Chuyện của Phòm 2: Tiếng cười khoẻ khoắn thời 4.0
Khác với “Chuyện của Phòm 1”, “Chuyện của Phòm 2” của LaHAN, vừa được giới thiệu tới đọc giả, không còn đậm chất nông thôn mà đã mở rộng ra cả thành thị, mang đến những tiếng cười khoẻ khoắn mà thâm thuý hơn.
Giữa muôn vàn cách kể, LaHAN chọn cho mình một lối kể gọn sắc và mang tính giễu nhại cao, qua đó bộc lộ trực diện những kiến giải riêng về cuộc sống.
Không giáo huấn, khuôn định mà “Chuyện của Phòm 2” tăng cường tính đối thoại như một cuộc truy tìm và cắt nghĩa đời sống từ những hiện tượng, sự kiện.
31 truyện của tập 2 là những cách sẻ chia giữa người với người, trong thời đại có quá nhiều biến động, bất trắc và hoài nghi. Người ta đôi khi nghe Phòm lý giải, nghe Phòm hỏi mà giải tỏa đi những bức bối thường ngày, bởi thế tiếng cười mà Phòm mang lại là tiếng cười khỏe khoắn và xây dựng.
Tác giả LaHan |
Cầm trên tay cuốn truyện, người đọc sẽ phải thốt lên rằng đây là những câu chuyện nhỏ bao chứa những vấn đề không nhỏ. Bởi nó thể hiện cái nhìn mang tính thời cuộc như: Đánh thuế nhà trên 700 triệu trong “Làng Phòm hội nhập”, chuyện phát âm C, K, Q trong “Làng Phòm dập dịch”, chuyện thi cử ở Hà Giang trong “Phòm theo thầy cúng”, chuyện đặc khu trong “Phòm thuê đất nuôi bò” hay chuyện dựng tượng ở Hải Phòng trong “Mặt người, mặt thú”… đều toát lên cái nhìn hóm hỉnh sâu cay; đồng thời khiến bạn đọc bị hấp dẫn bởi sự tò mò rồi có lẽ cả tự vấn trước những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Cùng với nhân vật Phòm, hình tượng làng Cửa Ao của Phòm được kiến tạo như một không gian nghệ thuật đặc sắc. Đó là kiểu làng của thời toàn cầu hóa. Ngôi làng nhỏ bé của Phòm đổi thay mạnh mẽ trước sự biến đổi của cuộc cách mạng công nghệ. Người dân trong làng ai cũng thông tường mọi sự đang diễn ra từ việc xây tượng đài, chuyện đánh thuế nhà đất (Làng Phòm hội nhập), thể thao, dịch bệnh, giải phẫu thẩm mĩ săm môi săm mũi, đến công nghệ 4.0, với sự thống trị của robot thay thế mọi hoạt động của con người. Ở đó diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái đẹp và cái xấu. Ở đó bên cạnh những người tiến bộ, thức thời như Phòm vẫn còn nhiều những mê tín, những thói xấu.
Tiến sĩ Thu Huyền (Viện Văn học) cho rằng: Một trong những yếu tố thành công của Phòm là tính tương tác cao. Các câu chuyện đi vào đời sống bằng cái nhìn vừa riết róng vừa gần gụi, cảm giác như Phòm và làng Phòm là một kho chuyện kể không bao giờ cạn, từng ngõ ngách, góc sân đều có thể “sinh chuyện” và “sinh sự”. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật Phòm nhận được sự đón nhận, cả những tin yêu và đồng cảm lớn, bởi Phòm nghĩ, thắc mắc, giải đáp hộ nhiều vấn đề bằng cái nhìn thấu đáo và tinh quái mà vẫn lạc quan, rất nhân văn – chuyện mà con người trong thời đại 4.0 đang cần và đang phải đối mặt.
Những câu chuyện không có hồi kết mở ra nhiều liên tưởng như trong “Nhà Thánh làng Phòm”, với sự kiện đền Vua than được lập từ cái nghè nhỏ và tu tạo nâng cấp kiểu tự phát, những thắc mắc, kiến nghị của các nhân vật đẩy câu chuyện đến cao trào rồi bị bỏ hẫng. Cái kết dở khóc dở cười của Phòm khi có chút hối hận vì đã trót tu chỉnh cái nghè là một câu hỏi day dứt và có ý nghĩa cảnh tỉnh.
Cùng chung quan điểm đó, Tiến sĩ Huỳnh Thu Hậu (Đại học Quảng Nam) cho biết thêm: Thông qua nhân vật Phòm, một người luôn trăn trở, đau đáu với những vấn đề nóng của thời đại, của đất nước, chúng ta nhận ra nhiều thông điệp mang tính dự báo, giáo dục, nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn gửi đến. Hiện thực cuộc sống đa chiều như những lớp sóng dội vào làng, dội vào Phòm đòi hỏi nhân vật phải bày tỏ chính kiến, quan điểm. Càng đọc càng ngẫm, chúng ta càng yêu mến và trân quý khát vọng đổi mới, hướng đến những điều tốt đẹp vượt lên trên cái xấu, cái kệch cỡm, cái giả dối, cái thấp hèn của Phòm và những người dân làng Phòm.
Mỹ Bình