia đình anh không dùng thì chắc chắn ông hàng xóm sẽ có đến xin ngay.
Từ đó, người thanh niên này ngộ ra rằng: “Rác hay là không rác, không phải bản thân nó, mà do cách chúng ta nhìn nhận. Đến cái ván thôi còn tái sử dụng được thì trên đời này không có cái gì là không tái sử dụng được cả”.
Lớn lên, sau hơn10 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch, điều anh nhận thấy là những bãi biển ở nước ta càng ngày càng nhiều rác.
"Nhiều khách du lịch nước ngoài nói phong cảnh đất nước bạn rất hoang sơ, bờ biển dài thật tuyệt vời nhưng bây giờ thì rác thải nhiều quá. Vẫn là một bãi biển nhưng đã thay đổi quá nhiều. Khi ấy tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó”, anh Thơ chia sẻ.
Vật dụng trong quán cà phê của anh Thơ đều được tái chế từ những món đồ đồng nát |
Cũng từ những trăn trở về rác, anh đã quyết định nghỉ việc tại một công ty du lịch của Mỹ với mức lương đáng mơ ước để chuyển hướng sang thu gom đồng nát, mở quán cà phê với những món đồ tái chế.
Khi quyết định bỏ mức lương lý tưởng để đi lùng rác, người ta nói anh điên rồ, mỉa mai anh rằng “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Nhưng anh vẫn có niềm tin rằng: “Trong thời đại công nghệ này, nếu mình làm đúng và được lan tỏa ra thì dù cánh én không làm nên mùa xuân nhưng nó báo hiệu mùa xuân đến, báo hiệu cho những thay đổi. Thách thức để thay đổi”.
Trần nhà của quán được anh làm từ hàng ngàn chai nhựa |
Một chiếc đèn chùm trong quán được làm từ bánh xe và xích xe hỏng |
Các chủ quán đồng nát sẽ chẳng còn lạ gì khi thấy anh chàng bụi bặm thường xuyên lui tới, lục tung quán đồng nát, miệt mài bới bãi rác để mang về những gì có thể tái chế được như: đầu máy cày, xe rùa chở xi măng, bánh xe, thùng sơn hay đơn giản là những chai rượu thủy tinh, cặp lồng, chai nhựa cũ,... Tất cả đều được tái chế và trở thành những vật dụng hữu ích trong quán cà phê của anh.
Điều đặc biệt ý nghĩa là anh đã giúp rác thải nhựa sống cuộc đời khác khi đã bị bỏ đi. Trong quán, chai nhựa trở thành đèn chùm, thành con chuồn chuồn, thành những chiếc chao đèn. Chai thuỷ tinh được anh biến thành những chiếc ly, cốc vô cùng bắt mắt. Hay như những chiếc lốp xe bỏ đi, bánh răng máy cày đã cũ cũng được anh sáng tạo thành bàn cà phê,...
Khách khá thích thú với quán cà phê đồng nát của anh Thơ |
Nhiều khách nước ngoài tìm tới quán |
Quán cà phê làm từ những vật dụng tái chế mới mở được hơn 3 tháng nhưng lượng khách đến đây ngày càng đông. Trung bình mỗi ngày có từ 150-200 lượt khách đến thưởng thức cà phê và tham quan mô hình, trong đó 60% là khách nước ngoài.
“Những người đến đây đa phần đều là những người yêu môi trường, thích cà phê và khám phá giá trị từ rác”, anh nói.
Ý thức chính là cái gốc của vấn đề, khuyến khích mọi người tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu rác. Vì thế quán áp dụng chương trình đặc biệt giảm giá 10-20% cho khách mua đồ uống mang đi khi đem chai nhựa, thủy tinh đến quán.
Phạm Mơ/vietnamnet.vn