Xây dựng hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam là hướng đi lâu dài
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân là hướng đi lâu dài, cần thiết, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và người dân Việt Nam.
Ngày 5/12/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã tổ chức Hội thảo Internet Day 2018 chủ đề “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam” dưới sự bảo trợ của Bộ TTTT. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng đã đến dự và phát biểu. Tham dự Hội thảo còn có đông đảo các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng Internet.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết bước vào năm thứ 21, Internet Việt Nam tiếp tục đặt ra cho chúng ta những thách thức và mục tiêu mới, đó là xây dựng hệ sinh thái số với các sản phẩm dich vụ nền tảng số do người Việt tự phát triển, làm chủ. Với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người (xếp thứ 15 trên thế giới, trong đó, tỷ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Điều này chứng minh rằng người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau.
Do vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam là hướng đi lâu dài, cần thiết, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) Việt hiện nay đã đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí là mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, từ thị trường cũng như người dùng. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ nói chung, Internet nói riêng đã mang đến các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút rất nhiều DN công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới”.
Cái mà chúng ta đang còn lúng túng, theo Thứ trưởng, chính là “luật chơi”. Thời gian gần đây, vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa VinaSun và Grab chính là một minh chứng. Đó không chỉ đơn giản là sự “xung đột” giữa một DN taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất, mà về bản chất, đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.
Mặc dù các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực để điều chỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng có một độ trễ nhất định của chính sách, khi mà thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách không thể theo kịp. Đây là vấn đề chung không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới, trong đó có những quốc gia phát triển.
Vậy làm thế nào để DN truyền thống DN Việt Nam vẫn có thể tồn tại và cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ? Theo Thứ trưởng, không có cách nào khác ngoài việc phải xây dựng một luật chơi công bằng và bình đẳng, với hiệu lực đủ mạnh để tất cả các “người chơi” đều phải tuân thủ.
Về xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng DN trong nước vẫn cần đóng vai trò nòng cốt trong việc thực thi. Các sản phẩm và dịch vụ do DN trong nước phát triển cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội và được đông đảo người dân đón nhận. “Các DN lớn cần dẫn dắt thị trường, tạo nên nền tảng cho các DN nhỏ, DN khởi nghiệp sáng tạo tham gia, cùng phát triển. Trong thời gian tới, cả ba phía là Cơ quan quản lý, Hiệp hội, DN cần cởi mở, chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhiều hơn, để cùng đồng hành và cùng hướng tới sự mệnh phục vụ quốc gia, người dân Việt Nam. Các DN trong nước cũng cần chung tay, liên kết lại để hướng tới những mục tiêu chung, “nghĩ cho những cái chung”. Điều đó sẽ giúp chúng ta nâng tầm nội lực của chính mình, vì cái chung đạt được thì cái riêng cũng sẽ được đáp ứng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc, Việt Nam hoan nghênh và chào đón sự đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia và lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng hệ sinh thái số để có hướng đi phù hợp cho Việt Nam.
Đại diện cho VIA, Chủ tịch VIA Vũ Hoàng Liên cho biết Internet có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái số để xây dựng quốc gia số. Quan hệ giữa con người số, môi trường số, quy định số là mối quan hệ tương hỗ, là động lực cho phát triển kinh tế số và hệ sinh thái số.
Ông Lê Duy Tiến, thành viên Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam - Bộ TTTT |
Cũng tại Hội thảo, ông Lê Duy Tiến, Vụ Khoa học công nghệ, thành viên Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam - Bộ TTTT đã trình bày quan điểm thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam. Theo đó, hệ sinh thái số Việt Nam được phát triển và cung cấp bởi DN Việt Nam, hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, cầu nối đầu tư cho DN Việt Nam làm sản phẩm, dịch vụ của hệ sinh thái số được phát triển mạnh. DN Việt Nam mạnh dạn đầu tư, kiên trì phát triển sản phẩm đủ sức cạnh tranh.
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo Internet Day 2018 sẽ diễn ra trong cả ngày hôm nay 5/12 với 3 nội dung chính gồm: Tổng quan về định hướng chính sách, tầm nhìn về hệ sinh thái số Việt Nam; Xu hướng công nghệ và kinh nghiệm quốc tế; và tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam: người chơi và luật chơi". Đặc biệt, trong phần tọa đàm sẽ được tổ chức vào cuối buổi sáng, các đại biểu tham dự sẽ được nghe các diễn giả uy tín đến từ Cục ATTT thuộc Bộ TTTT cùng đại diện các DN viễn thông, Internet, nhà cung cấp dịch vụ nội dung số, nhà sản xuất thiết bị thảo luận các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái số Việt Nam như: Việt Nam cần những “người chơi” nào cho hệ sinh thái số của mình? “Luật chơi" của hệ sinh thái gồm những gì và cần làm gì? Đâu là những sản phẩm, dịch vụ là cần thiết cho hệ sinh thái số Việt Nam…
Trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2018, 2 phiên hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức đồng thời vào chiều ngày 5/12:
Chuyên đề 1: Phát triển hạ tầng, tài nguyên Internet và vấn đề quyền riêng tư, bảo mật. Chuyên đề tập trung thảo luận về việc thúc đẩy phát triển Internet và các vấn đề liên quan bao gồm thúc đẩy băng thông rộng, phát triển tài nguyên Internet cùng các vấn đề riêng tư, bảo mật.
Chuyên đề 2: Chuyển đổi theo Cloud và tương lai các hệ sinh thái số sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về xu thế dịch chuyển theo Cloud trên thế giới và Việt Nam. Chuyên đề sẽ làm rõ những vẫn đề cần quan tâm trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ TTTT thúc đẩy chuyển đổi số và hệ sinh thái số kết hợp xu hướng dịch chuyển lên Cloud của thế giới và Việt Nam, sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ Cloud toàn cầu tại Việt Nam (Amazon, Azure, Google, Alibaba), sự tích cực cung cấp dịch vụ Cloud của các đơn vị trong nước (Viettel IDC, VNPT, VNG/VinaData, CMC, FPT, Nhân Hoà, iNET...) và xu hướng triển khai hạ tầng trên nguồn mở (OpenStack) để giảm giá thành.
Lan Phương, Mạnh Vỹ/ictvietnam.vn